Không lộn tẻ

"Cái l... tề!” - “Không, nếp tôi không lộn tẻ”. Đó là câu đối thoại được lặp đi lặp lại gần chục lần giữa chú Khách (người hôm trước đi nhờ ô tô, đòi lái, cuối cùng đã đái trong quần) và bà bán gạo nếp, ngồi dạng bề hê trên một chiếc đòn kê.

Chỉ tay về phía bà bán gạo, mặt đỏ tía tai, giọng lảu nhà lảu nhảu, chú Khách mách bảo: “Cái l... tề”.

Bốc nắm gạo từ thúng giơ lên, mặt mày nhăn nhúm, bà bán gạo kiên quyết bảo vệ thúng gạo của mình: “Không, gạo nếp của tôi không lộn tẻ!”.

Vốn tiếng Việt của chú Khách không khá cho lắm, cho nên chú chỉ lặp đi lặp lại mỗi cái câu ấy. Bà bán gạo chỉ chăm chăm vào thúng gạo của mình nên cũng cãi lấy cãi để cho cái thúng gạo nếp hoa vàng của mình là không lẫn một hột gạo tẻ nào.

Càng cãi, bà bán gạo càng dạng đôi chân rộng ra.

Giữa lúc bất phân thắng bại, thì có một cô gái cắp rá đi đến. Vừa nhìn bà bán gạo, cô gái giật mình, đỏ bừng má. Cô sẽ sàng ngồi xuống, ghé sát tai bà, thì thà thì thào. Bà bán gạo giật mình đánh thột một cái, khép vội hai chân lại. Chú Khách đắc thắng: “Ngổ nói là lúng mà.”

Hóa ra, sau khi lật đổ đế quốc, phong kiến, phụ nữ nước ta tha hồ mặc váy, mà bà con gọi là quần không đáy. Thời vua Tự Đức, việc này bị cấm chỉ. Cho nên mới có câu ca dao:

Tháng sáu có chiếu vua ra

Cấm quần không đáy, người ta hãi hùng

Không đi thì chợ không đông

Đi thì phải mượn quần chồng sao đang!

Ngẫm lại, mới thấy ông Vua kia thương đàn bà nước Việt thật. Ông ấy đã lường trước cái vụ “không lộn tẻ” nên cấm quần không đáy, để chị em khỏi bị chú Khách trông thấy và chỉ đích danh cái ngàn vàng của mình. Mà lạ quá, chú Khách nói ngọng rất nhiều, riêng cái từ ấy, chú phát âm rõ ràng ràng. Dân ta quen khinh chú Khách nói tiếng Việt không sõi, cho nên chính mình lại hiểu nhầm từ ngữ nước mình.

Phạm Việt Long

Nguồn Văn Hiến: http://vanhien.vn/news/khong-lon-te-83885