Không lo thiếu vaccine cúm trong mùa dịch Covid-19

Từ đầu tháng 2 đến nay, khi dịch bệnh Covid-19 bùng phát mạnh, nhu cầu tiêm vaccine phòng bệnh cúm của người dân trong tỉnh tăng rất cao.

Người dân chích ngừa vaccine phòng bệnh cảm cúm tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh sáng. Ảnh: H.Dung

Người dân chích ngừa vaccine phòng bệnh cảm cúm tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh sáng. Ảnh: H.Dung

Bác sĩ CKI.Nguyễn Văn Hiến, Phó trưởng phòng Khám đa khoa thuộc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh (CDC) cho biết, trung tâm hiện còn khoảng 2 ngàn liều vaccine phòng bệnh cảm cúm, đủ phục vụ nhu cầu của người dân trong tỉnh.

* Nhu cầu chích ngừa cúm tăng 5-6 lần

Những loại vaccine phòng bệnh cúm của trung tâm gồm: Influvac 0,5ml (Hà Lan), Vaxigrip 15mcg-0,5ml (Pháp), Vaxigrip 7,5mcg-0,25 ml (Pháp), GC Flu Pre-filled Syringe (Hàn Quốc). Mức giá mỗi liều vaccine từ 197-248 ngàn đồng.

Trước thời điểm dịch bệnh Covid-19 diễn ra, mỗi ngày CDC chỉ tiếp nhận và tiêm ngừa cho 10-15 trường hợp. Nhưng từ đầu tháng 2 đến nay, mỗi ngày có khoảng 50-60 người đến CDC để tiêm vaccine phòng bệnh cúm. Đối tượng tiêm vaccine rất đa dạng, từ 6 tháng tuổi trở lên đến những người 70 tuổi.

Khi có các triệu chứng của bệnh cúm, người dân không nên tự ý mua và sử dụng thuốc kháng sinh mà cần khám, dùng thuốc theo chỉ định của bác sĩ. Nếu thấy ho, sốt, sổ mũi, đau đầu, mệt mỏi, người dân cần đến ngay cơ sở y tế để được khám, xử trí kịp thời.

“Để đáp ứng nhu cầu tiêm vaccine phòng bệnh cúm của người dân trong tỉnh, dự kiến đến cuối tháng 4, khi các hãng thuốc có hàng, CDC sẽ tiếp tục nhập vaccine về. Số lượng liều nhập không hạn chế, trên tinh thần càng nhiều càng tốt, nhất là vaccine phòng cúm dành cho đối tượng trẻ dưới 3 tuổi” - BS.Hiến cho hay.

Vừa cho con gái 7 tuổi chích mũi vaccine phòng bệnh cảm cúm đầu tiên, chị Lê Thị Kim Nhan (ngụ P.Hòa Bình, TP.Biên Hòa) chia sẻ, từ khi dịch bệnh Covid-19 bùng phát, gia đình chị rất lo lắng nên lần lượt đi chích vaccine phòng bệnh cúm. Mặc dù biết chích ngừa cúm không phòng được bệnh Covid-19 nhưng sau khi chích ngừa, chị Nhan và mọi người trong gia đình cũng cảm thấy an tâm vì phòng được bệnh nào cũng tốt.

Tương tự, gia đình chị Nguyễn Thị Hiền (P.Long Bình, TP.Biên Hòa) cũng chủ động phòng ngừa bệnh cúm mùa cho 2 con nhỏ bằng cách tiêm vaccine tại Trung tâm Tiêm chủng cho trẻ em và người lớn (VNVC) đóng trên địa bàn P.Tam Hiệp, TP.Biên Hòa. Việc chích ngừa vaccine cúm không có gì khó khăn vì vaccine này luôn có sẵn tại VNVC.

Chị Hiền cho biết, đến nay cả 2 con của chị (2 tuổi và 6 tuổi) đều đã chích 2 mũi vaccine phòng cảm cúm. Những ngày qua, tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, gia đình chị hạn chế đến những nơi đông người nhưng không vì thế mà không đưa con đi chích vaccine cúm mùa để bảo vệ sức khỏe. Điều quan trọng là vợ chồng chị biết cách bảo vệ cho các con và bản thân bằng cách đeo khẩu trang khi đến nơi đông người, rửa tay bằng xà phòng thường xuyên, hạn chế cầm, nắm vào các đồ dùng, vật dụng ở những nơi công cộng.

* Nên chích ngừa cúm hằng năm

Bệnh cúm mùa có thể xảy ra quanh năm, phổ biến nhất là khi thời tiết lạnh. Ở Việt Nam, dịch cúm thường đạt đỉnh vào tháng 3, tháng 4, tháng 9 và tháng 10. Năm 2019, Việt Nam ghi nhận hơn 400 ngàn trường hợp mắc bệnh cúm, trong đó có 10 trường hợp tử vong.

Các bác sĩ cho biết, bệnh cúm không đáng sợ, không quá nguy hiểm nhưng tiềm ẩn nhiều nguy cơ. Những biến chứng của bệnh cúm có thể gặp phải là viêm phổi, viêm não khiến bệnh nhân phải nhập viện điều trị, thậm chí có thể tử vong. Cách phòng ngừa bệnh cúm mùa tốt nhất là tiêm vaccine phòng bệnh.

Theo đó, với những trẻ dưới 8 tuổi nếu chưa chích ngừa vaccine cúm lần nào thì nên chích đủ 2 mũi, mũi 2 cách mũi 1 ít nhất 1 tháng. Người từ đủ 8 tuổi trở lên thì mỗi năm nên chích vaccine phòng bệnh cúm một lần.

Tất cả mọi người đều có thể mắc bệnh cúm. Trong đó trẻ nhỏ, phụ nữ có thai, người mắc các bệnh mạn tính (tiểu đường, tim mạch) và người già - những người có sức đề kháng yếu thường dễ mắc bệnh hơn và dễ bị biến chứng của bệnh hơn.

Bệnh cúm mùa lây qua đường hô hấp nên tốc độ lây lan rất nhanh. Chỉ cần tiếp xúc gần với người bị bệnh cúm, khoảng 4 tiếng sau, một người khỏe mạnh đã có thể mắc bệnh cúm. Do đó, người dân không nên để đến khi có người trong gia đình bị bệnh cúm mới đi chích vaccine phòng bệnh mà nên chủ động chích ngừa càng sớm càng tốt. Thời điểm tốt nhất để chích ngừa vaccine cúm là trước khi vào mùa cúm hằng năm từ 2 tuần đến 1 tháng.

Theo BS.Nguyễn Văn Hiến, vaccine phòng bệnh cúm sẽ kích thích cơ thể tạo ra các kháng thể giúp bảo vệ cơ thể trước sự xâm nhập của loại virus đã được sử dụng để chế tạo ra vaccine. Đa số các loại vaccine có thể chống lại những loại virus cúm phổ biến như virus cúm A/H1N1, cúm
A/H3N2 và 2 loại virus cúm B.

Ngoài việc tiêm vaccine, để phòng ngừa bệnh cúm mùa, các bác sĩ khuyến cáo người dân khi đi ra ngoài đường phải mang khẩu trang, phải mặc áo ấm khi thời tiết lạnh; thực hiện việc che miệng khi hắt hơi; vệ sinh mũi, họng hằng ngày bằng nước muối. Đồng thời, hạn chế tiếp xúc với người đang bị bệnh cúm hoặc các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh khi không cần thiết.

Hạnh Dung

Nguồn Đồng Nai: http://www.baodongnai.com.vn/xahoi/202003/khong-lo-thieu-vaccine-cum-trong-mua-dich-covid-19-2991598/