Không lơ là với cúm gia cầm

Trước tình hình dịch cúm gia cầm đã xuất hiện ở hàng chục tỉnh, thành trong cả nước, nhất là dịch này có nguy cơ lây lan sang người, UBND tỉnh Đồng Nai đã chủ động triển khai đồng bộ công tác phòng, chống dịch.

Chăn nuôi gà ở H.Cẩm Mỹ. Ảnh: B. Nguyên

Chăn nuôi gà ở H.Cẩm Mỹ. Ảnh: B. Nguyên

Phó chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Chánh cảnh báo các địa phương, dịch cúm H5N1 nếu lây lan sang người thì rất nguy hiểm vì H5N1 sẽ làm 60% người nhiễm tử vong, cao nhất trong các loại bệnh truyền nhiễm về hô hấp.

* Đã khống chế dịch tốt hơn

Theo Cục trưởng Cục Thú y (thuộc Bộ NN-PTNT) Nguyễn Văn Đông, hiện tổng đàn gia cầm của Việt Nam đạt mức cao kỷ lục nhất từ trước đến nay. Từ đầu năm đến nay, cả nước xuất hiện 44 ổ dịch cúm gia cầm tại 14 tỉnh, thành phố; tập trung chủ yếu ở các tỉnh đồng bằng sông Hồng và đồng bằng sông Cửu Long. Tuy nhiên, dịch này đã được khống chế tốt, hiện có 24 ổ dịch đã công bố hết dịch, chiếm tỷ lệ 55% trên tổng số ổ dịch. Dịch cúm gia cầm chủ yếu xuất hiện ở các hộ chăn nuôi gà, vịt nhỏ lẻ, nhất là các hộ nuôi vịt chuyển đổi từ các khu chăn nuôi cũ, không thực hiện tốt việc tiêm vaccine phòng, chống cúm.

Trong đó, cần tăng cường công tác tuyên truyền để người dân ý thức trong phòng, chống dịch. Các huyện cần rà soát lại, tập trung cho công tác chỉ đạo; kiện toàn, củng cố các đội phản ứng nhanh tại các xã để luôn chủ động ứng phó khi xảy ra dịch.

Ông Nguyễn Văn Đông cho biết thêm, có được kết quả trên nhờ sự triển khai quyết liệt, đồng bộ công tác phòng, chống dịch bệnh trên gia súc, gia cầm. Bộ NN-PTNT và Cục Thú y đã thành lập 4 đoàn công tác trực tiếp đến 39 tỉnh, thành phố có dịch cũng như các tỉnh, thành phố có nguy cơ cao để hướng dẫn, đôn đốc triển khai các giải pháp phòng, chống dịch và các giải pháp an toàn sinh học, tiêu độc, khử trùng. Nhằm làm rõ nguy cơ dịch sẽ xảy ra ở những vùng nào, từ đó có biện pháp chủ động phòng, chống dịch, Cục Thú y cũng tổ chức lấy mẫu giám sát ở hàng chục tỉnh, thành trên cả nước.

Ngoài ra, từ năm 2013 đến nay, Cục Thú y đã phối hợp với các tổ chức quốc tế lấy mẫu ở các động vật hoang dã để xét nghiệm lưu hành đối với các chủng mới của virus corona và hiện đã xây dựng kế hoạch ứng phó đối với nguy cơ xuất hiện dịch này ở động vật. Cục Thú y cũng phối hợp với Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương để tổ chức tập huấn xét nghiệm chủng mới của virus corona trên động vật cho cán bộ thú y tại trung tâm chẩn đoán thú y và các đơn vị trực thuộc.

* Không chủ quan, lơ là

Ông Nguyễn Trường Giang, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi - thú y Đồng Nai cho hay, các địa phương đều tập trung vào công tác phòng, chống dịch bệnh trên gia súc, gia cầm nên vẫn bảo vệ tốt đàn chăn nuôi. Đến nay, Đồng Nai chưa xuất hiện ổ dịch cúm gia cầm. Khó khăn về việc thiếu nguồn vaccine phòng, chống cúm gia cầm do tổng đàn tăng nhanh hơn mọi năm đã được giải quyết. Năm nay do tình hình dịch bệnh phức tạp, việc tổ chức lấy mẫu giám sát dịch cúm gia cầm được thực hiện sớm hơn so với kế hoạch mọi năm, tập trung cho những địa phương có đàn gà lớn.

Dịch cúm gia cầm xảy ra chủ yếu ở các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ. Chăn nuôi vịt tại huyện Cẩm Mỹ

Ông Bùi Công Dũng, chủ trại nuôi gà tại xã Bình An (H.Long Thành) cho biết, lứa gà mới vừa nhập về của trang trại đều đã được tiêm vaccine phòng dịch cúm. Với tình hình dịch bệnh, nhất là dịch cúm gia cầm phức tạp như hiện nay, người chăn nuôi không dám lơ là trong việc thực hiện công tác phòng, chống dịch. Trong đó, các biện pháp an toàn sinh học để hạn chế thấp nhất rủi ro dịch bệnh được các trại nuôi thực hiện nghiêm túc.

Giám đốc Sở NN-PTNT Huỳnh Thành Vinh khuyến cáo, tình hình dịch cúm gia cầm, lở mồm long móng và dịch tả heo châu Phi trên địa bàn tỉnh tuy được khống chế tốt nhưng vẫn có nguy cơ tái phát. Cụ thể, tại Đồng Nai gần đây, dịch tả heo châu Phi đã tái dịch ở xã Phú Lý (H.Vĩnh Cửu), lở mồm long móng xuất hiện 4 ổ dịch trên địa bàn tỉnh. “Điều kiện thời tiết hiện nay ban đêm lạnh, ngày nắng nóng là môi trường cho dịch bệnh phát triển, đặc biệt là phát triển dịch cúm gia cầm. Về quy mô tổng đàn Đồng Nai hiện đứng thứ 2 cả nước nên cần hết sức tập trung cho công tác phòng, chống dịch bệnh trên gia súc, gia cầm” - ông Vinh cảnh báo.

Phó chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Chánh đặc biệt lưu ý, các huyện có tổng đàn gia cầm lớn tình trạng chăn nuôi trong khu dân cư còn phổ biến, rủi ro dịch bệnh rất cao và nếu xảy ra thì rất nguy hiểm vì dịch cúm lây từ vật nuôi qua người và tiếp tục lây từ người qua người nên không thể lơ là, mất cảnh giác. Ngành nông nghiệp tỉnh có trách nhiệm đôn đốc, kiểm tra, chỉ đạo các địa phương trong công tác phòng, chống dịch trên gia súc, gia cầm.

Bình Nguyên

Nguồn Đồng Nai: http://www.baodongnai.com.vn/kinhte/202003/khong-lo-la-voi-cum-gia-cam-2993277/