Không lơ là, chủ quan với bệnh sốt xuất huyết

So với cùng kỳ năm trước, số người mắc sốt xuất huyết (SXH) không tăng, nhưng do chủ quan hoặc quá lo sợ việc đến bệnh viện mà một số người đã tự điều trị tại nhà... Do vậy, bên cạnh việc thực hiện các biện pháp dự phòng thì khi người bệnh có những dấu hiệu mắc SXH cần được đưa đến ngay cơ sở y tế để khám, điều trị kịp thời.

So với cùng kỳ năm trước, số người mắc sốt xuất huyết (SXH) không tăng, nhưng do chủ quan hoặc quá lo sợ việc đến bệnh viện mà một số người đã tự điều trị tại nhà... Do vậy, bên cạnh việc thực hiện các biện pháp dự phòng thì khi người bệnh có những dấu hiệu mắc SXH cần được đưa đến ngay cơ sở y tế để khám, điều trị kịp thời.

Tiến sĩ Nguyễn Văn Lâm, Giám đốc Trung tâm Y học lâm sàng các bệnh nhiệt đới trẻ em (Bệnh viện Nhi T.Ư) cho biết, tính từ đầu năm đến nay đơn vị này đã tiếp nhận hơn 60 trẻ nhập viện điều trị vì mắc SXH (tập trung nhiều nhất là từ tháng 7) và những trẻ mắc bệnh chủ yếu là ở Hà Nội. Con số này có thể tăng lên trong thời gian tới khi bước vào “mùa dịch” SXH. Ðáng chú ý, trẻ bị SXH phải nhập viện điều trị khá đa dạng về độ tuổi, thậm chí có cả trẻ sơ sinh (dưới bảy ngày tuổi) cũng mắc bệnh. Rất may, đến thời điểm hiện tại, chưa có trẻ nào chết vì SXH.

So với cùng kỳ năm ngoái, số trẻ mắc SXH không tăng một phần là do các gia đình khi có trẻ mắc bệnh đều tự điều trị ở nhà. Các bác sĩ cho biết, các gia đình hay mắc phải sai lầm trong quá trình theo dõi, điều trị khi con đau, ốm. Khi trẻ có biểu hiện sốt kèm theo mệt mỏi, chán ăn, phát ban... nguyên tắc đầu tiên các gia đình cần xem nguyên nhân sốt của trẻ để tìm cách hạ sốt cho con. Tuy nhiên, nhiều bậc phụ huynh cho con hạ sốt chưa đúng cách. Khi trẻ bị SXH lại cho uống thuốc hạ sốt Ibuprofen. Nhưng thuốc này là nguyên nhân hàng đầu gây ra tình trạng xuất huyết tiêu hóa. Ðã có những trẻ nhỏ cấp cứu xuất huyết tiêu hóa sau khi uống thuốc hạ sốt này. Vì thế, cần khuyến cáo các bậc cha mẹ tuyệt đối không cho trẻ dùng loại thuốc hạ sốt Ibuprofen khi bị SXH. Khi trẻ bị SXH chỉ cần hạ sốt bằng thuốc paracetamol thông thường.

TS Nguyễn Văn Lâm nhấn mạnh: SXH do vi-rút gây nên, bệnh khởi phát cũng giống như các trường hợp nhiễm trùng khác: sốt nhẹ, mệt mỏi, đau người, sang ngày thứ hai, thứ ba sốt cao, ban xuất huyết, đau bụng, nôn ói, kém ăn, rối loạn ý thức. Trong những trường hợp nặng có thể có biểu hiện sốc do mất dịch. Do đó, việc bù dịch cho trẻ cũng rất quan trọng nhưng phải bù đúng cách. Giai đoạn sau ngày thứ năm, thứ sáu, trẻ sẽ tái hấp thu cho nên nếu bù dịch không đúng theo phác đồ thành thừa dịch, gây tràn dịch đa màng, có thể gây khó thở...

Nếu như số lượng trẻ mắc SXH nhập viện không lớn thì số người lớn mắc SXH lại khá nhiều khi từ đầu năm 2020 đến nay, Trung tâm Bệnh nhiệt đới (Bệnh viện Bạch Mai) đã tiếp nhận và điều trị hàng trăm trường hợp SXH, trong đó có một số trường hợp nặng trên các cơ địa đặc biệt như phụ nữ có thai, người bệnh suy tim, suy thận, bệnh phổi mạn tính... Ðáng chú ý, tại Hà Nội, từ đầu hè tới nay, số người mắc SXH ở các huyện ngoại thành như Hoài Ðức, Ðan Phượng, Thường Tín,... đã dần dịch chuyển vào các khu vực trung tâm như quận Nam Từ Liêm, Thanh Xuân, Hoàng Mai...

Ðáng chú ý, trong quá trình điều trị cho người lớn bị SXH, cũng cho thấy có những sai lầm. Ðó là hiện tượng người bệnh (một thanh niên 27 tuổi ở Khương Trung, Thanh Xuân, Hà Nội) bị SXH mà nhân viên y tế lại nhầm lẫn với Covid-19. Do có yếu tố dịch tễ với dịch Covid-19, cho nên ban đầu cả người bệnh và bác sĩ đều nghĩ ngay đến Covid-19. Nhưng khi làm xét nghiệm RT-PCR cho kết quả âm tính với vi-rút SARS-CoV-2. Kết quả xét nghiệm công thức máu thấy tiểu cầu hạ, kèm da xung huyết đỏ, lúc này xét nghiệm Dengue dương tính thì mới điều trị theo phác đồ SXH. Một trường hợp khác được người nhà đưa vào Khoa Cấp cứu A9 (Bệnh viện Bạch Mai) được chẩn đoán mắc SXH, trước đó tự truyền dịch tại nhà, không vào viện điều trị. Khi đưa đến Khoa Cấp cứu, người bệnh đã bị ngừng tim 30 phút; được tiến hành cấp cứu, ép tim và tim đã đập trở lại, sau đó lại ngừng tim lần hai. Với nỗ lực rất cao, các bác sĩ đã hồi sức tim cho người bệnh thành công và tiến hành đặt ECMO (kỹ thuật tim phổi nhân tạo). Tuy nhiên, do tình trạng quá nặng, người bệnh đã chết hai ngày sau do suy đa tạng.

Theo PGS,TS Ðỗ Duy Cường, Giám đốc Trung tâm Bệnh nhiệt đới, trên đây là hai sai lầm đáng tiếc mà người dân và nhân viên y tế dễ mắc phải trong việc chẩn đoán và điều trị SXH khi dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp. Các triệu chứng của SXH là sốt cao liên tục, kéo dài năm, bảy ngày, kèm theo đau đầu, đau người, có thể nổi hạch, phát ban trên người, da xung huyết đỏ, đau bụng vùng gan, buồn nôn. Nặng hơn có thể xuất huyết chảy máu dưới da, chảy máu cam, chảy máu chân răng, nặng hơn có biểu hiện xuất huyết nội tạng như xuất huyết tiêu hóa, xuất huyết não, tổn thương gan, rối loạn đông máu... Khi có một trong những biểu hiện nêu trên, người dân nên đến các cơ sở y tế để được xét nghiệm chẩn đoán và điều trị, tuyệt đối không được tự ý theo dõi và truyền dịch tại nhà.

Phần lớn người mắc SXH thường tự khỏi, tuy nhiên khoảng 5% số người bệnh sẽ có biểu hiện nặng như chảy máu hoặc thoát huyết tương gây sốc, nếu không phát hiện và điều trị kịp thời sẽ có nguy cơ gây tử vong. Ðặc biệt trong bối cảnh dịch Covid-19 bùng phát trở lại thì các triệu chứng của SXH cần hết sức lưu ý vì có một số triệu chứng rất dễ nhầm lẫn như: sốt, đau mỏi cơ. Nhân viên y tế cần khai thác yếu tố dịch tễ rất cẩn thận và kỹ càng, tránh bỏ sót hoặc nhầm lẫn, gây ra các hậu quả đáng tiếc.

Hoàng Thanh

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.com.vn/tin-tuc-xa-hoi/khong-lo-la-chu-quan-voi-benh-sot-xuat-huyet-616562/