Không lo chuyện lưu trú, giá cả dịp Lễ hội pháo hoa

Lùi hơn 1 tháng so với những năm trước, lại sau hơn gần 10 ngày kể từ khi học sinh cả nước nghỉ hè nên lượng du khách đến Lễ hội trình diễn pháo hoa quốc tế Đà Nẵng không quá dồn dập. Mối lo lưu trú, giá cả cũng được giảm tải vì hệ thống khách sạn đa dạng, phong phú, chính quyền cũng đã triển khai các biện pháp để quản lý, bình ổn thị trường.

Lùi hơn 1 tháng so với những năm trước, lại sau hơn gần 10 ngày kể từ khi học sinh cả nước nghỉ hè nên lượng du khách đến Lễ hội trình diễn pháo hoa quốc tế Đà Nẵng không quá dồn dập. Mối lo lưu trú, giá cả cũng được giảm tải vì hệ thống khách sạn đa dạng, phong phú, chính quyền cũng đã triển khai các biện pháp để quản lý, bình ổn thị trường.

Du khách không lo thiếu phòng khách sạn trong một tháng diễn ra DIFF 2019. Ảnh: C.K

Du khách không lo thiếu phòng khách sạn trong một tháng diễn ra DIFF 2019. Ảnh: C.K

Không còn cảnh găm phòng hét giá

Dịp 1-6, các gia đình bắt đầu kế hoạch du lịch sau khi con em nghỉ hè, là cao điểm của du lịch Đà Nẵng nhưng theo các đơn vị lưu trú, lữ hành thì lượng khách không dồn dập gây ra những áp lực cho dịch vụ. Vì trước đó, một lượng khách đã chọn kỳ nghỉ kéo dài dịp lễ 30-4, 1-5 cũng là thời điểm thành phố khai trương mùa du lịch biển. Theo khảo sát, ngoài các khách sạn ven dọc hai bờ sông Hàn có công suất đến hiện tại tương đối cao do khách đặt lưu trú kết hợp xem pháo hoa thì các khách sạn dọc biển, trung tâm và vùng ven vẫn còn dôi dư nhiều. Thậm chí, hệ thống khách sạn trước đây thường no khách thì đến trước lễ hội pháo hoa năm nay cũng chỉ đạt công suất 70-80%. Quỹ phòng vẫn còn đủ cung ứng cho khách lẻ đặt bất cứ khi nào. Tuy nhiên, các khách sạn ở vị trí đắc địa cũng tăng giá theo phương án của mùa cao điểm du lịch. Theo khảo sát, một số khách sạn dọc đường Bạch Đằng, Trần Hưng Đạo, Phạm Văn Đồng, Võ Văn Kiệt có giá tăng từ 20-40% so với ngày thường.

Đối với các homestay ven biển hoặc gần sông Hàn, ngoài một số ít có kênh đặt phòng qua mạng đã hoạt động lâu nay tiếp nhận lượng khách tương đối thì một số còn lại vẫn chỉ khai thác ở mức 50-80% số phòng đang có. Anh Nguyễn Thanh Hiếu – quản lý một homestay trên đường Lê Văn Duyệt cho biết, các phòng có ban công xem được pháo hoa khách đặt nhanh gọn. Những phòng này thuộc dạng “nhất cử lưỡng tiện” vừa lưu trú vừa khỏi phải mua vé xem pháo hoa, có không gian riêng tư nên giá cả cao hơn những phòng bình thường. “Phòng khách sạn và homestay không khan hiếm như mọi năm. Còn giá cả thì có tăng nhưng cơ sở lưu trú nào cũng cẩn trọng với phương án của mình. Nếu bán giá cao thì có nguy cơ không bán được. Chính vì thế, du khách có thêm nhiều lựa chọn hơn”, anh Hiếu cho hay.

Theo đại diện Phòng Cơ sở lưu trú, Sở Du lịch TP Đà Nẵng, từ năm 2017, thành phố không ban hành kế hoạch bình ổn giá như các năm trước. Thay vào đó, các khách sạn được phép điều chỉnh tăng hoặc giảm giá tùy thuộc vào thực tế nhân công, cơ sở vật chất, dịch vụ của đơn vị họ nhưng phải niêm yết và kê khai giá trực tuyến gửi về Sở Tài chính và UBND các quận, huyện. Mức giá tăng sẽ được công khai lên trang kekhaigia.danang.gov.vn sau khi Sở Tài chính hoặc UBND quận phê duyệt. Giá dịch vụ trong dịp diễn ra DIFF 2019 cũng ở mức ổn định vì số lượng khách sạn và phòng lưu trú trên địa bàn thành đã tăng nhiều so với trước đây, đặc biệt là sự xuất hiện của nhiều khách sạn tương đương 3-4 sao ven biển; chất lượng dịch vụ cũng được cải thiện nên diễn ra cuộc cạnh tranh mạnh mẽ, nếu quá “chảnh” sẽ có nguy cơ bị ế. Bà Trương Thị Hồng Hạnh – Phó Giám đốc Sở Du lịch TP Đà Nẵng thông tin, tổng số cơ sở lưu trú du lịch trên địa bàn thành phố tính đến tháng 5-2019 là 813 cơ sở với 36.761 phòng, tăng 100 cơ sở với 6.245 phòng so với cùng kỳ năm 2018. Trong đó khối 5 sao và tương đương là 26 khách sạn với 7.457 phòng, 4 sao và tương đương là 55 khách sạn, 3 sao và tương đương là 107 khách sạn. Bên cạnh đó, lượng cơ sở lưu trú tương đương 2 sao, căn hộ biệt thự cao cấp, nhà nghỉ du lịch và homestay liên tục ra đời khiến du khách có nhiều lựa chọn về thời gian, vị trí, giá cả cho phù hợp với nhu cầu.

Trao đổi với chúng tôi, ông Cao Trí Dũng – Chủ tịch Hiệp hội lữ hành Đà Nẵng cho rằng, lễ hội pháo hoa không còn là lý do quan trọng nhất để du khách tới thành phố nữa, nhưng cũng là một cái cớ cho một kỳ nghỉ kết hợp với nhiều điểm đến tại Đà Nẵng. DIFF 2019 được tổ chức lùi thời gian so với trước đây, trùng với thời điểm bắt đầu kỳ nghỉ hè của học sinh cũng là hợp lý để phân phối lại khách sau cao điểm 30-4, 1-5. Khi lượng khách trải đều ra trong thời gian dài thì khả năng cung ứng dịch vụ của điểm đến sẽ không chịu nhiều áp lực, việc lưu trú, đi lại, ăn uống cũng sẽ thuận lợi hơn. Những câu chuyện chặt chém, không niêm yết giá, không bán theo giá niêm yết hoặc tạo ra khan hiếm ảo cũng không còn.

Tẩy chay dịch vụ chất lượng kém

Với nhiệm vụ bình ổn thị trường trong thời gian diễn ra DIFF 2019, UBND TP Đà Nẵng đã ban hành kế hoạch kiểm tra, kiểm soát giá các dịch vụ trong thời gian từ ngày 30-5-2019 đến ngày 6-7-2019. Theo kế hoạch, thành phố Đà Nẵng giao các cơ quan liên quan như Sở Du lịch, Sở Công Thương, Quản lý thị trường và chính quyền các quận huyện tăng cường công tác quản lý Nhà nước về giá các loại dịch vụ lưu trú du lịch, vận tải hành khách bằng phương tiện thủy nội địa, dịch vụ ăn, uống, trông giữ xe. Trong đó, thành phố giao nhiệm vụ các đơn vị trực tiếp thực hiện công tác kiểm tra việc chấp hành quy định của pháp luật về giá, góp phần thực hiện bình ổn thị trường giá cả, không để xảy ra tình trạng tăng giá bất hợp lý cũng như kiểm soát chặt chẽ các hoạt động kinh doanh dịch vụ nhằm bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng. Nếu phát hiện sai phạm, ngoài việc xử phạt, thông tin về các tổ chức, cá nhân liên quan sẽ được công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng kèm theo khuyến nghị khách hàng không sử dụng các sản phẩm, dịch vụ chất lượng kém.

“UBND TP giao Sở Tài chính thành lập Đoàn kiểm tra liên ngành gồm các Sở: Tài chính, Công thương, Du lịch, Giao thông vận tải, Cục Thuế, Cục Quản lý thị trường, UBND các quận, huyện, phường, xã nơi có các cơ sở kinh doanh dịch vụ. Đoàn kiểm tra nghiêm túc thực hiện kế hoạch theo quy định của Luật Giá và các Pháp luật có liên quan. Việc kiểm tra, kiểm soát phải được lập thành biên bản cụ thể, Sở Tài chính có trách nhiệm báo cáo kết quả của Đoàn Kiểm tra cho UBND thành phố sau khi kết thúc đợt kiểm tra”, kế hoạch nêu rõ.

BẢO NAM

Không còn sốt vé

Giá vé xem pháo hoa năm nay có giá từ 300.000 đồng đến 1,2 triệu đồng/người lớn, 50.000 cho trẻ em có chiều cao dưới 1m. Riêng tại Khán đài A, vé cho đêm khai mạc và bế mạc có giá 2,5 triệu đồng, tăng 500.000 đồng so với năm 2018. Theo khảo sát, năm nay không còn tình trạng khan hiếm vé, “chợ đen” cũng không sôi động như trước đây. Cho đến chiều 29-5, hầu hết các kênh bán vé DIFF 2019 đều bán cho khách với mức chiết khấu từ 10-20% so với giá nhiêm yết trên vé.

Nguồn CAĐN: http://cadn.com.vn/news/72_206997_khong-lo-chuyen-luu-tru-gia-ca-dip-le-hoi-phao-ho.aspx