Không liêm, không sạch, không thể xử lý được ai

Trò chuyện với Tiền Phong nhân dịp 70 năm Ngày truyền thống ngành kiểm tra Đảng (16/10/ 1948 – 16/10/2018), ông Hà Quốc Trị, Ủy viên Ủy ban Kiểm tra Trung ương (UBKT T.Ư) cho rằng, để giữ gìn sự trong sạch của Đảng thì những người làm trong lĩnh vực kiểm tra phải liêm, phải sạch. Nếu không liêm, không sạch thì sẽ chùn bước, lung lay, sa ngã và rồi 'không thể xử lý được ai'.

“Phải liêm, phải sạch”

Được coi là “thanh bảo kiếm” giữ gìn sự trong sạch của Đảng, trong những năm qua, hoạt động của UBKT T.Ư được dư luận và nhân dân đánh giá cao, nhất là trong việc kiểm tra, xử lý các vi phạm có liên quan cán bộ thuộc diện Trung ương quản lý. Tuy nhiên, trong bối cảnh “chằng chịt” về lợi ích, về “quan hệ”, mỗi cán bộ kiểm tra làm gì để giữ vững bản lĩnh, bảo vệ sự trong sạch?
Trong bất kỳ giai đoạn nào thì những người làm trong lĩnh vực kiểm tra Đảng cũng phải giữ được truyền thống “đoàn kết, trung thực, kỷ cương và tận tụy”. Tuy nhiên, để hoàn thành được tốt các nhiệm vụ mà Đảng giao thì điều quan trọng nhất là những người làm công tác kiểm tra phải có bản lĩnh và dũng khí. Bản lĩnh đó thể hiện ở việc dám đấu tranh bảo vệ cái đúng, đấu tranh với những cái sai, nhất là với những cái sai của cán bộ, đảng viên, tổ chức đảng. Mà muốn có bản lĩnh, dũng khí thì như Tổng Bí thư đã nói là phải liêm, phải sạch. Nếu không liêm, không sạch thì không thể xử lý được ai.

Ông Hà Quốc Trị

Ông Hà Quốc Trị

Tuy nhiên, ngày nay các mối quan hệ xã hội rất phức tạp, nhiều cám dỗ, nhiều sức ép, từ mua chuộc, dụ dỗ, đến đe dọa, cảnh báo… Nếu không có bản lĩnh, dũng khí thì cán bộ sẽ chùn bước, lung lay, không dám đấu tranh và rồi sa ngã. Trong bối cảnh đó, những người làm công tác kiểm tra Đảng luôn phải biết giữ mình trong mọi hoàn cảnh, trường hợp. Không chỉ giữ mình khi thực hiện công việc mà còn phải “giữ mình” ở mọi lúc, mọi nơi… để bảo đảm sự khách quan, công tâm, giản dị.

Từ sau Đại hội 12 đến nay, công tác kiểm tra Đảng diễn ra quyết liệt, mạnh mẽ, thể hiện qua việc xử lý, kiến nghị xử lý kỷ luật hàng loạt vụ việc, liên quan nhiều cán bộ diện Trung ương quản lý, trong đó có nhiều cán bộ cấp cao, thậm chí cả Ủy viên Bộ Chính trị. Điều gì đã tạo ra sự quyết liệt đến như vậy, thưa ông?

Mỗi một thời kỳ, Đảng ta có chủ trương và các nhiệm vụ khác nhau, phù hợp với chiến lược phát triển đất nước. Tuy nhiên, đúng như các bạn đã đặt vấn đề và đây cũng là nhận xét chung của dư luận, của nhân dân là sau Đại hội 12 của Đảng, công tác kiểm tra của Đảng có chuyển biến, thể hiện qua các vụ việc được triển khai quyết liệt, mạnh, tập trung vào những lĩnh vực dễ phát sinh vi phạm. Điều này bắt nguồn từ tinh thần chung của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Tổng Bí thư trong việc chỉ đạo đấu tranh chống suy thoái, tiêu cực, tham nhũng trong Đảng. Bên cạnh đó, UBKT T.Ư thể hiện quyết tâm không ngại khó, ngại khổ, ngại va chạm trong công tác đấu tranh với các tiêu cực, vi phạm này.

“Trong thời gian tới, UBKT T.Ư tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ đã đề ra, trong đó tập trung vào những lĩnh vực nhạy cảm, được dư luận phản ánh có sai phạm. Bên cạnh đó, UBKT T.Ư cũng sẽ tiếp tục kiểm tra dấu hiệu vi phạm ở cấp huyện để tạo ra sự chuyển động, hạn chế tình trạng “trên nóng, dưới lạnh”

Ông Hà Quốc Trị, Ủy viên UBKT T.Ư

Tuy nhiên, để thực hiện được hiệu quả công việc kiểm tra, xử lý vi phạm trong Đảng, hằng năm UBKT T.Ư đều xây dựng kế hoạch chi tiết, rõ ràng, trong đó tập trung vào việc kiểm tra đảng viên, cơ sở đảng cấp dưới.

Điểm mới và cũng là điểm nổi bật trong cách thức thực hiện là UBKT T.Ư đã giao chỉ tiêu cho các vụ chức năng. Theo đó, mỗi năm các đơn vị này phải kiểm tra 1-2 tổ chức đảng trực thuộc T.Ư và 1-3 đảng viên diện T.Ư quản lý, chứ không nói chung chung.

Việc giao chỉ tiêu này không phải là áp đặt theo kiểu duy ý chí để rồi trong quá trình thực hiện lại tìm cách bới móc, bằng mọi cách để tìm ra sai phạm. Trái lại, chỉ tiêu xuất phát từ thực tế, từ đánh giá của Đảng về “tình trạng suy thoái về tư tưởng, đạo đức ngày càng diễn biến phức tạp”.

Hơn nữa, khi Đảng đánh giá về “một bộ phận không nhỏ”, nhiều người đặt vấn đề là “bộ phận đó nằm ở đâu” nhưng chúng ta không chỉ ra được. Nhưng từ sau đại hội đến nay, thông qua các vụ việc mà Đảng xử lý, chúng ta đã chỉ ra được rõ ràng, cụ thể “một bộ phận không nhỏ” là những ai, trong đó có cả cấp Ủy viên Bộ Chính trị. Điều này cho thấy, đánh giá của Đảng là hoàn toàn đúng và việc xây dựng chỉ tiêu của UBKT T.Ư cũng là phù hợp với thực tế.

Một điểm nhấn nữa là việc phân công và bố trí lực lượng trong hoạt động kiểm tra thời gian qua có sự đổi mới mạnh mẽ. Nếu như trước đây, khi xảy ra vụ việc gì đó thì người nắm địa bàn thường được phân công kiểm tra. Nhưng bây giờ thì khác, việc phân công rất linh hoạt, có thể vụ khác, người khác chứ không nhất thiết cứ phải là vụ phụ trách hoặc cán bộ bám địa bàn làm. Cái này ngăn ngừa được hiện tượng cục bộ, khép kín. Đây cũng là cách tự kiểm soát và kiểm tra chéo rất hiệu quả.

Ngày 4/10, T.Ư quyết định: khai trừ ra khỏi Đảng đối với ông Trần Văn Minh nguyên chủ tịch UBND TP Đà Nẵng

cách chức Ủy viên T.Ư Đảng và Bí thư Ban cán sự Đảng bộ TTTT nhiệm kỳ 2011-2016 đối với ông Nguyễn Bắc Son

“Trên nóng, dưới cũng hết lạnh”

Ngoài việc kiểm tra các tổ chức đảng, các đảng viên ở các bộ, ngành, tỉnh, thành ủy, vừa qua UBKT T.Ư còn tiến hành kiểm tra dấu hiệu vi phạm cả ở cấp huyện. Điều này có ý nghĩa như thế nào, thưa ông?

Trong quy định 30 về công tác kiểm tra, giám sát, xử lý kỷ luật Đảng đã nêu rõ: khi cần thiết thì có thể kiểm tra cách cấp, tức là kiểm tra xuống cấp dưới. Vậy khi nào thì cần thiết? Như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã từng nói là “có tình trạng trên nóng mà dưới thì lạnh”, ở trên trung ương thì làm mạnh mẽ quyết liệt nhưng ở cấp dưới lại thong thả, thậm chí có nơi không có động thái vào cuộc. Trước tình trạng đó, UBKT T.Ư đã thực hiện thí điểm, kiểm tra cách cấp, tức là vượt cấp, xuống đến cấp huyện để cấp tỉnh thấy được trách nhiệm của mình trong việc quản lý cán bộ.

Thực tế, khi UBKT T.Ư thông báo việc kiểm tra dấu hiệu vi phạm ở cấp huyện thì một số nơi nói rằng “địa phương chúng tôi chẳng có dấu hiệu vi phạm gì”. Nhưng thực tế kiểm tra ở thành phố Trà Vinh (tỉnh Trà Vinh) và huyện Hướng Hóa (Quảng Trị) cho thấy có tình trạng vi phạm. Ngoài việc xử lý các tổ chức đảng và các đảng viên vi phạm, việc kiểm tra này cũng là để cơ quan Đảng cấp trên thấy được trách nhiệm của mình trong quản lý, kiểm tra, giám sát và xử lý các vi phạm của cấp dưới.

Thưa ông, cấp tỉnh có trách nhiệm như thế nào khi để lọt những vi phạm nhất là khi cuối cùng T.Ư phải vào cuộc mới phát hiện ra?

Theo quy trình, các tổ chức Đảng có vi phạm phải kiểm điểm với tổ chức Đảng cấp trên. Qua kiểm điểm thì tổ chức Đảng cấp trên sẽ thấy rõ được khuyết điểm của mình. Ví dụ như những sai phạm ở huyện Hướng Hóa vừa rồi thì Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Trị cũng thấy rõ trách nhiệm trong quản lý, kiểm tra, giám sát quản lý tổ chức đảng cấp dưới. Điều này tạo sự lan tỏa và các đảng bộ khác thấy rằng, nếu không làm, nếu bưng bít, che giấu cho cấp dưới thì T.Ư sẽ làm. Khi đó cấp tỉnh cũng phải chịu trách nhiệm.

Thực tế, khi trung ương kiểm tra xuống cấp huyện thì cấp tỉnh có phản ứng gì không?

Cũng có nơi phản ứng. Khi chúng tôi xuống kiểm tra thì có nơi ủng hộ, nhưng cũng có nơi không đồng thuận. Họ nói rằng “cán bộ ở đó do chúng tôi quản lý việc gì UBKT T.Ư phải xuống kiểm tra”. Tuy nhiên, khi chúng tôi thực hiện việc kiểm tra thì cấp tỉnh vẫn phải chấp hành. Đến khi phát hiện ra sai phạm, ngoài việc xử lý các tổ chức, cá nhân có sai phạm thì điều này còn có ý nghĩa răn đe, nhắc nhở cấp tỉnh, thành ủy trong việc thực hiện chức trách quản lý cán bộ, tăng cường chỉ đạo kiểm tra dấu hiệu vi phạm đối với các cấp ủy Đảng.

Cảm ơn ông.

Văn Kiên (Thực hiện)

Nguồn Tiền Phong: https://www.tienphong.vn/xa-hoi/khong-liem-khong-sach-khong-the-xu-ly-duoc-ai-1334149.tpo