Không lẽ Nhà nước cũng đành bó tay!

Trong bản kết luận thanh tra việc chấp hành quy định pháp luật đối với một số dự án đầu tư, xây dựng có liên quan đến Công ty Cổ phần Phát triển đầu tư Thái Sơn, Bộ Q.P, Thanh tra Chính phủ đã liệt kê ra một loạt dự án công ty này trúng thầu nhưng không trực tiếp thi công, mà bán lại cho doanh nghiệp khác làm để lấy chênh lệch nhiều tỉ đồng.

 Các dự án bị nhà thầu bán đi bán lại qua mấy cấp. Ảnh minh họa Thành Hoa

Các dự án bị nhà thầu bán đi bán lại qua mấy cấp. Ảnh minh họa Thành Hoa

Bất thường là ở chỗ, theo kết luận của thanh tra, dù Công ty Cổ phần Phát triển đầu tư Thái Sơn khi đó không có đủ năng lực về máy móc, thiết bị, nhân công và kinh nghiệm để đáp ứng yêu cầu thực hiện các dự án nhưng vẫn được các chủ đầu tư lựa chọn trúng thầu. Điều này không thể không đặt ra nghi vấn có sự thông đồng để trục lợi ở các dự án đầu tư bằng tiền của Nhà nước này.

Các dự án bị nhà thầu bán đi bán lại qua mấy cấp và mỗi lần sang tay như vậy giá thi công lại giảm đi một mức nhưng người mua cuối cùng vẫn có thể hoàn thành để bàn giao cho chủ đầu tư. Điều này cho thấy hoặc giá trúng thầu của công trình đã bị đẩy lên quá mức so với giá trị thực của nó hoặc công trình bị cắt xén nhiều trong quá trình thi công để bù đắp cho số tiền bị giảm đi sau mỗi lần sang tay.

Dù rơi vào tình huống nào thì kết quả cuối cùng vẫn là Nhà nước đã phải “mua” những công trình, phần lớn là cơ sở hạ tầng, với giá đắt hơn so với giá trị thực.

Chắc chắn những trường hợp như ở Công ty Cổ phần Phát triển đầu tư Thái Sơn không phải là cá biệt. Thậm chí, nạn thông đồng trong đấu thầu để trục lợi luôn luôn là một trong những đề tài đầu tiên được nhắc tới trong mỗi sự kiện bàn luận về thất thoát trong đầu tư xây dựng cơ bản, hiệu quả sử dụng vốn đầu tư công...

Những chiêu thức mà các nhóm lợi ích áp dụng để trục lợi trong đấu thầu cũng không còn là điều bí mật, được nói công khai trên các diễn đàn. Đó là nạn “quân xanh quân đỏ”; nạn thông thầu; dùng quyền lực bên ngoài để can thiệp vào kết quả xét thầu; thậm chí là can thiệp trực tiếp vào quá trình chuẩn bị hồ sơ, “cài cắm” vào đó các điều kiện để loại bỏ những đối thủ cạnh tranh không mong muốn và mang lại lợi thế cho những đối tượng đã được “mặc định” để thắng thầu...

Một câu hỏi đặt ra là các chủ đầu tư, những người được Nhà nước trao cho trách nhiệm quản lý và triển khai thực hiện những dự án đầu tư bằng nguồn vốn của Nhà nước, có biết tài sản công đang có nguy cơ bị thất thoát qua các vụ dàn xếp đấu thầu đó hay không? Câu trả lời gần như chắc chắn là có.

Nếu vậy thì vì sao, ví dụ như trường hợp Công ty Cổ phần Phát triển đầu tư Thái Sơn, chỉ sau khi ông Đinh Ngọc Hệ, nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị và Tổng giám đốc, bị khởi tố về hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi, những góc khuất đấu thầu mới được đưa ra ánh sáng?

Thật ra không phải ai cũng có thể trục lợi trong đấu thầu các dự án đầu tư công. Ở những dự án loại này việc đấu thầu, xét và chọn thầu là một quy trình chặt chẽ qua nhiều cấp.

Trước “thế lực” đó, khả năng các ban quản lý dự án, đơn vị đại diện cho chủ đầu tư nhà nước, bị vô hiệu hóa là điều rất dễ xảy ra. Không lẽ Nhà nước cũng đành bó tay trước loại tội phạm tham nhũng này!

Thời báo Kinh tế Sài Gòn

Nguồn Saigon Times: https://www.thesaigontimes.vn/288271/khong-le-nha-nuoc-cung-danh-bo-tay-.html