Không lập vi bằng mua bán nhà, đất qua việc ghi nhận giao tiền

Sở Tư pháp TP.HCM vừa phát hành tài liệu là tờ gấp giới thiệu về chức năng lập vi bằng của Thừa phát lại (TPL) trên địa bàn TP.HCM.

Tờ gấp này giải thích vi bằng là văn bản do TPL lập ghi nhận sự kiện, hành vi được dùng làm chứng cứ trong xét xử và trong các quan hệ khác. Các Văn phòng TPL trên địa bàn TP.HCM được quyền lập vi bằng các sự kiện, hành vi xảy ra trên địa bàn TP.HCM.

Tài liệu này cũng lưu ý vi bằng không phải là văn bản công chứng, chứng thực. Vi bằng không chứng nhận, xác nhận tính hợp pháp của các hợp đồng, các giao dịch về nhà đất…Đồng thời, tờ gấp này giúp phân biệt về vi bằng và công chứng về người có thẩm quyền thực hiện (TPL, công chứng viên), giá trị pháp lý, hiệu lực của văn bản (vi bằng được xem là hợp lệ khi được đăng ký tại Sở Tư pháp TP.HCM. Trong khi đó văn bản công chứng có hiệu lực kể từ ngày được công chứng viên ký và đóng dấu của tổ chức hành nghề công chứng…).

Sở Tư pháp TP.HCM cũng đề UBND các quận-huyện quan tâm chỉ đạo các UBND cấp xã, hỗ trợ việc in ấn tờ gấp và thực hiện niêm yết công khai tại bộ phận tiếp nhận và trả kết quả, tuyên truyền xuống từng tổ dân phố của địa phương mình để phổ biến trong nhân dân.

Sở Tư pháp TP.HCM công bố tiếp nhận thông tin, phản ánh của người dân về hoạt động của TPL qua đường dây nóng của Sở (028) 38.223.292 hoặc (028) 38.225.368. Thời gian tiếp nhận phản ánh trong giờ hành chính (sáng từ 7g30-11g30, chiều từ 13g30-17g00) từ thứ hai đến thứ sáu hàng tuần.

Tờ gấp này (tài liệu tuyên truyền điện tử) đã được đăng tải trên trang thông tin điện tử của Sở Tư pháp TP.HCM (http://sotuphap.hochiminhcity.gov.vn)

Các trường hợp TPL không được lập vi bằng

Theo pháp luật hiện hành và hướng dẫn của Bộ Tư pháp, Thừa phát lại có quyền lập ghi nhận sự kiện, hành vi theo yêu cầu của đương sự, trừ các trường hợp sau:

1. Các trường hợp liên quan đến quyền, lợi ích của bản thân và những người thân thích của TPL.

2. Các trường hợp vi phạm quy định về bảo đảm an ninh, quốc phòng.

3. Các trường hợp vi phạm bí mật đời tư, trái đạo đức xã hội.

4. Các trường hợp thuộc thẩm quyền công chứng của tổ chức hành nghề công chứng, thuộc thẩm quyền chứng thực của UBND các cấp. Không lập vi bằng để chứng nhận tính xác thực, hợp pháp của hợp đồng giao dịch; không xác nhận chữ ký, bản sao từ bản chính.

5. Các sự kiện, hành vi nhằm thực hiện các giao dịch trái pháp luật của người yêu cầu lập vi bằng, trừ trường hợp sự kiện, hành vi chỉ thông qua lời kể của người khác.

6. Các sự kiện, hành vi của cán bộ, công chức đang thi hành công vụ, trừ trường hợp sự kiện, hành vi đó rõ ràng trái pháp luật, xâm phạm đến quyền và lợi ích của người yêu cầu lập vi bằng.

7. Không được cố tình lập vi bằng việc mua bán nhà đất thông qua hình thức ghi nhận việc giao nhận tiền để che dấu mục đích không phù hợp với quy định của pháp luật.

8. Các trường hợp bị cấm khác theo quy định của pháp luật.

9. Các “tài liệu chứng minh” kèm theo vi bằng phải được Thừa phát lại thực hiện trong phạm vi, thẩm quyền lập vi bằng.

(Trích tờ gấp tìm hiểu chức năng lập vi bằng của TPL do Sở Tư pháp TP.HCM phát hành tháng 1-2019)

KIM PHỤNG

Nguồn PLO: https://plo.vn/phap-luat/khong-lap-vi-bang-mua-ban-nha-dat-qua-viec-ghi-nhan-giao-tien-814729.html