Không lạm dụng đức tin

Đất nước có tới gần chục ngàn lễ hội, là một di sản khổng lồ! Lễ hội vốn có nhiều nét đẹp, là di sản văn hóa truyền thống còn giữ được cho tới ngày nay. Lễ hội là sinh hoạt văn hóa nhằm cố kết cộng đồng. Nhưng khi lễ hội bị lạm dụng, bị biến tướng thì nó cũng bộc lộ nhiều vấn đề.

Rất đông người trong một buổi lễ “dâng sao giải hạn” tại Hà Nội. Ảnh: Tuấn Mark.

Rất đông người trong một buổi lễ “dâng sao giải hạn” tại Hà Nội. Ảnh: Tuấn Mark.

Có lẽ, đến mùa xuân năm nay thì câu chuyện lễ hội và dâng sao giải hạn sau nhiều năm biến tướng quá đà đã giống như giọt nước tràn ly. Việc ở một ngôi chùa giữa Thủ đô, mỗi tối có hàng nghìn người ngồi tràn ra đường, ra cầu vượt dự lễ dâng sao giải hạn trở thành hình ảnh điển hình cho sự xa lạ với giáo lý nhà Phật. Không nên nghi ngờ đức tin, nhưng một khi đức tin bị lạm dụng thì nó phản ánh nhiều vấn đề của một xã hội thời hiện đại.

Trước hết phải khẳng định rằng đất nước có tới gần chục ngàn lễ hội là một di sản khổng lồ! Lễ hội vốn có nhiều nét đẹp, là di sản văn hóa truyền thống còn giữ được cho tới ngày nay. Lễ hội là sinh hoạt văn hóa nhằm cố kết cộng đồng. Nhưng khi lễ hội bị lạm dụng, bị biến tướng thì nó đang bộc lộ rất nhiều vấn đề, nhiều mặt trái.

Điều đáng ngạc nhiên là những vấn đề của lễ hội bộc lộ ra đã quá nhiều năm. Có những nhà nghiên cứu từ nhiều năm trước đã lạc quan cho rằng mặt trái của lễ hội phát sinh bởi sau nhiều năm cấm đoán, khi được thoải mái bung ra, thì theo chuyển động con lắc, nó sẽ quá đà, rồi một thời gian nó sẽ giữ được thăng bằng. Tuy nhiên, có vẻ sự chuyển động quá đà về phía bên kia của con lắc đã quá lâu, mà chưa tìm lại được sự cân bằng.

GS Ngô Đức Thịnh - nhà nghiên cứu văn hóa Việt Nam, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Văn hóa Việt Nam - cho rằng, lễ hội đang bị trần tục hóa. Ngày xưa, người dân đến với lễ hội với tinh thần thành kính, tri ân trong sáng. Bây giờ người ta đến lễ hội với tất cả sự thực dụng, cầu xin khấn vái. Rồi người tổ chức lễ hội cũng rất thực dụng. Thành ra, lễ hội mất thiêng.

Biển người trong lễ “dâng sao giải hạn”. Ảnh: Tuấn Mark.

Bên cạnh đó, lễ hội cũng đang bị thương mại hóa. Nhiều nơi tổ chức lễ hội chỉ nhằm kiếm chác, tìm cách chặt chém, làm sao được lợi. Người đến lễ hội thường cầu cúng xin xỏ chứ không phải để chiêm tưởng.

Cũng theo GS Ngô Đức Thịnh, những lễ hội bị biến thái chủ yếu do sự can thiệp thái quá của chính quyền. Chính quyền địa phương can thiệp vào lễ hội nhiều quá. Chẳng hạn như ở lễ khai ấn đền Trần, chính quyền đứng ra tổ chức đóng ấn...

Lý giải vì sao ở nhiều cơ sở Phật giáo lại tổ chức lễ dâng sao giải hạn vốn xa lạ với giáo lý nhà Phật, GS Đỗ Quang Hưng - nhà nghiên cứu nguyên Viện trưởng Viện Tôn giáo Việt Nam - nhìn nhận: Phật giáo không chấp nhận những hành vi mê tín. Nhưng hiện nay, có vẻ sức ép quá lớn từ phật tử và từ những người yêu mến đã khiến nhà chùa có sự thỏa hiệp với giáo lý, lối sống và triết lý của đạo Phật để “tùy thuận chúng sinh nhi vi lợi ích”.

Có nghĩa là, theo ý kiến GS Đỗ Quang Hưng, Phật giáo đang “chiều theo ý nhân gian”. “Tôi nghĩ đó là hệ quả tất yếu khi Phật giáo nhập thế. Khuynh hướng Phật giáo nhân gian có nhiều cái tích cực, nhưng đừng để nó vượt ngưỡng trong tương quan với những tôn giáo khác.” - ông Hưng nói.

Ảnh: Tuấn Mark.

Còn theo PGS.TS Phạm Quang Long – giảng viên Đại học KHXHNV Hà Nội, nguyên Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao & Du lịch Hà Nội - hiện tượng lạm dụng đức tin hiện nay cần được nghiên cứu thấu đáo. “Các nhà xã hội học nên nghiên cứu những hiện tượng này và có kết luận khoa học giúp các nhà quản lý xã hội tìm được giải pháp hợp lí chấm dứt tình trạng lạm dụng đức tin. Tôi không đề xuất chuyện quản lý đức tin, nhưng có khuyến cáo nếu xã hội để cho tình trạng lợi dụng đức tin đến mức những hoạt động đội lốt tự do tín ngưỡng, đức tin làm cho xã hội mất tính chuẩn mực của nó thì cần có sự điều chỉnh bằng pháp luật. Đó là chức năng quản lý nhà nước mà các cơ quan công quyền phải làm”.

Có gì liên quan không, giữa việc ngày càng xuất hiện nhiều chùa to phủ lớn với sự “mê lầm” trong đức tin của xã hội? Ông Phạm Quang Long cho rằng: “Tôi dám chắc xây cơ sở tôn giáo hoành tráng quá mức cần thiết không phải là giải pháp phát triển kinh tế, xã hội, con người”. Cho nên, theo ông, Nhà nước không nên khuyến khích các cơ sở tôn giáo, thờ tự, các khu du lịch tâm linh quá lớn, quá mức cần thiết. Vì như thế là lệch hướng, là giao quyền quản lý lĩnh vực này cho tư nhân, là thương mại hóa đức tin, là sai lầm rất khó sửa. Tiền ấy để xây trường học, bệnh viện và các công trình khác, hữu ích hơn.

Ảnh: Tuấn Mark.

“Đức tin giúp cho con người hướng thiện nhưng ranh giới giữa đức tin và những gì ngoài nó rất mong manh, - ông Long trăn trở: - Một trong những giáo lý quan trọng của Phật giáo là nhân - quả, vậy mà nhiều người gây tội ác xong lại đi chùa xin được xá tội. Thật mỉa mai. Có tội, lội xuống ao, có tội, cứ xin xá tội rồi lại phạm tội nữa. Đó là sự báng bổ xét về đức tin, là vô đạo đức về mặt nhân cách.

Thần, Phật nào chứng cho chuyện ấy? Cứ lễ to mà thoát tội thì khác gì buôn thần, bán thánh? Nghĩ mà chua xót vì thấy nó đang là hiện tượng phổ biến, - cũng theo ông Phạm Quang Long: - Một xã hội mà đức tin bị lợi dụng, đức tin bị đem ra buôn bán là một dấu hiệu nguy hiểm. Vì đức tin gắn với những điều thiêng liêng. Người nhân danh đức tin làm mất sự thiêng liêng của đức tin, đem đức tin ra làm phương tiện kiếm lợi thì đức tin ấy không đáng tin cậy. Mươi năm trước có nhà nghiên cứu bảo “người ta đang thế tục hóa đức tin”. Bây giờ không chỉ có thế tục hóa mà là bán chác đức tin rồi”.

Có lẽ vì quá bức xúc với vấn đề này, ông Long đã nói cực kỳ thẳng thắn: “Đức tin vốn giữ cho con người nghiêm ngắn nhưng một khi bản thân nó không còn nghiêm ngắn nữa thì sự sa ngã ở ngay trong hành vi gắn với cái gọi là đức tin rồi. Khi con người lợi dụng cả đức tin để xóa tội lỗi, để che mắt thiên hạ, kiếm lợi thì nguy cơ bày ra trước mắt, là nỗi đe dọa trực tiếp không chỉ cho hiện tại mà còn là mối nguy cho tương lai”.

Ảnh: Tuấn Mark.

Sẽ còn những mùa lễ hội tiếp diễn trong chiều dài lịch sử dân tộc, bồi đắp cho đời sống tâm hồn người Việt thêm phong phú. Nhưng sẽ không có thêm sự bồi đắp nào nếu xu thế và quan niệm về đức tin còn tiếp tục lệch lạc như hiện nay. Mà nói như GS Ngô Đức Thịnh là sau nhiều thập niên bị đứt đoạn về văn hóa do nhiều lý do khách quan, con người hôm nay hầu như chưa được trao truyền những hiểu biết về văn hóa tâm linh của cha ông. Họ đến với lễ hội với nhiều mê lầm. Nhiều người cứ thấy đền chùa lễ hội là lao vào cúng bái như con thiêu thân chứ không hề biết đến lịch sử văn hóa của nơi mình cúng vái.

Lịch sử và văn hóa chỉ trở thành giá trị khi mỗi chúng ta hiểu biết thấu đáo về đời sống tâm linh dân tộc, về ý nghĩa lịch sử, văn hóa, và triết học của lễ hội.

Vai trò của tín ngưỡng, tâm linh là hướng thiện, tránh điều ác. Nhưng với những gì đang diễn ra, nếu rơi vào “mê lầm”, có khi cả xã hội đổ xô đi lễ lại là lúc đang khủng hoảng lòng tin. Và đức tin trở thành thứ dễ dàng bị lợi dụng. Bởi vì, nói như GS Ngô Đức Thịnh: Lễ hội cũng là tấm gương phản chiếu nhân tâm của xã hội.

Cẩm Thúy

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/van-hoa/khong-lam-dung-duc-tin-tintuc429862