Không làm cáp treo hang Sơn Đoòng: Bài học đã thuộc!

Quản lý di sản không phải là xây được bao nhiêu cái nhà hay bao nhiêu ngôi chùa, cáp treo dài-ngắn bao nhiêu. Mà ngành văn hóa và các cấp có thẩm quyền cần phải ứng xử với di sản thế nào?

Báo nói Diễn đàn Doanh nghiệp: Bn-ghi-Mi-198-online-audio-converter.com

“Đây là vùng lõi của Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng nên chúng tôi hết sức cân nhắc với bất cứ tác động vào tới khu vực này. Nguyên tắc là vùng lõi của vườn quốc gia thì không được xây dựng bất cứ công trình gì”.

Đó là lời khẳng định của Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình Trần Tiến Dũng trong buổi họp báo quốc tế tại Hà Nội do UBND tỉnh Quảng Bình và Bộ Ngoại giao phối hợp tổ chức công bố kết quả khảo sát sông ngầm trong hang Sơn Đoòng do nhóm chuyên gia từ Hiệp hội hang động Hoàng gia Anh (BCRA) và công ty Oxalis thực hiện.

Sông ngầm trong hang Sơn Đoòng - Ảnh: Oxalis cung cấp.

Sông ngầm trong hang Sơn Đoòng - Ảnh: Oxalis cung cấp.

Được biết, trong lần lặn khảo sát này, ngoài dòng sông ngầm trong hang Sơn Đoòng, các chuyên gia còn lặn khảo sát thêm khu vực suối Nước Moọc trong Vườn quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng. Theo nhận định, hệ thống hang động đá vôi tại Phong Nha – Kẻ Bàng có ba tầng gồm hang khô, hang nước có dòng chảy và hệ thống hang ngầm ở độ sâu hơn 93 m..v..v.

Như đã biết, hang Sơn Đoòng được Hiệp hội hang động Hoàng gia Anh phát hiện và công bố là hang lớn nhất giới năm 2010. Hệ thống hang động này được hình thành khoảng 2-5 triệu năm trước, khi nước sông chảy ngang qua vùng đá vôi đã bị vùi lấp dọc theo một đường đứt gãy. Dòng nước làm xói mòn và tạo ra một đường hầm khổng lồ trong lòng đất dưới dãy núi. Hang có chiều rộng 150m, cao hơn 200m, chiều dài lên tới gần 9km, ước tính dung tích hang là 38,5 triêụm3.

Và kết quả thu được từ cuộc thám hiểm vừa qua càng minh chứng Sơn Đoòng là một báu vật, cất giấu nhiều bí ẩn của thiên nhiên. Nếu xây dựng cáp treo, tham số lượng cả hàng đoàn người như đi hội vào Sơn Đoòng thì chẳng mấy chốc, địa danh được ví như “cõi tiên” này sẽ biến thành “phàm trần” đúng nghĩa.

Một bài học nhãn tiền, dư luận đã từng bàn tán không ngớt về câu chuyện vùng lõi Tràng An - Di sản thế giới hỗn hợp đầu tiên của Việt Nam bị Công ty CP Du lịch Tràng An tự ý xây dựng công trình đường lên núi Huyền Vũ với chiều dài hơn 1km và khoảng 2000 bậc thang. Việc làm này được Thanh tra Bộ Văn hóa, thể thao và Du lịch đánh giá là vi phạm hết sức nghiêm trọng Điều 13 của Luật Di sản.

Hoặc, công trình tượng Bà Chúa Xứ được xây dựng không phép trong khu vực bảo vệ I của Di tích lịch sử, văn hóa và danh thắng quốc gia Núi Sam (An Giang) vừa qua cũng gây bức xúc rất lớn trong dư luận. Cho đến nay, dù UBND tỉnh An Giang đã ra văn bản yêu cầu tháo dỡ công trình nhưng tiến độ vẫn chưa đâu vào đâu.

Thực tế đó cho thấy, lâu nay việc giải quyết vấn đề bảo tồn di sản, di tích với phát triển kinh tế xã hội luôn là bài toán khó khăn. Vì thế, liên quan tới vấn đề làm cáp treo tại hang Sơn Đoòng, có lẽ dư luận cũng như các chuyên gia “thở phào” khi đại diện UBND tỉnh Quảng Bình nói tất cả mới chỉ dừng lại ở ý tưởng đề xuất chứ việc xây dựng dự án là không có. Đây là thông điệp vui đến với cộng đồng vì không còn những lo ngại về một Sơn Đoòng bị biến dạng.

Cũng xin nói thêm, ông Lê Như Tiến - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội từng cho biết: “Việc xây dựng cáp treo qua Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng vào Sơn Đoòng theo phải hết sức cân nhắc vì khi xây dựng chắc chắn sẽ ảnh hưởng, không nhiều thì ít tới sự hoang sơ, cái gốc của di sản thiên nhiên thế giới. Chúng ta phải hết sức cân nhắc nếu như phá đi vẻ nguyên dạng của di sản”.

Dù nói gì đi nữa, những gì đã xảy ra và những nguy cơ sẽ xảy ra đang đặt ra trước mắt chúng ta một vấn đề đó là: Ai sẽ là người cứu các di tích, di sản trước thực trạng xâm hại đang tràn lan?

Cần phải nhớ, chúng ta có cả một hệ thống quản lý giống như trong hồ sơ đã được đệ trình lên Unesco, trong đó Việt Nam đã tuyên bố rất rõ với Unesco là có đầy đủ hệ thống pháp luật và cơ cấu quản lý để chứng minh có thể bảo vệ được di sản. Trong đó, chính quyền địa phương là nơi được phân cấp phân quyền rõ nhất nên phải có trách nhiệm cao nhất.

Hơn nữa, quản lý di sản không phải là xây được bao nhiêu cái nhà hay bao nhiêu ngôi chùa, cáp treo dài-ngắn bao nhiêu. Mà ngành văn hóa và các cấp có thẩm quyền cần phải ứng xử với di sản thế nào? Mọi vấn đề cần phải được nhìn nhận trên cơ sở luật pháp. Không nên tuyên truyền, giáo dục người dân, cơ quan quản lý di tích địa phương trên nền tảng nhận thức giá trị của di tích văn hóa.

Thế nên mới nói, chuyện UBND tỉnh Quảng Bình quyết định không cho xây dựng cáp treo ở vùng lõi vườn quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng giống như bài học đã thuộc.

Sông Hàn

Nguồn DĐDN: http://enternews.vn/khong-lam-cap-treo-hang-son-doong-bai-hoc-da-thuoc-148595.html