Không kích trở lại ở Syria, Israel hé lộ điều kiện để không bắn phá S-300

Sau 5 tuần 'im ắng' dò xét thái độ Nga, không quân Israel đã tấn công trở lại các mục tiêu Iran ở Syria. Trong đó nước này cũng đưa ra điều kiện để không tung hỏa lực phá hủy S-300.

S-300 của Nga sẽ giúp bảo vệ vùng trời Syria.

Israel ra điều kiện không tấn công S-300

Lực lượng Israel không có kế hoạch nhắm tới hệ thống phòng không S-300 do Nga sản xuất ở Syria nếu quân đội Syria không sử dụng chúng để đe dọa Israel, cựu Giám đốc Hội đồng An ninh Quốc gia, tướng Uzi Dayan nói với Sputnik trong một cuộc phỏng vấn.

"Tôi hy vọng rất nhiều rằng Syria sẽ không lạm dụng các tên lửa S-300, bởi vì nếu Syria cố gắng đánh chặn máy bay của Israel, chúng tôi sẽ phải có câu trả lời. Điều này sẽ không thay đổi ngay cả khi S-300 có liên quan. Chúng tôi sẽ không thực hiện bất kỳ cuộc tấn công nào vào loại vũ khí này, nhưng cần phải nói rằng các hệ thống này không phải là bất khả xâm phạm. Chúng tôi hy vọng rằng sự phối hợp giữa Israel và Nga sẽ tiếp tục… Chúng tôi cũng hy vọng người Syria sẽ không phạm sai lầm ngớ ngẩn như trong vụ Ilyushin”, Dayan nói.

Trong quan điểm của mình, cựu quan chức quân sự Israel cũng xem xét quyết định của Nga về việc cung cấp các hệ thống S-300 cho Syria sau vụ Il-20 là không thích hợp.

Vào ngày 2/10, Moscow đã hoàn thành việc giao các hệ thống S-300 cho Damascus nhằm tăng cường sự an toàn cho quân đội Nga được triển khai tại quốc gia Trung Đông.

Việc nâng cấp hệ thống phòng không được công bố sau khi một chiếc máy bay trinh sát quân sự Ilyushin Il-20 của Nga bị bắn rơi vào ngày 17/9 bởi hệ thống phòng không S-200 của Syria. Mục tiêu ban đầu của S-200 là các phi cơ F-16 của Israel đang thực hiện các cuộc không kích tại Latakia.

Bộ Quốc phòng Nga đã đổ lỗi vụ việc cho Không quân Israel, tuyên bố rằng các máy bay chiến đấu của Israel đã sử dụng máy bay Nga làm khiên chắn trước hệ thống phòng không của Syria.

Vụ Il-20 bị bắn rơi đã cướp đi mạng sống của 15 lính Nga. Israel đã bác bỏ các cáo buộc và nhấn mạnh rằng Moscow đã được cảnh báo về hoạt động không kích một cách kịp thời.

Israel bắt đầu không kích trở lại

Đã hơn 5 tuần kể từ sau sự cố nói trên, Israel đã tạm ngừng các cuộc không kích nhắm mục tiêu Iran trong lãnh thổ Syria như một bước đi xoa dịu tình hình với Nga.

Tuy nhiên, theo thông tin từ Reuters, Israel đã tiến hành tấn công trở lại ở Syria, theo tuyên bố từ một quan chức cấp cao của Israel hôm 29/10.

Israel không loại trừ khả năng tấn công S-300.

Truyền hình Channel 1 của Israel cho biết, cuộc không kích nhắm vào một chuyến hàng vũ khí của Iran được cho là chuyển đến Hezbollah nhằm giúp cho tên lửa của nhóm này gia tăng sức mạnh và độ chuẩn xác. Hiện tại phía Nga chưa đưa ra tuyên bố gì về thông tin nói trên.

Nói về khả năng đối đầu quân sự với Iran, tướng Uzi Dayan nói với Sputnik rằng Israel sẽ xem xét việc ngăn chặn Tehran chỉ là lựa chọn cuối cùng.

"Nếu Iran tiếp tục xây dựng tiền đồn ở Syria, Israel sẽ không thể chấp nhận nó. Tôi không nghĩ rằng điều này dẫn đến một cuộc đụng độ lớn hơn ... Nếu Iran tiếp tục cố gắng đạt được năng lực hạt nhân, chúng tôi nghĩ rằng Iran nên dừng lại”, tướng Dayan nhấn mạnh.

“Tốt hơn cần phải ngăn chặn bằng các biện pháp trừng phạt, các nỗ lực ngoại giao… tẩy chay dầu Iran… Chúng ta nên tiếp tục gây áp lực lên Iran… Israel có thể ngăn Iran không? Câu trả lời là có, nhưng chúng tôi chỉ muốn sử dụng quân sự như sự lựa chọn cuối cùng… Iran có thể bị ngăn cản nhưng bạn không ngăn cản một quốc gia như Iran bằng khẩu súng không có đạn”, ông nhấn mạnh.

Theo Dayan, Israel không ủng hộ thỏa thuận hạt nhân Iran, chính thức được gọi là Kế hoạch Hành động chung toàn diện (JCPOA), bởi vì thỏa thuận chỉ "đóng băng tình hình" mà "không khiến Iran từ bỏ" trong việc tìm kiếm vũ khí hạt nhân. Dayan cũng gọi chính sách của Trump về Iran là “đúng đắn”.

Lời nhận xét của cựu quan chức quân sự Israel ám chỉ đến quyết định của Washington được công bố vào tháng 5 vừa qua về việc rút khỏi JCPOA – bản thỏa thuận với nội dung gỡ bỏ dần các lệnh trừng phạt đối với Iran để đổi lấy việc nước này từ bỏ hạt nhân.

Bình luận về quyết định này, Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố rằng ông dự kiến sẽ đàm phán một thỏa thuận tốt hơn và công bằng hơn với Iran.

Sau khi rút khỏi JCPOA, Washington đã bắt đầu áp dụng các biện pháp trừng phạt chống lại Iran. Vòng áp đặt đầu tiên có hiệu lực từ tháng 8, trong khi đợt trừng phạt tiếp theo nhắm mục tiêu vào ngành dầu mỏ của Iran dự kiến sẽ được thực thi vào ngày 5/11.

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/khong-kich-tro-lai-o-syria-israel-he-lo-dieu-kien-de-khong-ban-pha-s-300-a409084.html