Không khuyến khích phát triển bằng mọi giá thủy điện nhỏ

Ngày 24/10, Quốc hội tiến hành thảo luận về dự thảo Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi). Ngay sau đó, bên lề hành làng Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà đã có cuộc gặp gỡ và trao đổi với báo chí về một số vấn đề liên quan đến dự luật này.

Phóng viên (PV): Thưa Bộ trưởng, trận lũ lụt lịch sử tại miền Trung vừa qua đã gây ra rất nhiều thiệt hại về người và tài sản cho đồng bào ta. Bộ trưởng có thể chia sẻ Dự thảo Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) lần này hướng đến vấn đề gì?

Bộ trưởng Trần Hồng Hà: Trong phạm vi luật Bảo vệ Môi trường (sửa đổi) có đề cập tới một số vấn đề. Ví dụ sự cố về thiên tai đã điều chỉnh ở các luật khác như Luật Phòng chống thiên tai; Luật Khí tượng thủy văn. Luật Bảo vệ môi trường chủ yếu điều chỉnh sự cố nhân tai do các dự án gây ô nhiễm, suy thoái và tác động hủy hoại hệ sinh thái tự nhiên; điều chỉnh giảm phát thải khí nhà kính - nguyên nhân chủ yếu dẫn đến biến đổi khí hậu và thời tiết cực đoan.

Bộ trưởng Trần Hồng Hà trả lời báo chí bên hành lang Quốc hội sáng 24/10.

Bộ trưởng Trần Hồng Hà trả lời báo chí bên hành lang Quốc hội sáng 24/10.

Lần này, Dự thảo Luật đưa ra tiêu chí khoa học dựa trên tính chất, quy mô chất thải và mức độ tác động của dự án lên hệ sinh thái tự nhiên và con người để phân loại dự án và áp dụng công cụ, giải pháp bảo vệ môi trường, vừa tránh hình thức, vừa tập trung nhân lực, vật lực hạn hẹp để kiểm soát các dự án có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao.

PV: Cụ thể, Dự thảo Luật Bảo vệ Môi trường (sửa đổi) lần này đã đưa ra được những giải pháp gì trong vấn đề bảo vệ môi trường?

Bộ trưởng Trần Hồng Hà: Dự thảo Luật Bảo vệ Môi trường (sửa đổi) lần này có đưa đồng bộ nhiều giải pháp. Thứ nhất đó là kiểm soát chặt chẽ hơn, thực chất hơn các nguyên nhân do con người, do phát triển kinh tế thông qua kiểm soát chất thải.

Tôi muốn nói các vấn đề sự cố thiên tai do con người, thông qua quy hoạch Bảo vệ Môi trường, phân vùng môi trường để chúng ta thực hiện thật tốt hơn. Để hạn chế tác động con người, phát triển kinh tế, ví dụ như thủy điện.

Thông qua các công cụ đánh giá tác động môi trường, quy chuẩn môi trường để đưa môi trường dần trở lại trạng thái tự nhiên. Đây là xu có thể có thể góp phần đảo ngược tình trạng ô nhiễm môi trường hiện nay.

Giải pháp tiếp theo liên quan đến hệ sinh thái tự nhiên. Đây là môi trường chúng ta sống, nơi sẽ cung cấp không khí, hấp thụ chất thải. Hệ sinh thái tự nhiên có tác dụng rất lớn đến phòng chống thiên tai.

Chính vì vậy, chúng tôi nhấn mạnh đến vấn đề bảo tồn hệ sinh thái tự nhiên, nhấn mạnh quan điểm rất rõ con người phải sống hài hòa tự nhiên, tôn trọng thiên nhiên.

PV: Thưa Bộ trưởng, Dự thảo Luật Bảo vệ Môi trường (sửa đổi) thể hiện những quan điểm cốt lõi nào?

Bộ trưởng Trần Hồng Hà: Luật Bảo vệ Môi trường (sửa đổi) lần này thể hiện 2 quan điểm. Thứ nhất, đó là quản lý môi trường dựa trên khoa học, tính chất quy mô của chất thải ra môi trường. Thứ hai là dựa trên dự án đó có tác động thế nào đến hệ sinh thái và môi trường tự nhiên.

Phiên làm việc của Quốc hội sáng 24/10.

Một mặt, chúng ta xác định dự án nằm trong tiêu chí chất thải và tính chất quy mô lớn, chúng ta sẽ khoanh lại, tập trung quản lý cụ thể hơn, thực chất hơn.

Dự án thân thiện môi trường, quy mô tác động không lớn, phạm vi ảnh hưởng không lớn tới môi trường thì sẽ bằng biện pháp hậu kiểm, thay bằng trước nay kiểm soát tất cả nhưng thực tế nhân lực, vật lực hạn chế.

Nói như vậy có nghĩa là chúng ta sẽ tăng cường quản lý đối với những đối tượng tiềm năng nguy cơ gây ô nhiễm cao. Các công cụ quản lý đi vào thực chất, dựa trên cơ sở khoa học, thống nhất xuyên suốt mà thế giới cũng đã làm.

Thứ 2, chúng ta sẽ tháo gỡ các thủ tục hành chính không cần thiết, mang tính chất hình thức với dự án thân thiện môi trường và có hành lang để các dự án thân thiện đơn giản thủ tục nhất, ít chi phí, tuân thủ nhất, tham gia đóng góp cho phát triển kinh tế, xã hội

PV: Thủy điện lớn và thủy điện nhỏ là 2 khái niệm và 2 thực thể rất khác nhau. Bộ trưởng có thể chia sẻ quan điểm của mình về ưu và nhược điểm của 2 loại hình này?

Bộ trưởng Trần Hồng Hà: Quan điểm của Bộ Tài nguyên và Môi trường là đối với các nhà máy thủy điện, sẽ phụ thuộc rất nhiều vào thiết kế mới biết nó có thể đáp ứng được đầy đủ các yêu cầu đặt ra hay không.

Như các nhà máy thủy điện lớn hiện nay giải quyết rất tốt bài toán về cắt lũ, điều tiết để cung cấp nước cho mùa hạn. Còn những thủy điện nhỏ thì khó đáp ứng được yêu cầu đó. Như vậy, phát triển thủy điện phải tuân thủ nghiêm ngặt quy chế về điều tiết, đảm bảo an toàn.

Ở góc độ Bộ Tài nguyên và Môi trường, về thủy điện, bao giờ cũng có 2 mặt. Quan điểm chúng ta là không khuyến khích phát triển bằng mọi giá thủy điện nhỏ.

Quốc hội đã khóa XIII thảo luận, Bộ Tài nguyên và Môi trường và các bộ, ngành đã tham mưu cắt giảm hơn 400 hồ thủy điện nhỏ rồi. Trong thời gian sắp tới, chúng ta có sẽ phải hết sức thận trọng khi quyết định có xây các thủy điện nhỏ hay không.

Xin trân trọng cảm ơn Bộ trưởng!

Vũ Cảnh (thực hiện)

Nguồn BVPL: https://baovephapluat.vn/kiem-sat-24h/van-de-su-kien/khong-khuyen-khich-phat-trien-bang-moi-gia-thuy-dien-nho-96635.html