Không khí ô nhiễm, trường học Hà Nội tạm dừng các hoạt động ngoài trời

Ô nhiễm không khí tại Hà Nội tăng cao, nhiều trường học trên địa bàn thành phố đã hủy các hoạt động ngoài trời và khuyến cáo học sinh đeo khẩu trang, mặc kín để tránh bụi mịn bám vào cơ thể.

Các trường khuyến cáo học sinh đeo khẩu trang, mặc áo kín khi đến trường. Ảnh ĐH

Các trường khuyến cáo học sinh đeo khẩu trang, mặc áo kín khi đến trường. Ảnh ĐH

Chiều ngày 1/10, tại buổi cung cấp thông tin cho các cơ quan thông tấn, báo chí về tình hình kinh tế, xã hội 9 tháng năm 2019, ông Vũ Đăng Định, Chánh Văn phòng, UBND TP Hà Nội khẳng định, hiện trên địa bàn TP Hà Nội và một số khu vực miền Bắc, tình trạng ô nhiễm bụi tăng cao, nhiều ngày ở mức kém, trong đó ô nhiễm bụi mịn PM 2.5 là chủ yếu, ảnh hưởng tới sức khỏe con người, đặc biệt là người già và trẻ em. Người dân nên đeo khẩu trang khi đi ra ngoài.

Trước thực trạng ô nhiễm không khí trên địa bàn TP Hà Nội, ông Lê Hồng Vũ, Trưởng phòng GD&ĐT quận Tây Hồ cho biết, từ ngày 30/9, Phòng Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) quận và các nhà trường đã khuyến cáo phụ huynh đưa con đi học vào buổi sáng nên đeo khẩu trang, mặc kín để tránh bụi mịn bám vào da.

Tương tự, Phòng GD&ĐT quận Hà Đông cũng đã chỉ đạo các trường trên địa bàn dọn dẹp vệ sinh, lau chùi cửa kính, trồng xây xanh, bổ sung thêm nhiều cây hoa như hoa giấy. Ngoài ra, Phòng còn nhắc nhở học sinh nếu có việc phải ra ngoài, cần đeo khẩu trang có chức năng lọc khí để tránh khói, bụi. Khi đi ra ngoài về, nên rửa mũi, họng bằng nước muối sinh lý.

Tại trường Tiểu học Lê Quý Đôn đã thông báo tạm dừng các hoạt động dã ngoại, thể chất ngoài trời để đảm bảo sức khỏe của học sinh. Ông Tạ Như Việt, Hiệu trưởng trường Tiểu học Lê Quý Đôn (Khu đô thị Mỹ Đình 1, Từ Liêm) cho biết, trường bắt đầu tiến hành các biện pháp nhằm đảm bảo sức khỏe cho học sinh trước tình hình ô nhiễm không khí.

Theo đó, bắt đầu từ ngày 30/9 trường sẽ tiến hành các biện pháp nhằm đảm bảo sức khỏe cho học sinh trước tình hình ô nhiễm không khí tại Hà Nội như: tạm dừng các hoạt động dã ngoại trong phạm vi nội đô, các hoạt động thể chất, vui chơi ngoài trời của học sinh.

Cụ thể, với môn thể dục và các môn năng khiếu thay vì hoạt động ngoài trời các học sinh sẽ học ở trong các phòng chức năng như: Nhà đa năng, phòng họp hội đồng sư phạm, phòng chuyên đề, phòng thể dục tự do…

Ông Việt cho biết, trước tình trạng ô nhiễm không khí Hà Nội nặng nhất vào buổi sáng, trường đã tiến hành đổi thời khóa biểu một số tiết thể dục ở buổi sáng, thể dục giữa giờ sang buổi chiều khi không khí bớt ô nhiễm. Ngoài ra, trong lớp học sẽ bật điều hòa, đóng kín cửa sổ để hạn chế tối đa ô nhiễm không khí.

Ông cũng cho biết, nhiều ngày nay, phụ huynh đã đề xuất với nhà trường trong việc đảm bảo sức khỏe của học sinh khi học tập và vui chơi ở trường.

Về dự kiến thời khóa biểu của học sinh trở lại bình thường, ông Việt cho biết còn tùy thuộc vào chất lượng không khí ở Hà Nội. “Nếu như không khí được cải thiện, không còn báo màu tím nữa thì có thể lịch học của các em học sinh sẽ trở lại bình thường”, ông Việt thông tin.

Liên quan chất lượng không khí, ngày 1/10, thông tin từ Tổng cục Môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết, liên tục những ngày tháng 9/2019, chất lượng không khí tại các đô thị lớn như Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh nhận được sự quan tâm của cộng đồng xã hội. Chỉ số chất lượng không khí AQI của Hà Nội ở mức kém, có hại cho sức khỏe; ở Thành phố Hồ Chí Minh cũng xuất hiện hiện tượng sương mù quang hóa gây cản trở tầm nhìn.

Về việc gia tăng mức độ ô nhiễm bụi PM2.5 và hiện tượng sương mù quang hóa, Tổng cục Môi trường nhận định, đây là hiện tượng thường gặp trong thời gian này do đây là giai đoạn giao mùa, chất lượng không khí chịu tác động rất nhiều của các yếu tố thời tiết kết hợp với các nguồn gây ô nhiễm.

Được biết, ô nhiễm tại Việt Nam chủ yếu là ô nhiễm bụi mịn PM2.5 - loại bụi được coi là sát thủ trong không khí. Bụi PM¬ 2.5 là các hạt bụi có kích thước nhỏ hơn 2,5 Mm, bằng khoảng 1/30 sợi tóc con người (1 Mm có kích thước bằng một phần triệu mét). Với kích thước cực nhỏ này, khi hít vào, chúng sẽ thẩm thấu thẳng vào mạch máu và đi đến các cơ quan nội tạng quan trọng.

Tiếp xúc trực tiếp với PM2.5 có thể dẫn đến các bệnh về hô hấp, tim mạch và thần kinh nghiêm trọng. Chỉ số ô nhiễm PM2.5 ở mức 12 micro-gram/mét khối được xem như ở mức an toàn cho sức khỏe. Chỉ số này tương đương với AQI mức 50.

Liên tiếp trong hai ngày 29/9 và sáng 30/9, ô nhiễm không khí tại thủ đô Hà Nội tăng lên mức nghiêm trọng. Đặc biệt, ngày 1/10 lượng bụi mịn PM 2.5 đo được cao nhất ở mưc 252- mức rất có hại cho sức khỏe con người.

Đỗ Hòa

Nguồn Hải Quan: https://haiquanonline.com.vn/khong-khi-o-nhiem-truong-hoc-ha-noi-tam-dung-cac-hoat-dong-ngoai-troi-112516.html