Không khí lạnh suy yếu, mưa ẩm kéo dài: Đề phòng dịch bệnh

Không khí lạnh suy yếu nên trong 7 ngày tới, từ 12 - 18.11, miền Bắc thời tiết khá tốt, ban ngày trời nắng, còn rét về đêm và sáng, nhiệt độ thấp nhất 13 -160C, vùng núi cao có nơi dưới 100C, rét đậm rét hại và sương mù khá dày đặc.

Ảnh minh họa

Từ giữa đến cuối tuần, nhiệt độ có xu hướng tăng dần, đỡ rét hơn.

Miền Trung mưa giảm dần, từ Thanh Hóa đến Hà Tĩnh, Quảng Bình trời khá rét với nhiệt độ 16 - 18 0 C, càng xuống phía nam nhiệt độ tăng dần, phía nam đèo Hải Vân từ Đà Nẵng trở vào sẽ có nắng nhẹ ban ngày, mưa nhỏ về đêm và sáng, trời se lạnh.

Trong khi đó, các tỉnh phía nam đang trong giai đoạn cuối mùa mưa, mưa có xu hướng giảm cả về diện và lượng, chủ yếu mưa vào chiều tối, ban ngày trời nắng. Gần cuối tuần sau có thể mưa tăng trở lại do rãnh thấp đi ngang qua và nhiễu động trong đới gió đông từ biển vào, có nơi mưa đêm về sáng, trời se se lạnh. Độ ẩm cao 80 - 90%, sáng sớm có lúc sương mù xuất hiện khá dày đặc, tầm nhìn xa bị hạn chế, ảnh hưởng đến giao thông.

Điều đáng lưu ý là triều cường giữa tháng 10 âm lịch sẽ gây ngập nhiều nơi ở vùng hạ lưu các sông Nam bộ, mực nước đỉnh triều ở các trạm vùng cửa sông Nam bộ sẽ lên nhanh. Đỉnh triều cao nhất trong đợt này xuất hiện vào các ngày từ 15 - 16.11 (ngày 16, 17.10 âm lịch), tại Cần Thơ (sông Hậu) lên mức 1,9 - 1,95 m, tại trạm Mỹ Thuận (sông Tiền) lên mức 1,8 - 1,85 m (xấp xỉ hoặc cao hơn báo động III 0,05 m).

Vùng đầu nguồn sông Cửu Long và khu vực nội đồng Đồng Tháp Mười và Tứ Giác Long Xuyên đỉnh triều thấp hơn trung bình từ 0,65 - 0,85 m. Vùng hạ lưu sông Sài Gòn - Đồng Nai mực nước lên nhanh, tại trạm Phú An (sông Sài Gòn) và trạm Nhà Bè (kênh Đồng Điền) có khả năng lên mức 1,6 - 1,65 m (vượt báo động III), đỉnh triều từ 4 - 6 giờ và từ 16 - 18 giờ; trạm Thủ Dầu Một (sông Sài Gòn) có khả năng ở mức cao hơn báo động III khoảng 0,2 - 0,25 m; tại Biên Hòa (sông Đồng Nai) xấp xỉ hoặc cao hơn báo động II.

Do thời tiết mưa ẩm kéo dài nên tình hình sâu bệnh, dịch hại vẫn có nguy cơ phát triển trên cả 3 miền. Miền Bắc có khả năng bệnh trên các đàn gia súc do trời rét sớm và mùa mưa kéo dài, ẩm ướt; đồng thời cần theo dõi rầy nâu, sâu cuốn lá nhỏ, chuột bọ phá hoại trà lúa.

Miền Nam diễn biến sâu bệnh còn phức tạp hơn, đặc biệt các vườn bưởi đang có hiện tượng vàng lá, thối rễ và chết sau những đợt mưa lớn rồi trời nắng khiến bưởi dễ bị nấm bệnh tấn công và chết; cần lưu ý thoát nước cho cây, bổ sung lượng vôi vừa đủ, bón phân tỉa cành để tăng sức đề kháng. Những vùng ven biển chú ý còn ít nhất 1 đợt mưa cuối mùa, triều cường lớn nên cần thoát nước chống ngập úng.

Ngoài ra, trong tuần cần chú ý theo dõi thăm đồng thường xuyên để phòng bệnh rầy nâu, xuống giống lúa đông xuân theo hướng né rầy. Sương mù do độ ẩm cao và trời se lạnh về đêm cũng tạo điều kiện cho bệnh đạo ôn phát triển trên các trà lúa từ đẻ nhánh đến đòng trổ, cần có biện pháp phòng trừ sớm.

Chuyên gia Lê Thị Xuân Lan

Nguồn Thanh Niên: http://thanhnien.vn/doi-song/khong-khi-lanh-suy-yeu-mua-am-keo-dai-de-phong-dich-benh-764414.html