Không khí Hà Nội ô nhiễm, có hại cho sức khỏe

Theo hệ thống đo chỉ số chất lượng không khí từ Tổng cục Môi trường và một số nơi khác, hầu hết các điểm quan trắc ở Hà Nội và các tỉnh lân cận đều chuyển màu đỏ và tím, ở mức có hại và rất có hại cho sức khỏe.

Chất lượng không khí tại Hà Nội tiếp tục ô nhiễm, ảnh hưởng sức khỏe
người dân. (Ảnh: Bích Liên)

Sáng 14/1, không khí Hà Nội và nhiều khu vực ở phía Bắc lại ô nhiễm nặng, xuất hiện nhiều điểm ở mức rất có hại cho sức khỏe.

Cụ thể, hệ thống quan trắc không khí của Tổng cục Môi trường 556 Nguyễn Văn Cừ (huyện Gia Lâm, Hà Nội) ghi nhận chỉ số chất lượng không khí (AQI) ở mức 179, những người bình thường bắt đầu có các ảnh hưởng tới sức khỏe, nhóm người nhạy cảm có thể gặp những vấn đề về sức khỏe nghiêm trọng hơn.

Tại Cổng thông tin quan trắc môi trường của UBND thành phố Hà Nội ghi nhận 5/11 điểm quan trắc chỉ số AQI ở mức 174-195, nhóm nhạy cảm gặp phải các vấn đề về sức khỏe nghiêm trọng hơn; 6/11 điểm quan trắc có chỉ số AQI ở mức từ 203-217, mọi người bị ảnh hưởng nghiêm trọng hơn tới sức khỏe.

Theo AirVisual, có tới 12 điểm quan trắc ở Hà Nội có chỉ số AQI màu tím, còn lại đều ở màu đỏ. Các tỉnh, thành phía Bắc như: Vĩnh Phúc, Ninh Bình, Hưng Yên, Hòa Bình, Thái Nguyên, Phú Thọ, Thái Bình, Hà Nam, Nam Định đều ở ngưỡng có hại cho sức khỏe.

Trang thông tin điện tử và nền tảng ứng dụng PAM Air (do Công ty Cổ phần Tư vấn và Tích hợp công nghệ D&L quản lý) ghi nhận chỉ số AQI ở hầu khắp Hà Nội và các tỉnh Thái Nguyên, Bắc Ninh, Bắc Giang, Hải Dương, Hưng Yên, Hà Nam, Ninh Bình, Hải Phòng có mức đỏ, không tốt cho sức khỏe - chỉ số AQI cao nhất 199, thậm chí có 12 điểm quan trắc ở mức tím 202-236, trong đó 8 điểm ở Hà Nội, 2 điểm ở Ninh Bình, Nam Định và Bắc Ninh mỗi tỉnh có 1 điểm.

Ô nhiễm không khí tại Hà Nội được Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam dự báo sẽ tiếp tục tăng mạnh trong những năm tới khi dân số tăng lên, phương tiện giao thông gia tăng, các hoạt động sản xuất kinh doanh phát triển. Do đặc điểm của yếu tố khí tượng, ô nhiễm tại Hà Nội tập trung nhiều trong mùa đông, khi hiện tượng nghịch nhiệt diễn ra thường xuyên.

Theo Tổng cục Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường), thành phố Hà Nội cũng như miền Bắc đang trong mùa Đông, thời kỳ ghi nhận nồng độ các chất ô nhiễm trong không khí, trong đó có bụi mịn PM2.5 thường cao nhất trong năm. Người dân nên cập nhật thường xuyên tình trạng chất lượng không khí, trong những khoảng thời gian ô nhiễm không khí tăng cao và thực hiện theo khuyến cáo của chuyên gia môi trường.

Trước đó, Bộ Y tế có khuyến cáo, khi chất lượng không khí từ ngưỡng xấu trở lên (Chỉ số AQI từ 150), người dân nên hạn chế ra khỏi nhà, đi tập thể dục, làm việc ngoài trời.

Vệ sinh mũi, họng bằng nước muối sinh lý, nhất là sau khi ra đường. Tra, rửa mắt bằng nước muối sinh lý trước khi đi ngủ. Người hút thuốc nên hạn chế hút thuốc lá, người không hút thuốc nên tránh xa khỏi thuốc lá.

Hạn chế mở cửa sổ, cửa ra vào ở những thời điểm chất lượng không khí xấu, nhất là những gia đình ở gần đường giao thông và khu vực ô nhiễm. Trồng cây xanh trong và quanh nhà giúp ngăn bụi và làm sạch không khí. Hạn chế sử dụng và thay thế bếp than tổ ong bằng bếp điện, bếp từ.

Người có bệnh hô hấp, bệnh tâm phế mãn tính, người già, người suy dinh dưỡng, người bệnh tim mạch cần thực hiện các biện pháp dự phòng kể trên nghiêm ngặt hơn. Nếu có bất thường cần đến cơ sở y tế kịp thời./.

Bích Liên

Nguồn ĐCSVN: http://dangcongsan.vn/khoa-giao/khong-khi-ha-noi-o-nhiem-co-hai-cho-suc-khoe-546851.html