Không khan hiếm lao động sau Tết dù COVID-19 diễn biến phức tạp

Theo nhận định của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH), sau Tết, mặc dù dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 (nCoV) còn diễn biến phức tạp, nhưng không xảy ra tình trạng khan hiếm lao động. Cả nước có hơn 98% công nhân, người lao động đã trở lại làm việc.

Ổn định sản xuất kết hợp với phòng dịch

Để kiểm tra tình hình lao động trở lại làm việc sau dịp Tết, Liên đoàn Lao động TP Hà Nội đã thành lập 5 đoàn kiểm tra tại một số công đoàn cấp trên cơ sở và công đoàn cơ sở. Từ ngày 30/1, đã có 85% doanh nghiệp mở xưởng để sản xuất, với hơn 98% số công nhân lao động trở lại làm việc (tập trung ở các doanh nghiệp thuộc Khu Công nghiệp và Chế xuất, ngành Dệt may, doanh nghiệp sản xuất quy mô lớn).

Lãnh đạo Bộ LĐ-TB&XH kiểm tra tình hình lao động trở lại sản xuất sau Tết tại Thái Nguyên.

Lãnh đạo Bộ LĐ-TB&XH kiểm tra tình hình lao động trở lại sản xuất sau Tết tại Thái Nguyên.

Đến ngày 4/2, hầu như tất cả doanh nghiệp đã trở lại làm việc với nhịp độ bình thường. Tại Công ty TNHH Điện tử Asti (thuộc Khu công nghiệp Quang Minh), Chủ tịch Công đoàn công ty Nguyễn Đức Nhân cho biết: Đơn vị có khoảng 1.300 lao động. Do được chăm lo, đảm bảo tốt quyền lợi, nên người lao động yên tâm làm việc, gắn bó lâu dài với công ty. Sau Tết, công nhân đi làm lại đạt 99%, từ đó đảm bảo hoạt động sản xuất kinh doanh. Thời điểm đi làm lại sau Tết cũng là thời gian COVID-19 (nCoV) diễn ra phức tạp, nên công đoàn và y tế thường xuyên kiểm tra, vệ sinh môi trường theo đúng hướng dẫn của Bộ Y tế; đồng thời, tuyên truyền về phòng dịch như rửa tay, đeo khẩu trang đúng cách…

Tại Công ty TNHH Yamaha Motor Việt Nam, công ty đã tổ chức kiểm tra thân nhiệt ngay tại cổng vào của công ty để bảo đảm sức khỏe cho người lao động. Đại diện công đoàn Công ty cho biết, sau Tết cơ bản công nhân đã đi làm trở lại và làm việc ổn định. Cũng trong dịp này, công đoàn đã phối hợp với chính quyền phát động thi đua với sự hưởng ứng tích cực của lực lượng công nhân qua việc đăng ký các công trình, sản phẩm chất lượng...

Còn theo đánh giá của Liên đoàn lao động TP Hồ Chí Minh, nhiều doanh nghiệp trên địa bàn, người lao động đã sớm trở lại và làm việc ngay sau kỳ nghỉ Tết. Tại các Khu Công nghiệp – Khu Chế xuất (KCN-KCX), các công ty có vốn Nhật Bản đã làm việc trở lại từ ngày 30/1 và từ đầu tháng 2, các công ty khác đều đã làm việc bình thường. Theo bà Kiều Ngọc Hoa, Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH Điện tử Samsung HCMC CE Complex (Khu Công nghệ cao, TP Hồ Chí Minh), từ ngày 3/2, đã có 95% công nhân trở lại làm việc, ít có trường hợp nhảy việc do đơn vị đã chăm lo Tết chu đáo và thu nhập ổn định. Đơn vị đã tổ chức hơn 100 xe đưa 4.000 lượt công nhân về các tỉnh miền Bắc, miền Trung và miền Tây ăn Tết. Sau thời gian nghỉ Tết, công nhân được xe đón trở lại nhà máy làm việc.

Lường trước các tình huống

Theo Bộ trưởng LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung, qua khảo sát tại các doanh nghiệp, sau Tết, dù dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp, nhưng không xảy ra tình trạng khan hiếm lao động, với hơn 98% công nhân, người lao động đã trở lại làm việc sau kỳ nghỉ Tết. Nhìn chung, công nhân lao động được thưởng Tết, bố trí xe đưa về quê và đón trở lại làm việc, nên gắn bó với doanh nghiệp.

Kiểm tra thân nhiệt người lao động tại doanh nghiệp thuộc KCN-KCX Hà Nội.

Do COVID-19 diễn biến phức tạp, Bộ LĐ-TB&XH có văn bản chỉ đạo các địa phương, doanh nghiệp tăng cường công tác phòng chống dịch theo hướng dẫn của ngành Y tế, qua đó ổn định sản xuất ngay từ đầu năm. Các doanh nghiệp đã chủ động rất sớm về lực lượng lao động, cũng như các chế độ đối với người lao động.

“Trước tình hình dịch bệnh hiện tại, các doanh nghiệp phải chủ động ứng phó. Nếu dịch còn kéo dài, nguyên liệu đầu vào thiếu, chắc chắn nhiều doanh nghiệp sẽ gặp khó khăn, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa. Khi đó, có thể dẫn đến tình trạng một bộ phận công nhân phải nghỉ việc tạm thời hoặc là dịch chuyển sang những công việc khác. Tuy nhiên, Bộ LĐ-TB&XH dự báo, biến động này không lớn, nhất là với lĩnh vực sản xuất có quy mô lớn. Tình trạng thất nghiệp có thể xảy ra ở khu vực sản xuất sử dụng nhiều lao động như giày da, may mặc hay một số ngành nghề phụ thuộc nguyên liệu nhập khẩu từ Trung Quốc và những nước bị ảnh hưởng nhiều bởi COVID-19”, ông Đào Ngọc Dung cho biết.

Theo báo cáo của Sở LĐ-TB&XH của 22/63 tỉnh, thành phố, có 8.773 lao động bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19; trong đó, lĩnh vực nông, lâm và thủy sản có 3.227 người (chiếm 36,8%); lĩnh vực cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải có 2.252 người (chiếm 25,7%); lĩnh vực vận tải, kho bãi có 1.121 người (chiếm 12,8%)... Còn lại một số ngành khác có lao động bị ảnh hưởng, nhưng số lượng không nhiều. Riêng về số lao động bị mất việc làm, tại 22/63 tỉnh, thành phố là 1.027 người, chủ yếu rơi vào lĩnh vực dịch vụ lưu trú và ăn uống, công nghiệp chế biến, chế tạo...

XM/Báo Tin tức

Nguồn Tin Tức TTXVN: http://baotintuc.vn/xa-hoi/khong-khan-hiem-lao-dong-sau-tet-du-covid19-dien-bien-phuc-tap-20200215162523041.htm