Không khách quan?

72% số người được hỏi đồng ý tăng học phí là con số Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội dẫn khảo sát nêu ra. Tuy nhiên, tại Hội nghị phản biện xã hội đối với dự thảo Nghị quyết của HĐND thành phố về mức thu học phí của cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông công lập năm học 2022 - 2023 do Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP Hà Nội tổ chức mới đây, nhiều ý kiến bày tỏ 'nghi ngờ'...

Cụ thể Sở Giáo dục và Đào tạo TP Hà Nội cho biết, có trên 74.000 ý kiến của cha mẹ có con học tại cơ sở giáo dục công lập và cán bộ giáo viên ở những trường này tham gia góp ý bằng phiếu, do các phòng giáo dục và đào tạo, cơ sở giáo dục công lập thực hiện. Kết quả hơn 53.700 người đồng ý với dự kiến mức thu học phí, chiếm hơn 72%. Có hơn 20.000 ý kiến không đồng tình, chiếm 27%. Với 37 cơ quan, đơn vị góp ý bằng văn bản gồm 3 sở, 24 quận, huyện, thị xã, 5 phòng giáo dục và đào tạo, 5 trường THPT công lập, có 22 ý kiến thống nhất với dự thảo Nghị quyết, chiếm gần 60%. Dự thảo Nghị quyết cũng được đăng tải lấy ý kiến trên Cổng thông tin điện tử thành phố, tuy nhiên hết thời hạn, không ai tham gia góp ý.
Về lý thuyết, con số 72% sẽ là cơ sở, tiền đề thuận lợi để có thể tăng học phí. Thế nhưng ý kiến tại Hội nghị phản biện cho rằng, tỷ lệ này rất đáng "nghi ngờ", nhất là trong bối cảnh giá cả nhiều mặt hàng thiết yếu tăng mạnh như hiện nay. Và việc điều tra xã hội học phải được thực hiện bài bản, khoa học và có số liệu phân tích cụ thể, không thể chung chung bao nhiêu % đồng ý. Đặc biệt, cần chú ý tới nhóm gần 30% số người tham gia ý kiến không đồng tình vì điều này cho thấy sự đồng thuận của nhân dân với việc tăng học phí có thể không cao...
Một số chuyên gia giáo dục cũng cho rằng, khi lấy ý kiến khảo sát về tăng học phí nên có sự tham gia của cơ quan thứ ba, sau đó đối chiếu kết quả với Sở Giáo dục và Đào tạo. Ví dụ, Sở Tài chính phối hợp với Mặt trận Tổ quốc hoặc HĐND thành phố đứng ra khảo sát thì kết quả mới khách quan. Nếu chỉ dùng kết quả khảo sát của Sở Giáo dục và Đào tạo có thể sẽ dẫn tới không khách quan. Bên cạnh đó, nội dung phiếu khảo sát cần tỉ mỉ hơn, phân chia đối tượng, khu vực rõ ràng, có tăng bao nhiêu % học phí trong phiếu để phụ huynh hiểu rõ. Nếu chỉ có câu hỏi đồng ý tăng học phí hay không sẽ không khoa học.
Thực tế, việc tăng học phí ở TP Hà Nội được thực hiện theo Nghị định 81 của Chính phủ. Tuy nhiên, việc tăng bao nhiêu và thời điểm nào phải tính đến điều kiện kinh tế - xã hội cụ thể. Trong bối cảnh các chi phí sinh hoạt, nhất là giá nhiên liệu tăng mạnh hiện nay, cần tính toán và có lộ trình cụ thể, tránh những tác động tiêu cực. Bởi như ý kiến của Chủ tịch Hội Tâm lý Giáo dục Hà Nội Nguyễn Tùng Lâm thì khi làm đại biểu HĐND thành phố, tôi đã nhiều lần phát biểu: Người Hà Nội không thiếu tiền mà cần sự minh bạch và chất lượng giáo dục. Tiền thu học phí được chi thế nào, đóng góp ra sao cho xây dựng cơ sở vật chất, nâng cao chất lượng giáo dục hiện nay?
Việc tổ chức lấy ý kiến về tăng học phí là cần thiết. Tuy nhiên, vấn đề là cách thức tổ chức, cơ quan nào đứng ra thực hiện để có kết quả khách quan, trung thực mới là quan trọng chứ không nhất thiết phải là những "con số đẹp".

Ninh Khương

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/giao-duc--y-te1/khong-khach-quan--i293124/