Không hóa đá

Hội An, đêm chìm trong ký ức mịt mờ của không gian thực cảnh và trời thực thì chớm mưa. Chàng trai lên thuyền theo đuôi con cá lênh đênh trên biển. Cô gái trên bờ đêm ngày khắc khoải ngóng trông. Mỗi lần trời giông, biển động là nỗi lo lắng trong lòng lại từng cơn quặn thắt.

Đêm đêm, cô gái thắp lên hàng trăm ngọn đèn lồng, với niềm tin ánh sáng sẽ đẩy lùi tai ương, chiếu soi đường về cho người cô yêu thương. Và sự khắc nghiệt của thiên nhiên đã không thể chiến thắng những ánh đèn lồng bởi tình yêu, đôi khi mang đến sức mạnh của sự bất diệt. Chàng trai đã trở về bằng một cái ôm ghì siết trong sự vỡ òa của hạnh phúc.

“Nhưng em nhớ là trong lần xem trước, chàng trai đã không thể vượt qua được bão giông và cô gái ở nhà đã trở thành người đàn bà hóa đá” - cô bé ngồi bên cạnh tôi thắc mắc.

Cô bé khác - người có liên quan - giải thích: “Hóa đá giờ đã là chuyện xưa, không hợp lẽ lắm nên đạo diễn đã cho họ được tương phùng trong phiên bản mới, ít nước mắt nhưng có hậu hơn”.

Tự dưng nhớ 1 đêm, cũng chớm mưa thế này ở thành phố Batumi của Georgia bên bờ biển Đen. Đồng hồ chỉ 19h. Và ai đó đã hét lên phấn khích khi 2 bức tượng hình nam nữ bằng thép cao khoảng 7m đứng đối diện nhau bỗng nhiên động đậy dịch chuyển. Một lúc thì 2 bức tượng chạm mặt nhau, bên nhau trong khoảnh khắc, đi qua nhau và lại xa nhau, cứ như vậy trong 10 phút cho đến khi cả 2 hoàn toàn dừng lại.

Đây là tác phẩm điêu khắc thép có tên “Tượng tình yêu” do nghệ sĩ Tamara Kvesitadze chế tác, thiết kế vào năm 2007 và lắp đặt năm 2010 - một trong những tác phẩm điêu khắc độc đáo nhất thế giới đương đại. Hai bức tượng được lấy cảm hứng từ chuyện tình của Ali và Nino - công chúa xứ Georgia, trong tiểu thuyết “Ali và Nino” - một trong những tác phẩm nổi tiếng thế kỷ 20 của tác giả Kurban Said xuất bản năm 1937, từng được dịch ra 37 ngôn ngữ và được tái bản gần 100 lần.

Đó là tình yêu đẹp nhưng thấm đẫm nước mắt của 2 con người xuất thân từ 2 tầng lớp khác nhau, vượt qua những xung đột giữa văn hóa phương Đông và phương Tây, giữa truyền thống và tư tưởng tự do, phóng khoáng. Ali và Nino tìm mọi cách để được bên nhau, đem lại cho nhau những tháng ngày hạnh phúc cùng cô con gái nhỏ.

Nhưng, chiến tranh như 1 định mệnh tàn khốc đã buộc họ phải chia lìa. Ali gia nhập quân đội để bảo vệ quê hương và tử nạn ngay trong ngày đầu ra trận. Nino cùng con gái sau đó quay lại trở về cố hương, nhưng sống trong sự giam cầm và đau khổ đến chết nơi cung cấm.

Một đêm nọ trên HBO, mới hay “Ali và Nino” còn được tái hiện trong bộ phim cùng tên của đạo diễn Asif Kapadia với kịch bản và hình tượng nhân vật tuyệt vời hơn cả nguyên tác. Đó cũng là lý do phim được chấm 8.7/10 điểm tại trang bình chọn điện ảnh uy tín nhất thế giới imdb.com.

“Tình yêu đã cho mẹ 1 cuộc đời mới nên mẹ phải biết cách chấp nhận sự mất mát chia lìa” là lời thoại của Nino với con gái mình khi hồi nhớ về người chồng đã thuộc về thế giới khác. Chỉ có quyền năng của nghệ thuật là dám cãi lại thiên mệnh, khi những Ali, Nino bên bờ biển Đen mỗi ngày được chạm nhau đúng 10 phút trong hình hài sắt thép.

Để rồi, như nghệ sĩ Tamara Kvesitadze có lần thừa nhận với công chúng, rằng chính ông lại không thể nào điều khiển được những yêu thương của đời mình theo ý muốn. Âu cũng là thú đau thương, một định nghĩa khác của 2 từ hạnh phúc…

HOÀNG VĂN MINH

Nguồn Lao Động: https://laodong.vn/chuyen-doc-duong/khong-hoa-da-627069.ldo