Không giữ gìn vệ sinh chung coi chừng bị phạt

Không ít người cho rằng, hành vi xả nước thải, vứt rác, tàn thuốc, để vật nuôi phóng uế ra đường... là việc nhỏ. Tuy nhiên, việc này ảnh hưởng không nhỏ đến những người xung quanh, vệ sinh môi trường, mỹ quan đô thị. Để ngăn chặn hành vi thiếu ý thức này, pháp luật hiện chế tài rất nghiêm bằng các quy định về xử phạt hành chính.

Một số hộ dân hẻm 2/132, tổ 16B, KP.An Hòa, P.Hóa An (TP.Biên Hòa) cho nước thải sinh hoạt chảy ra đường gây ô nhiễm môi trường khu dân cư. Ảnh: Đ.Phú

Một số hộ dân hẻm 2/132, tổ 16B, KP.An Hòa, P.Hóa An (TP.Biên Hòa) cho nước thải sinh hoạt chảy ra đường gây ô nhiễm môi trường khu dân cư. Ảnh: Đ.Phú

Luật sư Nguyễn Đức, Hội Luật gia tỉnh cho hay, hành vi vi phạm quy định về giữ gìn vệ sinh chung sẽ bị phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100-300 ngàn đồng; vi phạm các quy định về vệ sinh nơi công cộng bị phạt từ 500 ngàn đến 7 triệu đồng.

* Chuyện nhỏ mà không nhỏ

Vì thiếu hệ thống thoát nước thải sinh hoạt, một số hộ dân và một trường mẫu giáo ở hẻm 2/132 (tổ 16B, KP.An Hòa, P.Hóa An) cho nước thải sinh hoạt chảy trực tiếp ra đường khiến nhiều người dân sinh sống trong khu vực này bức xúc. Ông T.H.T. (ngụ KP.An Hòa, P.Hóa An) hỏi: “Hành vi để nước thải sinh hoạt tràn ra đường có bị xử lý gì không và phải phản ảnh lên đơn vị nào để được giải quyết, khắc phục tình trạng này?”.

Còn bà L.T.P. (ngụ KP.4, P.Thống Nhất, TP.Biên Hòa) có ý kiến, mặc dù cán bộ khu phố, UBND phường thường xuyên tuyên truyền, vận động, nhắc nhở rất nhiều nhưng vẫn còn một số người vứt rác thải, tàn thuốc, để chó mèo tiểu tiện bậy ra đường. Tuy nhiên, hầu như rất hiếm người bị xử phạt hành chính về hành vi này. Nếu không thực hiện việc xử lý nghiêm sẽ khó chấm dứt được tình trạng này.

Chia sẻ về thực trạng nói trên, luật sư Nguyễn Đức cho biết, hành vi xả nước thải, xả rác ra đường; tiểu tiện nơi công cộng hay để thú cưng phóng uế ra đường gây mùi hôi thối... của một số người tại các khu dân cư, bãi đất trống hoặc nơi công cộng trong thời gian qua thật sự gây bức xúc, bất bình cho nhiều người. Tuy nhiên, hành vi trên vẫn không thuyên giảm dù đã có chế tài khá nghiêm khắc. Nguyên nhân, có thể người có thẩm quyền xử lý chưa dứt điểm, tới nơi tới chốn. Còn người vi phạm thì ý thức kém, không hiểu biết pháp luật, xem đó là thói quen khó bỏ nên “hồn nhiên” vi phạm.

Luật sư Nguyễn Đức nhấn mạnh, Nghị định 167/2013/NĐ-CP ngày 12-11-2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy và chữa cháy; phòng, chống bạo lực gia đình quy định: phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100-300 ngàn đồng đối với một trong những hành vi đổ nước hoặc để nước chảy ra khu tập thể, lòng đường, vỉa hè, nhà ga, bến xe, trên các phương tiện giao thông nơi công cộng hoặc ở những nơi khác làm mất vệ sinh chung; tiểu tiện, đại tiện ở đường phố, trên các lối đi chung ở khu công cộng và khu dân cư; để gia súc, gia cầm hoặc các loại động vật nuôi phóng uế ở nơi công cộng...

Còn tại Khoản 1, Điều 20, Nghị định 155/2016/NĐ-CP ngày 18-11-2016 quy định về xử phạt hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường xử phạt vi phạm các quy định về vệ sinh nơi công cộng như sau, phạt tiền từ 500 ngàn đến 1 triệu đồng đối với hành vi vứt, thải, bỏ đầu, mẩu và tàn thuốc lá không đúng nơi quy định tại khu chung cư, thương mại, dịch vụ hoặc nơi công cộng. Phạt tiền từ 1-3 triệu đồng đối với hành vi vệ sinh cá nhân (tiểu tiện, đại tiện) không đúng nơi quy định tại khu chung cư, thương mại, dịch vụ hoặc nơi công cộng. Phạt tiền từ 3-5 triệu đồng đối với hành vi vứt, thải, bỏ rác thải sinh hoạt không đúng nơi quy định tại khu chung cư, thương mại, dịch vụ hoặc nơi công cộng. Phạt tiền từ 5-7 triệu đồng đối với hành vi vứt, thải rác thải sinh hoạt trên vỉa hè, đường phố hoặc vào hệ thống thoát nước thải đô thị hoặc hệ thống thoát nước mặt trong khu vực đô thị.

* Cần bảo vệ môi trường nơi công cộng

Để cá nhân, tổ chức tuân thủ và chấp hành nghiêm việc bảo vệ môi trường nơi công cộng, luật sư Nguyễn Đức cho biết, theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường năm 2014, cơ quan, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân có trách nhiệm thực hiện các quy định về bảo vệ môi trường và giữ gìn vệ sinh nơi công cộng; phân loại, chuyển rác thải vào thùng chứa rác công cộng hoặc đúng nơi quy định tập trung rác thải; không để vật nuôi gây mất vệ sinh nơi công cộng.

Luật sư Nguyễn Đức cho biết thêm, Luật Bảo vệ môi trường năm 2014 yêu cầu bảo vệ môi trường đối với hộ gia đình như sau: giảm thiểu, phân loại tại nguồn, thu gom và chuyển rác thải sinh hoạt đến đúng nơi quy định. Giảm thiểu, xử lý và xả nước thải sinh hoạt đúng nơi quy định. Không được phát tán khí thải, gây tiếng ồn, độ rung và tác động khác vượt quá quy chuẩn kỹ thuật môi trường, gây ảnh hưởng xấu đến cộng đồng dân cư xung quanh. Nộp đủ và đúng thời hạn phí bảo vệ môi trường; chi trả cho dịch vụ thu gom, xử lý chất thải theo quy định của pháp luật. Tham gia hoạt động bảo vệ môi trường công cộng và tại khu dân cư. Có công trình vệ sinh, chuồng trại chăn nuôi gia súc, gia cầm bảo đảm vệ sinh, an toàn.

“Theo tôi, việc chấp hành pháp luật về môi trường của cá nhân, tổ chức không phải ở chỗ pháp luật chế tài nghiêm hay không nghiêm; pháp luật có quy định cụ thể và tiên liệu hết các tình huống, hành vi xảy ra trong cuộc sống hay chưa, mà vấn đề quan trọng và mấu chốt là ở ý thức, tinh thần thượng tôn pháp luật của cá nhân, tổ chức ra sao” - luật sư Nguyễn Đức nhấn mạnh.

Nghị định 155/2016/NĐ-CP ngày 18-11-2016 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường quy định, cá nhân, tổ chức có hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường bị áp dụng một trong các hình thức xử phạt chính là cảnh cáo hoặc phạt tiền. Mức phạt tiền tối đa đối với một hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường là 1 tỷ đồng đối với cá nhân và 2 tỷ đồng đối với tổ chức.

Đoàn Phú

Nguồn Đồng Nai: http://www.baodongnai.com.vn/phapluat/202007/khong-giu-gin-ve-sinh-chung-coi-chung-bi-phat-3012636/