Không giới hạn với tác giả 'Việt Nam ơi!'

Nếu chưa biết Minh Beta là ai, hãy thử nghe ca khúc Việt Nam ơi. Tác giả ca khúc ấy khiến người ta đi hết từ ngạc nhiên này tới ngạc nhiên khác, phá vỡ mọi giới hạn.

Tạ Quang Thắng hát “Việt Nam ơi” tại sân Mỹ Đình hôm tuyển Việt Nam đá giao lưu với tuyển với CHDCND Triều Tiên (12/2018). Ảnh: NHƯ Ý

Tạ Quang Thắng hát “Việt Nam ơi” tại sân Mỹ Đình hôm tuyển Việt Nam đá giao lưu với tuyển với CHDCND Triều Tiên (12/2018). Ảnh: NHƯ Ý

Tự hào hát mãi lên "Việt Nam ơi"

Mỗi trận thắng mới đây của đội U23 hoặc đội tuyển Việt Nam tại ASIAD 2018, giải AFF Cup 2018 hàng triệu dân Việt Nam lại hát vang Việt Nam ơi. Từ sân cỏ, trên đường phố trong những màn “đi bão” mừng chiến thắng tới những ngõ nhỏ đâu cũng Việt Nam ơi. Đến đứa bé năm tuổi hễ nhìn thấy sắc đỏ đội bóng nhà liền reo lên “Việt Nam ơi kìa”. Ca khúc dần trở thành “bài hát quốc dân” chính nhờ giai điệu tươi vui, tinh thần trong sáng. Ca từ không cần hoa mĩ đao to búa lớn vẫn tải được cảm xúc yêu quê hương dạt dào và đặc biệt truyền cảm hứng.

“Tôi luôn nhắc bản thân mình là phiên bản mới nhất, hiện đại nhất, đột phá nhất nhưng chưa hoàn hảo”.

MINH BETA

“Tôi nghe bài hát vang lên khắp nơi thấy hạnh phúc và tự hào. Bất cứ nhạc sĩ, tác giả nào khi đứa con tinh thần của mình được đón nhận và yêu thương như vậy đều có cảm giác đó thôi. Nhưng trên hết, tôi nghĩ bài hát làm được điều mong đợi từ nó. Khi viết bài hát năm 2011 tôi chỉ muốn truyền đi thông điệp tích cực và trong sáng, bởi thời điểm ấy nhiều người có vẻ mất niềm tin, chán nản cuộc sống ở Việt Nam. Tôi không ngờ bài hát có sức sống bền bỉ, gắn liền với bóng đá như thế. Bóng đá là cầu nối, phương tiện để người ta có cớ xích lại gần nhau hơn, bài hát càng trở nên phù hợp”, Minh Beta nói.

Không phải nhạc sỹ chuyên nghiệp, Minh Beta bảo nhờ cảm xúc dồn nén nên chỉ mất 30 phút viết xong nhạc và lời. Xong tự sản xuất, thu âm và tung ra thị trường. Năm 2011 Minh bán chuỗi cửa hàng cà phê và bánh ngọt sang Đại học Harvard học MBA. Quyết định sang Mỹ học khi còn chưa biết tương lai nào cho chàng trai 28 tuổi. Giả sử ở lại Mỹ lập nghiệp, Minh lo chẳng biết khi nào mới về Việt Nam. “Cảm xúc lẫn lộn vừa có chút cảm động, thương nhớ quê hương, nên tôi muốn gửi tới người nghe thông điệp tích cực và hào sảngg”, Minh kể. “Bao nhiêu con người/Chung tay xây đời/Niềm tin nơi một Việt Nam sáng tươi/Việt Nam hỡi, Việt Nam ơi/Tự hào hát mãi lên Việt Nam ơi”. Ca từ dễ đi vào lòng người này khích lệ tinh thần đến không ngờ.

36 tuổi và 600 tỷ đồng

Minh Beta hiện là chủ chuỗi cụm rạp chiếu phim và ăn uống Beta Cineplex. Nhận tấm bằng thạc sỹ từ ĐH Harvard trở về nước, Minh dùng số tiền nhờ bán chuỗi cửa hàng DOCO Donuts & Coffee, một ít tiền để dành khi còn làm việc ở Singapore và vay mượn người thân, bạn bè để tất tay mở rạp chiếu phim. Người ta nghĩ thị trường rạp chiếu khó nhằn, toàn ông lớn chiếm hết miếng bánh ngon, Minh Beta đánh vào phân khúc giá rẻ cho học sinh sinh viên. Beta Cineplex tuy không ở những vị trí đắc địa nhưng chất lượng phòng chiếu không tệ, số lượng phim không thua kém các rạp lớn, lại ưu thế với nhiều lựa chọn dịch vụ ăn uống cho giới trẻ.

Từ cụm rạp đầu tiên ở Thái Nguyên năm 2014 với số vốn đầu tư ban đầu khoảng 5 tỷ đồng, ba năm sau Beta Cineplex được định giá khoảng 600 tỷ đồng. Kết quả ngoài mong đợi đối với một người trẻ khởi nghiệp ở Việt Nam. Beta Cineplex hiện phát triển lên chín cụm rạp với khoảng 45 phòng chiếu. Năm 2019 sau khi khẳng định thương hiệu ở nhiều tỉnh thành, Minh tiết lộ quay lại đầu tư mạnh ở Hà Nội-thị trường sôi động, cạnh tranh khốc liệt nhưng đầy tiềm năng.

Mô hình kinh doanh của Beta Cineplex ngày càng mở rộng, đi từ doanh nghiệp nhỏ lên cỡ doanh nghiệp vừa. Thành công của ông chủ này còn đặc biệt ở chỗ được một quỹ đầu tư Hong Kong tìm đến. “Nhiều người cứ nghĩ gọi vốn của các nhà đầu tư giống như xin-cho, hoàn toàn sai lầm. Nếu mình có mô hình kinh doanh chắc chắn, kết quả kinh doanh tốt, hiểu rõ thị trường họ sẽ tự tìm đến. Nhà đầu tư Hong Kong là một ví dụ bởi khi ấy tôi chưa có ý định gọi vốn. Những người trẻ nên nghĩ rằng tôi là cô gái đẹp tôi có quyền lựa chọn chàng trai tốt thôi, chứ đừng rộn ràng lên lo ế”, Minh hóm hỉnh.

Minh chọn cách sống đúng với tinh thần ca khúc Việt Nam ơi. Không chọn ở lại Mỹ bởi Minh thấy xã hội Mỹ phát triển, nếu có ở lại cũng chỉ đóng góp một phần nhỏ vào sự phát triển ấy. “Chưa kể mình không phải người Mỹ, không sinh ra và lớn lên ở đấy nên tình cảm, sự quan tâm với xã hội cộng đồng không được như nghĩ về quê hương Việt Nam. Ở lại Mỹ nghĩa là mọi sự cố gắng, thành công chỉ thiên về làm lợi cá nhân, không có nhiều giá trị đóng góp chung cho xã hội. Cuộc sống vì thế không nhiều ý nghĩa bằng ở Việt Nam”, Minh giải thích.

Phiên bản không giới hạn

Minh Beta làm ca sĩ, sáng tác nhạc, sản xuất phim, tham gia diễn xuất, kinh doanh đều thành công. Anh cười, không biết nên tự nhận mình thế nào cho hợp, có lẽ là phiên bản chưa hoàn thiện. Đúng với nghệ danh Minh Beta. “Trong tất cả vai trò từ ca sĩ, diễn viên, sản xuất phim, viết nhạc, kinh doanh tôi nghĩ đều đang trên con đường hoàn thiện mình. Có những thứ mình làm tốt, có thứ chưa tốt nhưng quan trọng mình học được gì và điều đó mang lại trải nghiệm gì, cảm xúc gì để tận hưởng nó và cố gắng tốt hơn”, Minh cắt nghĩa.

Nhiều người quan niệm trưởng thành là phải chọn một nghề nghiệp nhất định để theo đuổi. Minh muốn phá vỡ định kiến và làm nhiều thứ một lúc, và thành công ở nhiều vai khác nhau. “Tôi đang sống nhiều cuộc sống nhỏ. Cuộc sống ngắn và nhiều màu sắc, nếu mình sống được nhiều cuộc sống nhỏ nghĩa là cái gì mình cũng có thể làm được và làm tốt. Vậy cứ theo đuổi nó đến tận cùng. Không nhất thiết phải bó hẹp mình trong khuôn khổ nào. Những mảnh ghép đấy đều là tôi cả, đều mang lại hạnh phúc và niềm vui khác nhau. Tôi cũng không giới hạn mình, biết đâu trong tương lai tôi có thể làm thêm công việc, hoặc hành trình nào đó khác hiện giờ”, Minh nói.

Sống nhiều cuộc sống nhỏ, áp lực dồn lên vai chủ doanh nghiệp như Minh Beta không nhỏ, nhưng nhìn cách Minh sống và làm việc thấy đáng nể. Quan niệm quỹ thời gian của con người hữu hạn, năng lượng cũng vậy nhưng tại sao vẫn có doanh nhân làm ra nhiều tỷ đô la, Minh nghiệm ra rằng chỉ có thể do biết cách thiết kế cuộc sống và các đội ngũ trợ giúp đắc lực.

Hỏi Minh có thời gian dành cho bản thân không, anh cười: “Có chứ, nhiều là đằng khác”. Dịp Tết dương lịch 2019 Minh xách vali đi Thái Lan “vừa làm vừa chơi vừa tìm cảm hứng”. “Tôn chỉ của tôi là mình phải hạnh phúc thì mới làm được điều có ích. Áp lực quá thì tôi chậm bớt lại để bản thân vui cái đã, còn mình làm nhiều quá mà không vui nghĩa là đang sai đường. Làm nhiều việc nên thành công nhiều mà thất bại cũng lắm. Quan trọng tôi biết giữ tâm thế cân bằng, đạt được thì hài lòng, thất bại thì làm lại có sao đâu”, Minh cười.

Minh Beta tên thật Bùi Quang Minh, sinh năm 1983 tại Hà Nội. Anh vốn là học sinh chuyên Toán trường chuyên Hà Nội-Amsterdam. Học xong lớp 12, Minh nhận học bổng toàn phần AusAID của chính phủ Úc và tốt nghiệp ĐH Sydney bằng danh dự hạng Nhất, nhận học bổng toàn phần Fulbright của chính phủ Mỹ, nhận bằng thạc sỹ MBA tại ĐH Harvard.

Đầu tư sản xuất sêri sitcom Phía Tây thành phố, phim điện ảnh Ngày mai Mai cưới-Minh Beta đều thử sức diễn xuất. Năm 2019 công ty của Minh Beta đầu tư hợp tác với Thái Lan sản xuất phim chiếu rạp cả hai nước, Minh cũng nhận một vai.

Toan Toan

Nguồn Tiền Phong: https://www.tienphong.vn/giai-tri/khong-gioi-han-voi-tac-gia-viet-nam-oi-1375223.tpo