Không giết vật nuôi trước mặt đồng loại là điều kiện để xuất khẩu?

Giết vật nuôi trước mặt đồng loại là vi phạm quy định về đảm bảo phúc lợi vật nuôi trong giết mổ, khiến các sản phẩm thịt có nguy cơ không thể xuất khẩu.

Ảnh minh họa.

Là quy định để hội nhập

Tại Điều 68 Luật Chăn nuôi vừa được Quốc hội thông qua hồi tháng 11 cũng quy định về việc đảm bảo phúc lợi cho vật nuôi trong giết mổ. Luật này cấm giết vật nuôi trước mặt đồng loại.

Theo ông Nguyễn Xuân Dương - quyền Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT), những nội dung trong luật này không phải là vấn đề mới. Nó thể hiện tính nhân văn của người Việt.

Ngoài ra, quy định trên cũng là điều kiện để hội nhập, trao đổi sản phẩm chăn nuôi với thế giới vì một số nước phát triển coi đây là một trong những điều kiện để trao đổi với nhau.

Theo ông Dương, nếu như chỉ có năng suất cao, giá thành hạ, chất lượng tốt mà không đối xử nhân đạo với vật nuôi thì "người ta cũng từ chối sản phẩm đó"

Đơn cử như nước Úc đã từ chối cung cấp bò thịt sang các nước không có quy trình giết mổ nhân đạo với vật nuôi.

Ngoài ra, một số nước như Thái Lan, Hàn Quốc, Mỹ… cũng đã đưa vào luật những quy định về việc đối xử nhân đạo với vật nuôi để đảm bảo con vật được đối xử tốt nhất.

Cũng liên quan tới phúc lợi động vật, tháng 6.2016, Úc đã ra quyết định cấm xuất khẩu bò cho một công ty ở Hải Phòng vì dùng búa tạ để giết bò.

Lệnh cấm trên được đưa ra do Công ty trên đã không đáp ứng được các tiêu chuẩn về đảm bảo đối xử nhân đạo và không gây đau đớn khi giết thịt bò.

Trước Việt Nam, từ năm 1991 - 2000, chính phủ Úc đã đình chỉ việc xuất khẩu cừu và bò sống tới Arab Saudi sau khi điều kiện vận chuyển tồi tệ đã khiến cho hàng trăm con cừu và bò bị chết do nóng.

Vào năm 2006, Úc cũng ngừng xuất khẩu gia súc sang Ai Cập sau khi được xem một đoạn video dài 60 phút có cảnh gia súc bị tra tấn trước khi đem mổ.

PGS.TS Phạm Kim Đăng. Ảnh: HVNNVN

Vì sao cấm giết vật nuôi trước mặt đồng loại lại quan trọng?

Theo PGS.TS Phạm Kim Đăng – Phó Khoa Chăn nuôi, Học viện Nông nghiệp Việt Nam cho rằng việc cấm giết vật nuôi trước mặt đồng loại quy định tại Điều 68 Luật Chăn nuôi là hợp lý.

Điều này vừa đảm bảo phúc lợi động vật, vừa đảm bảo chất lượng sản phẩm.

Phúc lợi động vật gồm 5 tiêu chí chính gồm: Không bị đói khát. Không bị đau đớn, tổn thương và bệnh tật. Không bị khó chịu. Không bị sợ hãi và căng thẳng. Không bị hạn chế các tập tính tự nhiên.

Ở một số nước nhà Canada, Hàn Quốc, Hà Lan... đã có chứng chỉ về phúc lợi động vật cho các sản phẩm thịt bán ra thị trường. Phúc lợi động vật càng tốt, thì được đánh giá càng nhiều sao trên sản phẩm.

Người tiêu dùng ở các nước trên cũng ưu tiên các sản phẩm có nhãn phúc lợi động vật, vì sự nhân đạo và thịt cũng có chất lượng ngon hơn.

Thành Trung

Nguồn Lao Động: https://laodong.vn/xa-hoi/khong-giet-vat-nuoi-truoc-mat-dong-loai-la-dieu-kien-de-xuat-khau-648009.ldo