Không giết mổ, tái đàn lợn ở nơi có dịch

Một số nơi có bệnh dịch tả lợn Châu Phi ở Lào Cai tạm thời dừng giết mổ, bán thịt lợn trong vòng 21 ngày.

 Tiêu hủy lợn nhiễm bệnh dịch tả lợn Châu Phi tại Lào Cai. Ảnh: A.K

Tiêu hủy lợn nhiễm bệnh dịch tả lợn Châu Phi tại Lào Cai. Ảnh: A.K

Dịch tả lợn Châu Phi bùng phát

Từ tháng 11/2019 bệnh dịch tả lợn Châu Phi trên địa bàn tỉnh Lào Cai cơ bản đã được kiểm soát và người chăn nuôi bắt đầu thực hiện tái đàn lợn… Thế nhưng, gần 6 tháng sau, bệnh dịch tả lợn Châu Phi bùng phát trở lại.

Tại thị trấn Bát Xát, hộ gia đình ông Vũ Văn Hải và Phan Văn Đĩnh là những hộ đầu tiên có lợn nhiễm dịch tả lợn sau khi tái đàn. Ngay sau đó, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Bát Xát đã lấy mẫu, thực hiện đào hố, rắc vôi bột... tiêu hủy số lợn đồng thời khoanh vùng, khử trùng bảo vệ hộ nuôi xung quanh. Rất may, những hộ trên tái đàn cẩn trọng nên mỗi hộ chỉ thiệt hại 2-3 con lợn.

Ông Phan Ngọc Quang – Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Bát Xát cho biết, sau 6-7 tháng mà bệnh dịch tả lợn Châu Phi trên địa bàn vẫn xuất hiện trở lại. Hiện có khoảng gần 20 hộ, với hơn 100 con lợn bị nhiễm tả lợn Châu Phi.

“Theo Luật Thú y, hiện đã tạm dừng buôn bán thịt lợn trong vòng 21 ngày tại các chợ ở 3 thị trấn, xã đã công bố dịch gồm thị trấn Bát Xát, xã Bản Vược và Trịnh Tường để tránh lây lan dịch bệnh. Ngoài ra, tuyên truyền cho bà con sử dụng thực phẩm khác thay thế. Thời gian này là tạm dừng chứ không phải cấm giết mổ. Sau khi dịch bệnh ổn định sẽ cho hoạt động trở lại”, ông Quang nhấn mạnh.

Theo Sở NNPTNT tỉnh Lào Cai, từ ngày 1/5 - 28/5/2020, bệnh dịch tả lợn Châu Phi xảy ra tại 86 hộ trên địa bàn 45 thôn/19 xã, thị trấn làm 371 con lợn mắc bệnh phải tiêu hủy. Trong đó, có 69 con lợn nái và lợn đực; 302 con lợn thịt và lợn con các loại; khối lượng tiêu hủy 16.999 kg.

Ông Nguyễn Xuân Nhẫn – Phó Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Lào Cai cho biết, nguyên nhân dịch bệnh bùng phát là do người chăn nuôi mua lợn giống mang mầm bệnh từ địa phương khác; vận chuyển, giết mổ, tiêu thụ thịt lợn nhiễm mầm bệnh. Quần áo, giày dép, ô tô, xe máy, lồng nhốt lợn của người chuyên buôn bán vận chuyển lợn giống, lợn thịt bị nhiễm mầm bệnh. Các hộ chăn nuôi chưa chú trọng áp dụng các biện pháp cách ly an, toàn sinh học trong chăn nuôi, thực hiện phối giống lợn trực tiếp để mầm bệnh nhiễm vào đàn lợn của mình…

Chốt kiểm dịch động vật tại xã Hòa Mạc (huyện Văn Bàn, Lào Cai). Ảnh: H.Đ

Bà con ở vùng cao Lào Cai thường chăn nuôi nhỏ lẻ, rải rác phần nào gây khó khăn cho công tác phòng chống dịch. Hầu hết những chủ hộ chăn nuôi này chưa thực hiện tốt các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học để phòng, chống dịch bệnh.

Xử lý triệt để ổ dịch

Trước việc bùng phát dịch tả lợn Châu Phi trên địa bàn tỉnh, ông Trịnh Xuân Trường - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai, Trưởng Ban chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh động vật tỉnh - đã đi kiểm tra thực tế về công tác, phòng chống dịch bệnh tả lợn Châu Phi tại xã Võ Lao (huyện Văn Bàn), xã Trịnh Tường va Bản Vược (huyện Bát Xát).

Qua thị sát và báo cáo tình hình dịch bệnh trên địa bàn, ông Trịnh Xuân Trường đánh giá cao sự chủ động, vào cuộc phòng chống dịch bệnh của các địa phương và nhận định thời gian tới dịch bệnh diễn biến phức tạp có nguy cơ lây lan rộng. Vì vậy, địa phương cần xử lý triệt để ổ dịch, thực hiện tốt vệ sinh khử trùng, tiêu độc, đặc biệt là nghiêm cấm việc vận chuyển, giết mổ lợn, tái đàn tại các xã có dịch...

Đối với các xã chưa có dịch, thành lập các tổ cơ động để kiểm tra việc giết mổ, buôn bán vận chuyển lợn trên địa bàn.

Ghi nhận tại xã Hòa Mạc (huyện Văn Bàn), chốt kiểm dịch có barie đã được thành lập để kiểm soát nguồn động vật ra vào địa bàn. Chốt kiểm dịch này nằm ở đường độc đạo nơi vào ra của địa phương nên dễ kiểm soát.

Theo ông Nguyễn Xuân Nhẫn - Phó Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Lào Cai, hiện đã thành lập 2 chốt kiểm soát động vật tạm thời, được hạ cần barie. Các huyện, thị xã, thành phố đã thành lập 9 tổ kiểm soát cơ động; ngành nông nghiệp thành lập các đoàn công tác kiểm tra, đôn đốc công tác ứng phó, khẩn cấp với bệnh dịch tả lợn Châu Phi ở 9/9 huyện, thị xã, thành phố.

Ngoài ra, in ấn và cấp phát 3.000 áp phích tuyên truyền về phòng, chống bệnh dịch tả lợn Châu Phi; cấp 3.000 lít hóa chất để tiêu độc, xử lý ổ dịch, môi trường chăn nuôi; cấp 2.800 bộ quần áo bảo hộ sinh học, 2.800 đôi găng tay, 152 đôi ủng và 90 cái kính mắt để phục vụ cho công tác phòng, chống dịch…

Cũng theo ông Nhẫn, nhiệm vụ, giải pháp phòng chống dịch bệnh hiện này là đẩy nhanh việc xây dựng cơ sở giết mổ quy mô nhỏ, đưa vào hoạt động ngay để kiểm soát dịch bệnh theo kế hoạch và phương án đã được UBND tỉnh phê duyệt. Thống kê các hộ kinh doanh lợn giống, hộ giết mổ lợn cam kết không kinh doanh, mua bán lợn ốm, lợn bệnh, không rõ nguồn gốc.

Kiểm soát chặt chẽ việc tái đàn lợn, đảm bảo con giống đưa vào chăn nuôi phải khỏe mạnh, có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, đầy đủ hồ sơ kiểm dịch. Khi đưa vào cơ sở, hộ chăn nuôi phải thực hiện nuôi cách ly riêng biệt 15 ngày, theo dõi hàng ngày, phát hiện các nghi ngờ dịch bệnh để xử lý kịp thời. Bảo vệ an toàn mức độ cao nhất trong đàn lợn nái trong dân.

Hải Đăng

Nguồn Nông Nghiệp: https://nongnghiep.vn/khong-giet-mo-tai-dan-lon-o-noi-co-dich-d266004.html