Không gieo cấy trước lịch thời vụ

Vừa qua, tỉnh Nghệ An triển khai 'Đề án sản xuất trồng trọt vụ xuân 2021' với mục tiêu phấn đấu gieo trồng 90.000 ha lúa, 17.500 ha ngô, 11.500 ha lạc...

Lúa là cây trồng chính được các địa phương đặc biệt quan tâm, tập trung chỉ đạo để đạt năng suất cao nhất từ 66,67 tạ/ha trở lên và sản lượng tối thiểu 600.000 tấn.

Sản xuất vụ xuân 2021 được ngành khí tượng thủy văn Trung ương cũng như địa phương dự báo sẽ là một vụ sản xuất diễn ra trong điều kiện thời tiết rét đậm, rét hại kết hợp với không khí lạnh tràn về nhiều và kéo dài nhiều ngày gây khó khăn lớn cho sản xuất ngay từ đầu vụ.

Trong đó đáng lưu ý nhất là dự báo nhiệt độ không khí từ tháng 1 đến tháng 4 khu vực Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ có thể thấp hơn trung bình nhiều năm từ 0,5 - 1 độ C. Riêng tháng 1 đến tháng 2 là tháng rét mạnh nhất và thời gian rét kéo dài từ 7 - 8 ngày hoặc hơn. Đi cùng với rét là gió mùa đông bắc, là mưa phùn và sương mù dễ tạo cơ hội cho sâu bệnh phát triển, nhất là bệnh đạo ôn lá, đạo ôn cổ bông.

Nhưng, kinh nghiệm cho thấy những năm vụ xuân rét đậm, rét hại xẩy ra thường được mùa lớn.

Để vụ xuân 2021 đạt năng suất cao trong điều kiện thời tiết nêu trên và một thuận lợi nữa là do lũ lụt lớn vừa xẩy ra đã để lại trên đồng ruộng một lượng phù sa khá nhiều.

 Gieo cấy lúa xuân ở Nghệ An.

Gieo cấy lúa xuân ở Nghệ An.

Vì vậy trong hội nghị triển khai "Đề án sản xuất trồng trọt vụ xuân 2021" khi bàn biện pháp chỉ đạo sản xuất, Sở NN-PTNT Nghệ An đã đi đến thống nhất 7 giải pháp then chốt là:

Thứ nhất: Cơ cấu giống lúa có tiềm năng, năng suất cao, chất lượng cơm gạo khá để gieo cấy. Vì vụ lúa xuân năm 2020 xu thế diễn biến của thời tiết như nói ở trên rất dễ là một vụ lúa xuân đạt được năng suất cao đến rất cao.

Vì vậy, chỉ tập trung gieo cấy các giống lúa thuần VT-NA6, TBR 225, Thiên ưu 8, ADI 168, Nếp 97... và lúa lai Thái xuyên 111, VT 404, Phú ưu 978, Kinh sở ưu 1588... Mỗi một địa phương chỉ nên chọn 1-2 giống, tối đa không quá 4-5 giống để gieo cấy.

Thứ hai: Không để mất giống do ngâm ủ không thực hiện đúng quy trình đề ra trong điều kiện thời tiết xẩy ra rét đậm, rét hại. Hạt giống phải được ngâm trong nước ấm 54 độ C (3 sôi + 2 lạnh) trước, sau đó thay bằng nước lạnh trong sạch. Thời gian ngâm, trên dưới 35 giờ, tùy theo nhiệt độ ngoài trời quá thấp (dưới 16 độ C) hay rét vừa (từ 17 độ C trở lên). Trong thời gian ngâm cứ 5-6 giờ vớt giống ra đãi sạch thay nước một lần. Khi vớt giống ra ủ đãi thật sạch và ủ nơi kín gió, có tấp tủ kín.

Thứ ba: Không để xẩy ra mạ chết rét. Mạ gieo xong phải được tấp tủ kín bằng nilon. Khi mạ đủ tuổi cấy (trên dưới 3 lá) từ từ mở nilon, không mở nilon hết cùng một lúc để cây mạ thích ứng dần với nhiệt độ thấp ở ngoài trời. Không nên gieo sạ, lúa sẽ chết khi gặp rét đậm, rét hại.

Thứ tư: Tuyệt đối không gieo cấy trước lịch thời vụ quy định do Sở NN-PTNT đề ra đã được thống nhất trên phạm vi toàn tỉnh.

Thứ năm: Sử dụng phân bón thật hợp lý vì vụ xuân 2020 hầu hết các cánh đồng gieo cấy lúa đều được bồi đắp thêm một lượng phù sa do lũ lụt mang đến. Do đó bón phân phải hợp lý, bón cân đối, tuyệt đối không bón nặng đạm, nên bón tăng lân và kali để vừa chống đổ, vừa đề phòng khả năng xâm nhập bệnh đạo ôn lá, đạo ôn cổ bông, bệnh bạc lá và làm giảm tỉ lệ lúa lép.

Thứ sáu: Luôn luôn chủ động phòng chống sâu bệnh. Vụ xuân 2021 diễn biễn của thời tiết ngoài rét đậm, rét hại, gió mùa đông bắc kéo dài thì khả năng trời âm u, sương mù nhiều, ẩm độ không khí cao… là điều kiện và cơ hội cho nấm bệnh đạo ôn phát triển sớm, nhanh, nhiều. Vì vậy phải thường xuyên thăm đồng, phát hiện sớm sâu bệnh để phòng trừ.

Thứ bảy: UBND tỉnh và UBND các huyện, thành, thị khuyến khích và mời gọi doanh nghiệp liên kết với các HTXNN, tổ HTX và nông dân để sản xuất và bao tiêu sản phẩm...

Giang Nguyen

Nguồn Nông Nghiệp: https://nongnghiep.vn/khong-gieo-cay-truoc-lich-thoi-vu-d278558.html