Không giáo dục tẹo nào!

Hình như là hội chứng thì phải. - Hội chứng thì nhiều, bác lại úp mở chuyện hội chứng gì vậy? - Hội chứng 'hình phạt tát'.

- Ta bàn chuyện 231 cái tát rồi mà bác. Có bàn là bàn chuyện sau sự việc này, lãnh đạo nhà trường không lo xem xét đưa ra các hình thức kỷ luật giáo viên, lại làm một cái “điều tra” rất phản giáo dục.

- Đúng là vậy, tớ đã không ưa vị hiệu trưởng trường này khi đề nghị báo chí không lên tiếng vì trường đang được xem xét công nhận trường chuẩn, nay lại chuyện “điều tra” thì không phải không ưa nữa mà là giận thật sự.

- Qua vụ việc này, có nhiều ý kiến bàn về áp lực của các nhà trường về danh hiệu thi đua. Nghe cũng có thể thông cảm được, nhưng từ những ứng xử này, mới hay “bệnh thành tích” trong giáo dục đã thực sự nan y hết thuốc chữa.

- Đọc những câu hỏi và những câu trả lời của 23 em học sinh trên tờ phiếu “điều tra”, tớ thực sự đau lòng. Tại sao chỉ vì thành tích mà những người làm giáo dục ở đây lại có thể bất chấp đưa các em học sinh vào cuộc. Đẩy các em thành những nạn nhân của sự nói dối, thiếu trung thực.

- Nguy hiểm hơn là với tư duy này, rồi các em học sinh sẽ bước ra xã hội với tâm thế nào, nếu như sự dối trá cứ đeo đẳng các em trong suốt cuộc đời.

- Tớ muốn nói hai chữ “hội chứng”, bởi nếu tớ nhớ không nhầm thì cách đây ít lâu, trong cái vụ một cô giáo đi ô tô trong trường đâm gãy chân một học sinh, người ta cũng làm cái “điều tra” đối với học sinh để che tội cho cô giáo. Hành động này đã bị dư luận hết sức lên án, hình thức kỷ luật nghiêm khắc đã được đưa ra. Vậy mà chẳng nhẽ cô hiệu trưởng ở ngôi trường “231 cái tát” không có thông tin này, mà lại “sao y bản chính” như vậy.

- Kể ra cũng lạ thật. Em không nghĩ, trước thời đại bùng nổ thông tin như hiện nay, cô hiệu trưởng “điều tra” này lại không biết cái chuyện “điều tra” trước. Nếu biết mà vẫn làm thì rõ ràng cô hiệu trưởng có vấn đề về nhận thức, về nhân tâm…Mà nếu vậy thì có lẽ cũng không xứng đáng làm nghề giáo chứ đừng nói là làm hiệu trưởng.

- “Hội chứng” vẫn chưa hết đâu nhé. Dư luận đang chưa hết bức xúc chuyện 231 cái tát, thì hôm nay (5/12) lai có thông tin một trường tiểu học ở Hà Nội, có cô giáo đã yêu cầu các học sinh trong lớp tát vào một học sinh 50 cái vì học sinh này nói chuyện riêng trong lớp (sau khi tát 20 cái cô lệnh cho dừng lại). Vậy chả nhẽ một cô giáo ở giữa Thủ đô lại không biết và không bức xúc trước chuyện 231cái tát xảy ra ở một trường miền Trung.

- Không thể nói là không biết được, bao nhiêu bài báo và bao nhiêu bình luận trên mạng xã hội căm phẫn như thế sao có thể không biết được. Biết mà lại “đi vào vết xe đổ” như vậy, hỏi có lạ không.

- Cũng thật khó lý giải. Không phủ nhận có những học sinh thuộc diện “cá biệt”, nhắc nhở nhiều lần không chuyển, nhưng không thể giáo dục các em bằng những cái tát của bạn bè trong lớp. Hành động này vô hình trung đã reo lòng hận thù và tính bạo lực vào các học sinh.

- Vậy mới nói giáo dục mà lại phản giáo dục. Mà bác nói “hội chứng” hình như đúng. Nhân cái vụ 231 cái tát, em có tra từ khóa “tát”, mới biết trong tháng 10 vừa rồi cũng có chuyện một cô giáo trường PTCS ở một huyện ngoại thành HN cũng giáo dục học sinh bằng “phương pháp” bắt hai em học đứng lên bảng tự tát vào mặt nhau 10 cái vì hai em này nói chuyện riêng trong giờ giảng.

- Đâu đã hết, gần đây thôi ngay tháng 11, tại một trường tiểu học ở quận Tân Bình TP HCM cũng có chuyện giáo viên “giáo dục” học sinh cho các em lần lượt tát 32 cái vào những học sinh vi phạm nội quy lớp học.

- Cho dù rất thông cảm với những áp lực của giáo viên, song nếu ngành giáo dục cứ để “hội chứng tát” lây lan thế này thì rõ là không giáo dục tẹo nào.

Thiện Tâm

Nguồn LĐTĐ: http://laodongthudo.vn/khong-giao-duc-teo-nao-84201.html