Không gian văn hóa sáng tạo: Cơ hội hái ra tiền còn bỏ ngỏ

Không gian văn hóa đi bộ quanh Hồ Gươm, không gian đi bộ phố Trịnh Công Sơn, phố bích họa Phùng Hưng… mới chỉ là sự manh nha của các không gian văn hóa sáng tạo và chưa thật sự hái ra tiền. Cuộc hội thảo mang tính gợi mở với sự góp mặt của các chuyên gia và các giám đốc không gian văn hóa sáng tạo, diễn ra sáng 11/10, do Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội tổ chức đã phần nào hướng đến những mô hình công nghiệp sáng tạo mới cho Thủ đô.

 Phố bích họa Phùng Hưng thu hút nhiều du khách đến tham quan, chụp ảnh. Ảnh: Danh Trọng

Phố bích họa Phùng Hưng thu hút nhiều du khách đến tham quan, chụp ảnh. Ảnh: Danh Trọng

Chờ đợi “Zone 9 phẩy”

Nhìn nhận về sự việc đóng cửa Zone 9, sau 5 năm sự việc xảy ra, Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong cho rằng, ở một góc độ nào đó việc đánh giá về vai trò khu vui chơi của giới trẻ này ở thời điểm đó còn hạn chế.
Tiền thân của Zone 9 là một khu xí nghiệp bỏ hoang giữa lòng TP. Chính những nghệ sĩ hàng đầu của đất Kinh kỳ chung tay tô vẽ, sửa sang lại không gian đổ nát này thành một hợp tác xã, một trung tâm văn hóa, nghệ thuật độc nhất vô nhị cho giới trẻ Hà Nội. Chỉ trong khuôn viên vài khu nhà của nơi này người ta có thể hội hè miên man từ cafe lớn nhỏ, hàng quần áo, lớp học Yoga, nhà riêng, rồi thì studio chụp ảnh, quán bar và cả… thư viện.

Hà Nội đang phấn đấu từ nay đến năm 2020 sẽ có thêm khoảng 25 công viên mới, trong đó dự tính dành ra các không gian để trưng bày, giới thiệu các tác phẩm nghệ thuật sáng tạo của văn nghệ sĩ Hà Nội, thậm chí là khu vườn thơ của các thi sĩ Việt. Cùng với đó, Hà Nội cũng đã tính toán để mở thêm nhiều không gian phố đi bộ, đưa thêm nhiều hoạt động văn hóa nghệ thuật nhằm nâng cao đời sống tinh thần cũng như thúc đẩy, truyền cảm hứng sáng tạo mạnh mẽ hơn nữa trong cộng đồng.
Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong

Năm 2013, sau vụ hỏa hoạn, Zone 9 bị đóng cửa. Lý do hỏa hoạn là một phần, nhưng phần nữa là nhiều người quan niệm đây là khu ăn chơi “ổ chuột”, không đúng mực của giới trẻ.
Trong cuộc hội thảo sáng 11/10, Chủ tịch CLB Doanh nhân sáng tạo VCE Club Lê Quốc Vinh đề xuất, Hà Nội nên cho tái dựng lại Zone 9. Bởi hiện nay khu đất này vẫn đang bị hoang hóa. Đặc biệt, ông Vinh cho rằng việc tái hoạt động phải được Nhà nước đánh giá và thừa nhận đây là không gian hoạt động văn hóa sáng tạo hợp pháp, đảm bảo các quy định về an ninh trật tự, phòng cháy chữa cháy. Tuy nhiên, Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Nguyễn Văn Phong cho biết, việc tái dựng như thế nào, ở vị trí cũ hay tìm địa điểm khác còn cần phải nghiên cứu. Và đặc biệt, việc tái dựng này sẽ không chỉ có sự tham gia của các cơ quan Nhà nước mà là sự cộng hưởng của các DN.
Gỡ vướng về pháp lý
Nói về không gian sáng tạo văn hóa, TS Nguyễn Thị Thu Phương – Giám đốc Trung tâm Phát triển Công nghiệp văn hóa (Viện Văn hóa nghệ thuật Việt Nam) cho rằng Hà Nội có sự bứt phá khi là TP đầu tiên tạo ra các thể chế phát triển không gian sáng tạo văn hóa. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, 62 không gian sáng tạo văn hóa trong TP hơn 7 triệu dân và đón hàng triệu lượt khách du lịch mỗi năm là còn quá khiêm tốn. Chưa kể, các không gian này chưa thật sự là một không gian sáng tạo văn hóa đúng nghĩa.
“Tại không gian văn hóa đi bộ quanh Hồ Gươm, ngoài một số chương trình đã được sắp sẵn thì rất ít chương trình mang tính cá nhân được cấp phép ở đây. Chưa kể, các chương trình biểu diễn của các nhóm mới chỉ mang tính giải trí, chưa có những sản phẩm tái tạo kinh tế” – ông Lê Quốc Vinh nhận xét. Bên cạnh đó, phố đi bộ Trịnh Công Sơn, phố bích họa Phùng Hưng… cũng chưa thể hiện hết được chức năng không gian sáng tạo văn hóa.
KTS Đoàn Kỳ Thanh cho rằng Hà Nội có lợi thế về nguồn lực, người làm sáng tạo và nghệ thuật hơn so với TP khác; nếu biết khai thác tốt, sẽ thúc đẩy tốc độ phát triển ngành công nghiệp sáng tạo. Tuy nhiên, các đơn vị bước vào khởi nghiệp không gian sáng tạo gặp khó về vấn đề pháp lý, đặc biệt là kiểm duyệt và cấp phép. Đôi khi nhận định về yếu tố nhạy cảm có sự khác nhau giữa người thực hiện và người quản lý. Chính vì vậy, các chuyên gia đề xuất, các nhà quản lý văn hóa cần cởi mở hơn cho các dự án không gian sáng tạo văn hóa.
Hướng tới mục tiêu trở thành một trong ba trung tâm công nghiệp văn hóa lớn của cả nước, xây dựng thương hiệu TP sáng tạo cũng như giành vị trí quan trọng trong lĩnh vực này trên khu vực cũng như châu Á, Hà Nội đã xây dựng chương trình khởi nghiệp với kế hoạch hỗ trợ các tổ chức, cá nhân, đặc biệt là người trẻ trong lĩnh vực công nghệ có sáng kiến, ý tưởng phù hợp.

Linh Anh

Nguồn KTĐT: http://kinhtedothi.vn/khong-gian-van-hoa-sang-tao-co-hoi-hai-ra-tien-con-bo-ngo-327288.html