Không gian văn hóa gắn với hình ảnh doanh nhân

Từ nhiều năm nay, bên cạnh việc trao tặng giải thưởng cao quý, các khu lưu niệm những danh nhân văn hóa cũng được đầu tư xây dựng ở nhiều nơi trên đất nước ta. Tuy nhiên, làm sao để thiết kế khu lưu niệm danh nhân trở thành không gian văn hóa thực sự vẫn là một thách thức không nhỏ. Vấn đề không phải nằm ở mức độ hoành tráng mà nằm ở giá trị vun đắp tình yêu nghệ thuật cho thế hệ sau!

Tại thôn Kim Sơn, xã Thủy Bằng, thị xã Hương Thủy, tỉnh Thừa Thiên - Huế vừa khánh thành khu lưu niệm họa sĩ Lê Bá Đảng. Sinh ngày 27-6-1921, mất ngày 7-3-2015, họa sĩ Lê Bá Đảng là một trong những gương mặt nghệ sĩ Việt có sức ảnh hưởng trên thế giới. Ông từng nhận giải thưởng "Nghệ sĩ có tài năng lớn và tư tưởng nhân đạo" của Viện Quốc tế Saint-Louis của Mỹ.

Sau 4 năm xây dựng, khu lưu niệm họa sĩ Lê Bá Đảng có diện tích 15 ngàn m2 với hai gian chính trưng bày hàng trăm tác phẩm tranh và tượng của ông. Dù phần lớn thời gian họa sĩ Lê Bá Đảng sống ở nước ngoài và ông cũng qua đời tại Paris, nhưng sự hiện diện khu lưu niệm Lê Bá Đảng tại Thừa Thiên -Huế không chỉ thể hiện sự trân trọng tài năng mà còn tạo thêm một điểm nhấn có giá trị cho ngành Du lịch cố đô.

Không gian Lê Bá Đảng vừa khánh thành ở Huế.

Không gian Lê Bá Đảng vừa khánh thành ở Huế.

Trước đây, những người đến Huế không khỏi thích thú khi bước chân vào Trung tâm Nghệ thuật Điềm Phùng Thị tại số 1 Phan Bội Châu. Nhà điêu khắc Điềm Phùng Thị (1920-2002) cũng là một nhân vật mỹ thuật tầm cỡ quốc tế, những năm cuối đời bà đã về Huế và chuyển giao toàn bộ tác phẩm cho tỉnh Thừa Thiên - Huế. Bây giờ, Trung tâm Nghệ thuật Điềm Phùng Thị được chuyển sang số 17 Lê Lợi, thành phố Huế với thiết kế và bài trí độc đáo hơn.

Một diễn biến khác, sắp tới, nhân dịp 100 năm tác giả "Từ ấy" ra đời, Khu lưu niệm nhà thơ Tố Hữu cũng được khai trương tại thôn Tân Xuân Lai, xã Quảng Thọ, huyện Quảng Điền. Nhà thơ Tố Hữu (1920-2002) không chỉ là một nhà thơ tiêu biểu của văn học Việt Nam thế kỷ XX, mà còn là một trong những nhà cách mạng tiền bối.

Với diện tích khoảng 4.220 m2, Khu lưu niệm nhà thơ Tố Hữu gồm một nhà trưng bày khoảng 262m2; một nhà thờ diện tích khoảng 54m2; 3 chòi thơ diện tích khoảng 66m2, ngoài ra còn có các hạng mục phụ trợ như đường vào và bãi đỗ xe khoảng 300m2, sân đường nội bộ khoảng 1.363m2, kè bờ sông Bồ và bến nước khoảng 90m… Kinh phí dự kiến dành cho Nhà lưu niệm nhà thơ Tố Hữu là 25 tỷ đồng.

Như vậy, nếu tính cả ba khu lưu niệm Lê Bá Đảng, Điềm Phùng Thị và Tố Hữu thì tỉnh Thừa Thiên - Huế là địa phương đang dẫn đầu về những không gian văn hóa gắn với danh nhân, xứng đáng để những nơi khác tham khảo và thực hiện.

Vào tháng 3-2019, tỉnh Quảng Trị cũng đã khởi công xây dựng Nhà lưu niệm nhà thơ Chế Lan Viên tại thôn An Xuân, xã Cam An, huyện Cam Lộ, tỉnh Quảng Trị. Đây là quê hương tuổi thơ của tác giả "Điêu tàn" với tên thật Phan Ngọc Hoan (1920-1989).

Nhà lưu niệm nhà thơ Chế Lan Viên được thiết kế mô phỏng theo lối kiến trúc nhà rường truyền thống, mái lợp ngói, 3 gian, gồm gian thờ và nghi thức (gian giữa); gian trưng bày tác phẩm, hiện vật của nhà thơ và gian trưng bày các tác phẩm nghiên cứu, phê bình viết về nhà thơ; phía trước có tiền đình và các hạng mục phụ trợ như sân vườn, cây xanh… Tỉnh Quảng Trị hy vọng đây sẽ là địa chỉ thu hút những người yêu thơ Chế Lan Viên và yêu mảnh đất gió lào cát trắng.

Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn (1939-2001) được xem như một huyền thoại âm nhạc. Khi ông còn sống đã có khu trưng bày hình ảnh và tác phẩm của ông trong Khu du lịch Bình Quới - TP Hồ Chí Minh. Thế nhưng, sau khi ông qua đời 18 năm, vẫn chưa có Khu lưu niệm Trịnh Công Sơn.

Về nguyên nhân, gia đình của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn vẫn chưa thống nhất về địa điểm để xây dựng khu lưu niệm. Trước khi mất, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn có mong muốn nằm cạnh mộ phần mẹ ruột ở nghĩa trang Gò Dưa - Thủ Đức, nên di nguyện của ông được thực hiện. Gần đây, tỉnh Thừa Thiên - Huế đang hoàn tất một số thủ tục để di dời hài cốt của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn về miền núi Ngự sông Hương, nơi tài năng của ông được hun đúc để viết những ca khúc đầu tay như "Ướt mi", "Hạ trắng", "Diễm xưa"…

Khu lưu niệm nghệ sĩ Cao Văn Lầu ở Bạc Liêu.

Tỉnh Thừa Thiên - Huế cũng có ý định xây khu mộ của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn ở nguyên quán của ông là làng Minh Hương, xã Vĩnh Trị, thị xã Hương Trà. Bởi lẽ, căn nhà Trịnh Công Sơn từng sinh sống ở khu tập thể trên đường Nguyễn Trường Tộ, thành phố Huế từ nhiều năm nay đã biến thành "Gác Trịnh" với không ít di vật của ông!

Một nhân vật văn hóa có khu lưu niệm rất độc đáo là tác giả "Dạ cổ hoài lang" - nhạc sĩ Cao Văn Lầu (1890-1976). Từ khu mộ gia đình của cố nhạc sĩ ở phường 2, thành phố Bạc Liêu (gồm mộ nhạc sĩ Cao Văn Lầu, mộ bà Trần Thị Tấn - vợ của nhạc sĩ, mộ song thân nhạc sĩ Cao Văn Lầu - ông Cao Văn Giỏi và bà Võ Thị Tài) tỉnh Bạc Liêu đã xây dựng thành Khu lưu niệm Nhạc sĩ Cao Văn Lầu và Đờn ca tài tử Nam Bộ. Với diện tích hơn 3ha, điểm ấn tượng nhất ở khu lưu niệm nhạc sĩ Cao Văn Lầu là hình ảnh cây đàn kìm giàu tính biểu tượng văn hóa sông nước Cửu Long!

Xây dựng không gian văn hóa gắn với danh nhân là một hoạt động có ý nghĩa tích cực cho sự phát triển xã hội. Nhiều người thân đã tự làm khu lưu niệm cho nhà thơ Nguyễn Bính (1918-1966), nhà thơ Đông Hồ (1909-1969), nhà thơ Lưu Trọng Lư (1912-1991)… nhưng điều kiện kinh tế có hạn, không thể đạt được quy mô của công trình phục vụ cộng đồng.

Thậm chí ngôi nhà 24 phố Điện Biên Phủ - Hà Nội nổi tiếng một thời gắn liền với cặp thi sĩ Xuân Diệu - Huy Cận cũng mờ nhạt dần vì hậu sinh không chăm chút đầu tư thỏa đáng. Có lẽ, đã đến lúc ngành Văn hóa phải có chính sách hỗ trợ để con cháu của các danh nhân có thể chung tay làm được những khu lưu niệm thực sự đáp ứng được kỳ vọng từ phía người hâm mộ.

Nói về sức ảnh hưởng của những không gian văn hóa gắn với danh nhân, không thể không nhắc đến tâm sự của Pauxtopxki (1892-1968) tác giả hai danh tác "Bông hồng vàng" và "Một mình với mùa thu", rằng: "Kể từ phút tôi được biết rằng Bunhin đã từng đến đây, đối với tôi, thị trấn Efrimop lập tức thay hình đổi dạng, tuy rằng nhìn chung trước đây thì nó vẫn khá là tẻ nhạt.

Còn bây giờ thì nó hiện ra trước mắt tôi như là biểu hiện vẻ đẹp ấm cúng của một miền tỉnh lẻ nước Nga… Từ buổi đầu tuổi thiếu niên, tôi đã luôn luôn khát khao thăm viếng những nơi gắn liền với cuộc đời các nhà văn, nhà thơ mà tôi yêu mến. Cho đến nay, tôi vẫn cho rằng mảnh đất đẹp nhất trên thế giới này là ngọn đồi dưới chân tường tu viện Xviatogorxco ở vùng Poxcopsina, nơi mai táng Puskin. Không nơi nào ở nước Nga lại có thể nhìn thấy những chân trời xa khoáng đãng, trong lành như từ ngọn đồi ấy".

Có một điều rất cần cân nhắc là tri ân danh nhân văn hóa không chỉ đơn thuần là đặt tên họ vào một không gian cụ thể nào đó. Nhạc sĩ Lưu Hữu Phước (1921-1989) là một gương mặt tiêu biểu của dòng nhạc cách mạng. Không chỉ có những ca khúc lừng lẫy như "Lên đàng", "Tiếng gọi thanh niên", "Giải phóng miền Nam", "Tiến về Sài Gòn"… mà nhạc sĩ Lưu Hữu Phước cũng từng đảm nhận cương vị Bộ trưởng Bộ Văn hóa của Chính phủ Lâm thời Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam.

Công viên lớn nhất thành phố Cần Thơ được đặt tên là Công viên Lưu Hữu Phước nằm ngay trung tâm quận Ninh Kiều. Tuy nhiên, công viên này chỉ có tên Lưu Hữu Phước mà không có hoạt động gì liên quan đến sự nghiệp Lưu Hữu Phước.

Tại sao trong Công viên Lưu Hữu Phước rộng 2ha lại không trở thành khu lưu niệm Lưu Hữu Phước để thế hệ sau hiểu hơn đóng góp của ông cho nền âm nhạc dân tộc. Hơn nữa, tại sao hằng năm ở công viên Lưu Hữu Phước không có sinh hoạt văn hóa liên quan đến ông, ví dụ cuộc thi hát ca khúc Lưu Hữu Phước dành cho học sinh - sinh viên khu vực miền Tây Nam Bộ?

Tuy Hòa

Nguồn VNCA: http://vnca.cand.com.vn/doi-song-van-hoa/khong-gian-van-hoa-gan-voi-hinh-anh-doanh-nhan-545995/