Không gian trưng bày văn hóa người Hoa

Mỗi hiện vật, mỗi kỷ niệm, thậm chí là những vật dụng rất đỗi bình thường của cộng đồng người Hoa đang được gìn giữ tại 'Phòng trưng bày văn hóa người Hoa Sài Gòn - Chợ Lớn'. Là một thành viên trong 54 dân tộc anh em của Việt Nam, cộng đồng người Hoa có nhiều cống hiến cho đất nước trên nhiều lĩnh vực.

Người dân tham quan "Phòng trưng bày văn hóa người Hoa Sài Gòn - Chợ Lớn".

Người dân tham quan "Phòng trưng bày văn hóa người Hoa Sài Gòn - Chợ Lớn".

Mỗi hiện vật, mỗi kỷ niệm, thậm chí là những vật dụng rất đỗi bình thường của cộng đồng người Hoa đang được gìn giữ tại "Phòng trưng bày văn hóa người Hoa Sài Gòn - Chợ Lớn". Là một thành viên trong 54 dân tộc anh em của Việt Nam, cộng đồng người Hoa có nhiều cống hiến cho đất nước trên nhiều lĩnh vực.

Nhà báo Kỳ Lân, người phụ trách "Phòng trưng bày văn hóa người Hoa Sài Gòn - Chợ Lớn" cho hay: "Từ khi khởi động thành lập hồi tháng 6-2019 đến nay, chúng tôi đã tận dụng khoảng thời gian ấy để tìm hiểu, nghiên cứu cuộc sống, văn hóa, tập quán người Hoa vùng đất này. Chúng tôi cũng đã tập hợp tất cả các món kỷ vật có giá trị do những người dân tâm huyết quyên tặng".

Dạo quanh gian trưng bày, người xem nhận thấy bức tranh vẽ cảnh người kế thừa cuối cùng của nghề làm túi thơm thủ công truyền thống của người Hoa Chợ Lớn. Túi thơm gồm các kiểu dáng: Bánh ú, quả cầu hoa, giỏ hoa, trái đào bình an… gắn liền với nghệ nhân Lý Liên. Đó là bức thủy mặc cá chép do đồng chí Lục Thiên Nhiên (người Hoa gốc Quảng Đông), nguyên Huyện ủy viên Huyện ủy Cầu Kè (Trà Vinh) vẽ và tặng phòng trưng bày; là bàn đánh mạt chược, thú giải trí của người Hoa xưa ở Chợ Lớn, được doanh nhân Hà Vĩnh Hy tặng. Theo ông Hy, đây là chiếc bàn cổ mang từ Hồng Kông (Trung Quốc) sang Chợ Lớn gần trăm năm trước. Đó còn là chiếc máy đánh chữ mà nữ đồng chí 50 tuổi Đảng Lý Kim Mai (người Hoa gốc Triều Châu), nguyên cán bộ Ban Hoa vận T4 từng sử dụng. Xúc động khi nhìn hiện vật trưng bày tại đây, đồng chí Lý Kim Mai nhớ lại: "Ngày nào mưa to rớt trên mái nhà tôn, tôi mới dùng máy đánh tài liệu mật. Cứ ban ngày ồn ào thì tranh thủ gõ, đêm thì nghỉ, tôi đánh chiếc máy này suốt từ năm 1964 đến năm 1975".

Nhà báo người Hoa Tăng Vũ Điệp (Báo Sài Gòn Giải phóng Hoa văn) cho biết, Chỉ thị 62/CT-TW ngày 8-11-1995 của Ban Bí thư T.Ư (khóa VII) đã nhấn mạnh phải giữ gìn và phát huy những tinh hoa văn hóa dân tộc của người Hoa; khuyến khích những sáng tác văn học, nghệ thuật phản ánh cuộc sống của người Hoa gắn bó với cộng đồng các dân tộc Việt Nam trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Dễ dàng nhận thấy những kỷ vật quý mà các gia đình đã cố gắng gìn giữ và trao tặng, như: Bộ dụng cụ trang điểm bằng đồng, kỷ vật của Mẹ Việt Nam Anh hùng (VNAH) Trần Thị Ngọc (người Hoa gốc Triều Châu) là món đồ quý đã theo Mẹ suốt cuộc đời cách mạng cho đến ngày nhắm mắt. Đó là bộ áo sẩm phong cách Hoa của Mẹ VNAH Nhan Thị Hía mặc khi tham dự Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số TP Hồ Chí Minh lần thứ 3, hay bộ kỷ vật bàn trà, tranh, dụng cụ, giấy tờ của Hãng nước ngọt Phương Toàn hiệu Con Nai Đỏ của thương gia Đào Bảo Sách (người Hoa gốc Hải Nam) tặng lại. Đó còn là các loại giấy tờ quan trọng như: Hộ chiếu thời Dân Quốc; Giấy chứng nhận Hoa kiều tạm thời; Giấy chứng nhận Hoa kiều; Giấy chứng nhận quốc tịch kiều dân; Giấy báo Hoa kiều sinh ra tại địa phương; rồi ly chén sành, bộ bàn trà, tráp gỗ chứa vật dụng khi di cư; tượng đồng, dụng cụ múa lân sư rồng, bàn bút vẽ thư pháp… đặc sắc phong cách Hoa.

Hiện nay, việc tiếp nhận các kỷ vật vẫn đang tiếp diễn. Một thông tin đáng chú ý: "Phòng trưng bày văn hóa người Hoa Sài Gòn - Chợ Lớn" hiện đặt tại số 67, đường An Dương Vương, quận 5, nơi trước đây đồng chí Võ Trần Chí (1927 - 2011) từng sinh sống trong thời gian đảm nhiệm chức vụ Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh. Tại Đại hội đại biểu Đảng bộ quận 5 lần thứ 6, đồng chí Võ Trần Chí từng phát biểu: Quận 5, Chợ Lớn, một trong những đầu mối giao lưu kinh tế quan trọng, cũng là một trong các nơi đồng bào người Hoa cư trú, làm ăn, sinh sống lâu đời, từng kề vai sát cánh với đồng bào các dân tộc trong suốt chiều dài các cuộc kháng chiến… Đời sống kinh tế và bộ mặt tinh thần quận 5 ngày càng phong phú, phát triển nhờ có sự góp sức một cách tận tụy và có hiệu quả lớn của đông đảo đồng bào người Hoa ở đây. Trải qua biết bao thăng trầm của lịch sử, đồng bào vẫn thủy chung son sắt với mảnh đất này, cùng chịu cảnh cơ hàn tăm tối trong đêm dài nô lệ, cùng quật khởi vùng lên đánh đuổi giặc ngoại xâm, giành độc lập, cùng nhiệt tình hăng say xây dựng đất nước, xây dựng thành phố.

Bài và ảnh: MINH ANH

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.com.vn/tin-chung1/khong-gian-trung-bay-van-hoa-nguoi-hoa-640152/