Không gian thiêng trong lễ hội Bà Triệu

Hiếm có di sản văn hóa nào trên đất Thanh Hóa, mà các yếu tố vật thể và phi vật thể lại có sự đan kết hài hòa như ở di tích đền Bà Triệu (làng Phú Điền, xã Triệu Lộc, huyện Hậu Lộc).

Rước kiệu trong lễ hội Bà Triệu.

Nếu đền thờ là nơi nhân dân trong vùng và khách thập phương tề tựu và thực hành tín ngưỡng thờ cúng, nhằm thể hiện sự tri ân, lòng biết ơn của hậu thế đối với anh hùng dân tộc Triệu Thị Trinh; thì lễ hội Bà Triệu lại là một hình thức sinh hoạt văn hóa – tín ngưỡng – tâm linh đặc sắc, hay một sự cụ thể hóa và “nâng tầm” tín ngưỡng thờ cúng Vua Bà.

Khởi nghĩa Bà Triệu mặc dù chỉ diễn ra trong khoảng hơn 2 năm (246-248) nhưng cũng đủ khiến toàn Giao Châu chấn động. Sự chấn động ấy trước hết bởi cuộc khởi nghĩa đã hội tụ được sức mạnh to lớn của những người cùng chung chí hướng đánh đuổi giặc Ngô, giành lại giang sơn. Đồng thời, những người lãnh đạo cuộc khởi nghĩa không chỉ dựa vào địa hình hiểm trở để xây dựng lực lượng, bày binh bố trận; mà còn biết dựa vào nhân dân, được nhân dân hỗ trợ, giúp đỡ mà giành được nhiều thắng lợi to lớn. Nhưng điều khiến kẻ thù chấn động hơn nữa là lãnh đạo cuộc khởi nghĩa mạnh mẽ ấy không phải một trang tuấn kiệt, mà lại là bậc nữ nhi. Xét ở vào thời đại mà người phụ nữ phải chịu nhiều tầng áp bức, nô lệ; thì việc người con gái trẻ trung, xinh đẹp Triệu Thị Trinh dám nuôi và thực hiện giấc mộng gây dựng cơ đồ bá nghiệp “đánh đuổi giặc Ngô, giành lại giang sơn, cởi ách nô lệ” cho toàn thể dân tộc, đủ khiến quân thù khiếp sợ, nhân dân thán phục. Điều đó cũng đồng thời cho thấy một khát vọng lớn lao vượt ra ngoài mọi trói buộc của hoàn cảnh, lễ giáo, vận mệnh và một sức mạnh tinh thần, ý chí quyết tâm không gì ngăn cản nổi của bậc nữ trung hào kiệt.

Đền thờ Bà Triệu là một trong những di tích lịch sử lâu đời bậc nhất ở Thanh Hóa. Lúc khởi dựng, đền chỉ có 3 gian nhà gỗ lợp tranh, bên trong có một bệ thờ Bà Triệu. Đến các triều đại Lý, Trần, Lê, Nguyễn, đền được xây dựng, tu sửa, ban sắc phong và tổ chức tế lễ nghi thức quốc tế. Diện mạo toàn bộ khu đền thờ mà ngày nay hậu thế được biết đến là một quần thể kiến trúc truyền thống, được xây dựng trên diện tích gần 4 ha, gồm nhiều công trình như cổng ngoại, hồ nước hình chữ nhật, bình phong, cổng nội, tả hữu mạc, tiền đường, trung đường và hậu cung. Khối kiến trúc này nằm hài hòa giữa thiên nhiên và cuộc sống con người, trên là đỉnh núi Tùng quanh năm ẩn hiện mây vờn, dưới là làng Phú Điền được bao bọc trong bát ngát ruộng đồng, bờ bãi.

Năm 1979, Khu di tích lịch sử đền Bà Triệu được công nhận là di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia. Đến năm 2014, khu di tích được công nhận là di tích lịch sử quốc gia đặc biệt. Sự vinh danh này thêm một lần nữa khẳng định các giá trị to lớn về mặt lịch sử, văn hóa, kiến trúc nghệ thuật và cảnh quan của quần thể di sản đền Bà Triệu (gồm đền, lăng và đình làng Phú Điền). Cùng với sự ra đời và tồn tại của khu di tích, lễ hội đền Bà Triệu cũng được hình thành và duy trì suốt nhiều thế kỷ, cho đến tận ngày nay. Chính hội diễn ra đúng ngày 22-2 âm lịch hằng năm cũng là ngày húy kỵ Bà Triệu. Cũng bởi tầm ảnh hưởng lớn của nhân vật được thờ phụng đối với lịch sử dân tộc, mà di tích đền Bà Triệu gắn với lễ hội đang trở thành điểm đến văn hóa – tâm linh – tín ngưỡng của đông đảo khách thập phương

Lễ hội đền Bà Triệu được tổ chức trong một không gian tôn nghiêm, thành kính, với nhiều nghi thức được tiến hành theo một quy cách nghiêm ngặt. Trước khi diễn ra lễ hội, làng Phú Điền sẽ phải chỉnh trang lại đình, đền và lăng mộ. Đồng thời, làng sẽ có cáo yết và thành lập các ban, các đội phục vụ lễ hội, như hội đồng tế (đặc biệt là chọn chủ tế), các chức việc (đội khiêng kiệu, cầm cờ, đánh trống...). Hội đồng tế trước đây do hội bô lão và hội đồng khánh tiết làng Phú Điền xét chọn kỹ lưỡng và tiến cử cho làng. Hội gồm một chủ tế, hai bồi tế, một đông xướng, một tây xướng, hai nội tán và 10 đến 12 chấp sự. Vì làng Phú Điền tôn thờ Bà Triệu là Thành hoàng làng, nên lễ hội sẽ được tổ chức ở đền, đình và lăng, đồng thời, các nghi thức tế lễ cũng diễn ra ở ba địa điểm là đền, đình và lăng.

Bên cạnh các nghi thức trang trọng của lễ tế, thì một trong những “điểm nhấn” hấp dẫn, thu hút nhất của lễ hội đền Bà Triệu là lễ rước bóng Vua Bà (rước kiệu). Kiệu rước bóng là kiệu bát cống, sơn son thếp vàng, có 16 người khiêng gồm những trai tráng độ tuổi 18-35 khỏe mạnh, gia đình thanh sạch, có uy tín trong làng. Đoàn rước gồm đội cờ, ban chinh cổ (trống, chiêng), đội chấp kích và đồ bát tửu đi phía trước; theo sau là kiệu hương án, phường Đồng Văn, kiệu bát cống rước Vua Bà và các kiệu song loan, kiệu long đình, kiệu võng lần lượt theo sau kiệu bát cống. Rước bóng là nghi thức đặc biệt quan trọng và linh thiêng trong lễ hội Bà Triệu, có sự tham gia của hầu hết quan viên, chức sắc, kỳ lão và nhân dân trong làng, trong vùng. Họ nối nhau theo hành trình đám rước từ đền, đến lăng, về đình. Sau khi cử hành các nghi lễ, đoàn rước sẽ quay trở lại đền và làm lễ yên vị.

Lễ rước bóng Vua Bà trong lễ hội Bà Triệu khác với nhiều lễ rước liên quan đến việc thờ phụng các nhân vật lịch sử ở Thanh Hóa. Điểm khác này, theo nhiều nhận định, đến từ những “phép lạ và hiện tượng thăng thiên” diễn ra trong quá trình rước kiệu. Chẳng hạn như đoàn rước cồng kềnh có thể vượt lên quãng đường dốc ngược, hẹp và trắc trở bằng một sức mạnh như được thần linh phù trợ. Hay như hiện tượng “kiệu bay” khi qua các ngã ba, ngã tư, trước khi vào sân đền, sân đình... kiệu sẽ xoay tròn, khi tiến khi lui, nghiêng trái, tạt phải không được định trước. Cũng theo kiến giải của một số nhà nghiên cứu thì hiện tượng “kiệu bay” này là một hình thức “thiêng hóa” nhân vật được thờ phụng, thể hiện sự hiển linh của Vua Bà và là sự tôn vinh của hậu thế đối với nhân vật lịch sử này. Đồng thời, hiện tượng “kiệu bay” phản ánh trạng thái hưng phấn ngây ngất của con người trong không gian thiêng của lễ hội Bà Triệu.

Khôi Nguyên

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/van-hoa-giai-tri/khong-gian-thieng-trong-le-hoi-ba-trieu/98480.htm