Không gian sinh hoạt của người dân bị cắt xén - Bài 4: Trả lại môi trường, không gian sinh hoạt cho người dân

Sau khi đăng loạt bài 'Không gian sinh hoạt của người dân bị cắt xén', Báo SGGP tiếp tục nhận được ý kiến của bạn đọc về vấn đề này, với mong muốn không gian công cộng phải được quản lý chặt chẽ, nhất là trong điều kiện TPHCM ngày càng ít mảng xanh, khu sinh hoạt vui chơi giải trí do mật độ xây dựng cao…

Bà TRẦN THÁI HẰNG, Phó Giám đốc Bảo hiểm xã hội TP Thủ Đức, TPHCM: Nhân dân cùng giám sát với chính quyền

Không gian công cộng phải được xem là bất khả xâm phạm, dành riêng cho những sinh hoạt cộng đồng, tập luyện thể dục thể thao, giải trí, thư giãn và hoàn toàn miễn phí cho người dân. Tuy nhiên, thực tế cho thấy nhiều nơi tại TPHCM xảy ra tình trạng không gian công cộng bị cắt xén, xâm chiếm tùy tiện để phục vụ lợi ích cá nhân (chủ yếu là kinh doanh) của một số người. Thật thiếu công bằng khi ở các nơi này, một khoảng diện tích đáng kể, vị trí đẹp, lý tưởng lại bị chiếm dụng như của riêng. Có thể điểm mặt một số nơi như Báo SGGP đã nêu. Những trường hợp kinh doanh tại các không gian công cộng chủ yếu là ăn uống, bán hàng lưu niệm, giữ xe máy, làm cho người dân thiếu chỗ sinh hoạt, đồng thời khiến mỹ quan đô thị không được giữ gìn.

Do đó, cần quy trách nhiệm cụ thể cho những ngành chức năng và địa phương. Nơi nào để xảy ra tình trạng chiếm dụng kéo dài thì quy định rõ thời gian giải quyết dứt điểm, không để tái diễn. Phân công trách nhiệm quản lý theo địa bàn, khu vực và không thể chấp nhận “cha chung không ai khóc”; đồng thời tuyên truyền giáo dục cho người dân, niêm yết công khai các mức xử phạt. Sau khi đã phổ biến rộng rãi, ai vi phạm sẽ bị xử lý nghiêm khắc. Lắp đặt camera quan sát để phục vụ cho công tác phòng ngừa và làm cơ sở xử phạt. Vận động nhân dân cùng giám sát với chính quyền để dẹp triệt để tình trạng này.

Ông PHẠM LÂM VIỆT HUY, ngụ phường 1, quận Gò Vấp, TPHCM: Cần chỉnh trang lại công viên

Thực tế, thành phố có khá nhiều công viên, nhà văn hóa đã được chính quyền đầu tư rất bài bản. Tuy nhiên, trong quá trình hoạt động lại phát sinh nhiều tiêu cực mà Báo SGGP đã “điểm danh”. Với thực trạng như vậy, hơn lúc nào hết, chính quyền thành phố và các quận, huyện, TP Thủ Đức cần có giải pháp cấp bách để chấn chỉnh. Công viên, nhà văn hóa dứt khoát phải là nơi cho người dân đến thư giãn, tập thể dục, sinh hoạt, vui chơi…; nhưng nó cũng đòi hỏi phải có một số tiện ích khác, như: chỗ giữ xe, nhà vệ sinh, nơi bán nước giải khát… văn minh, lịch sự. Về điểm này, tôi nhận thấy Công viên Bến Bạch Đằng, Công viên Tao Đàn, công viên dưới dạ cầu Sài Gòn (TP Thủ Đức) hay các công viên trong khu dân cư cao cấp duy trì rất tốt. Ban quản lý công viên và bảo vệ đi tuần tra liên tục để kịp thời phát hiện sai phạm (như để xe dưới lòng đường, tổ chức ăn uống, nhậu nhẹt) và chấn chỉnh kịp thời.

Một số lãnh đạo công viên bao biện cho việc cho thuê mặt bằng để lấy kinh phí hoạt động là không thuyết phục. Người dân không quan tâm đó là đơn vị sự nghiệp tự thu, tự chi hay có thu gì cả, mà họ chỉ biết công viên đang bị xâm hại. Số tiền cho thuê quá thấp so với mặt bằng giá cả khiến mọi người nghi ngờ tình trạng “sân sau” hay “lợi ích nhóm”. Đó là chưa kể sự nhếch nhác do rác thải, nước thải từ các quán nhậu, quán cà phê… đã ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của người dân. Người dân muốn mua sách thì đến Đường sách, nhà sách; muốn ăn, nhậu thì đến quán ăn. Do vậy, đất công viên phải trả lại cho công viên!

Ông BÙI VĂN HÀO, ngụ quận Bình Thạnh, TPHCM: Siết chặt việc quản lý, sử dụng đất công

Tình trạng cắt xén không gian sinh hoạt của người dân như công viên, cung văn hóa, nhà thiếu nhi, trung tâm thể dục - thể thao... trên địa bàn TPHCM đã xảy ra nhiều năm nay. Tuy nhiên, sau khi đọc loạt bài của Báo SGGP thì mọi người có cái nhìn chi tiết về tình trạng cắt xén không gian sinh hoạt của người dân một cách rõ nét và chân thật. Hầu hết công viên, cung văn hóa, nhà thiếu nhi, trung tâm thể dục - thể thao… đã cho thuê mặt bằng để mở quán cà phê, quán ăn bên trong. Còn phía bên ngoài những nơi này bị lấn chiếm để bán hàng, đỗ xe, làm nơi để đồ dùng, gây mất vệ sinh môi trường, mỹ quan đô thị.

Tận dụng khoảng trống, đất bỏ hoang cho thuê để tăng nguồn thu nhập, nâng cao đời sống người lao động là việc làm tốt. Tuy nhiên, phải sử dụng nguồn thu nhập đó đúng mục đích. Không thể để nguồn thu nhập đó phục vụ cho cá nhân hay cho một nhóm người, đặc biệt là phải minh bạch. Ví dụ trước cổng Trường Đại học Sư phạm không thể kinh doanh ăn uống, quán nhậu, vừa nhếch nhác, mất vệ sinh, vừa làm xấu đi môi trường sư phạm. Hay Cung Văn hóa Lao động trước hết phải để không gian, mặt bằng thể hiện đúng chức năng phục vụ người dân, chứ không thể cho thuê lấy tiền, còn ai cần thì... đi nơi khác. Hơn lúc nào hết, các cơ quan chức năng cần siết chặt việc quản lý, sử dụng đất công, trả lại môi trường, không gian về đúng mục đích, ngành nghề như tên gọi vốn dĩ của nó.

Bạn đọc bình luận trên SGGP Online

* Phan H (e-mail: phanh…@gmail.com)

Đọc loạt bài của Báo SGGP, tôi thấy báo mới chỉ phản ảnh một số nơi. Thực tế thời gian qua, nhiều khu vực công cộng của thành phố bị cắt xén, người dân không được hưởng lợi ích mà lẽ ra họ phải được hưởng. Mong Báo SGGP tiếp tục phản ảnh vấn đề này.

* ngo bao (e-mail: ngo…@gmail.com)

Công viên công cộng khu dân cư phường 1, quận Gò Vấp không thấy đâu.

* Bí mật

Hoan hô Báo SGGP và nhóm phóng viên đã dám viết loạt bài này, đọc mà bức xúc! Ai giám sát? Ai chịu trách nhiệm vấn đề này? Thực hành tiết kiệm chống lãng phí ở đâu?

* Trần Chánh (e-mail: tranchanh…@gmail.com)

Có những sự việc tồn tại đã lâu, dai dẳng, do thực tế và cũng do nhu cầu cải thiện cuộc sống của bộ phận cán bộ, công nhân viên quản lý các khu vực công cộng. Thiết nghĩ nhà nước cần có chính sách chăm lo cho bộ phận này để họ tận tâm lao động, phục vụ người dân.

NHÓM PHÓNG VIÊN

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn//khong-gian-sinh-hoat-cua-nguoi-dan-bi-cat-xen-bai-4-tra-lai-moi-truong-khong-gian-sinh-hoat-cho-nguoi-dan-816838.html