Không gian sáng tạo, văn hóa đô thị: Chưa phát huy hết hiệu quả

Không gian sáng tạo, văn hóa (cũng có thể được gọi là không gian công cộng) được hiểu nôm na là một hình thức phát triển riêng biệt, giao thoa giữa lĩnh vực văn hóa và nền kinh tế sáng tạo, được lồng ghép vào môi trường xã hội, văn hóa và kinh tế địa phương. Trong đó, các không gian sáng tạo phản ánh các cộng đồng sáng tạo mà chúng là một phần trong cộng đồng đó.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Thiếu điểm nhấn

Việc tạo ra những công trình, không gian công cộng tại các đô thị là nhu cầu tất yếu nhằm phục vụ tốt hơn cho cuộc sống hàng ngày của người dân, làm cho con người hòa nhập tốt hơn với cộng đồng, xã hội… Xu hướng này hiện đang rất phổ biến trên khắp thế giới. Tuy nhiên, tại Việt Nam vẫn còn nhiều không gian công cộng, sáng tạo, văn hóa bị “lạc lõng”, chưa phát huy hết hiệu quả và không thực sự đi vào thực tiễn cuộc sống.

Như tại Hà Nội, theo số liệu thống kê, Hà Nội hiện có 60 không gian sáng tạo, văn hóa, trong đó có 42 không gian văn hóa, nghệ thuật. Có thể kể đến như Heritage Space (Trần Bình), Manzi (14 Phan Huy Ích), Ơ kìa Hà Nội (Hoàng Hoa Thám), Trung tâm Văn hóa Pháp (Tràng Tiền), Hanoi Creative City (Lương Yên)…, là những nơi đáng để đến và trải nghiệm.

Bên cạnh đó, để tạo thêm nhiều không gian giao lưu văn hóa, vui chơi, giải trí cho người dân Thủ đô, TP Hà Nội cũng đã tạo nên những góc phố nghệ thuật như Phố bích họa Phùng Hưng, không gian đi bộ quanh Hồ Gươm, không gian đi bộ Trịnh Công Sơn…, với không gian của tự do sáng tạo, tự do học thuật, nơi của những cuộc trao đổi xoay quanh các câu chuyện về văn hóa, nghệ thuật… Đây chính là tín hiệu vui cho thấy các không gian sáng tạo nghệ thuật này sẽ định hình bản sắc đô thị.

Nhưng cũng phải thừa nhận rằng, tại những không gian này, du khách ngắm hay chụp mãi rồi cũng chán. Nên ở đây còn thiếu yếu tố không gian, nghĩa là sau những điểm nhấn hội họa trên các vòm cầu ở phố Phùng Hưng thì cần nhất là không gian đi bộ, các hoạt động văn hóa nghệ thuật để du khách có thể đến và giao lưu thì tại chính không gian này chưa tạo dựng được.

Hay tại TP.HCM có phố đi bộ Nguyễn Huệ được khen ngợi vì sự khang trang, hoành tráng. Tuy nhiên, hiện tại thì mảng xanh trên con phố này thực sự rất ít, không đủ khả năng che mát cho người dân vào những lúc nắng nóng, các khu vực vệ sinh, thùng rác, ghế ngồi, quầy bán nước tự động, khu vực ẩm thực đường phố, bãi trông giữ xe… chưa được bố trí hợp lý, chưa thực sự mang lại tiện ích cho người dân và khách du lịch.

Lý giải cho việc rất nhiều không gian đã và đang được hình thành còn mới như chỉ dựng lên mà chưa biết tồn tại được bao lâu, nhiều chuyên gia nghiên cứu văn hóa cho rằng, nguyên nhân cũng tại cách hiểu về không gian sáng tạo, văn hóa của các cơ quan quản lý còn đơn giản, chỉ thiên về không gian vật lý mà chưa tạo được phần hồn cho các không gian đấy. “Các mô hình không gian sáng tạo đóng vai trò quan trọng trong sự hình thành bản sắc đô thị, góp phần làm gia tăng sức hấp dẫn cũng như truyền cảm hứng sáng tạo, chia sẻ, thậm chí là tái sinh đô thị”, PGS.TS Bùi Hoài Sơn - Viện trưởng Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia Việt Nam nhấn mạnh.

Cần hỗ trợ không gian sáng tạo, văn hóa phát triển

Hiện nay, các nhà quản lý ở các đô thị lớn như Hà Nội, TP.HCM đã thay đổi rất nhiều về cách nhìn để đầu tư cho các không gian văn hóa. Bởi vì, các không gian này không chỉ giúp nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân đô thị, tạo nên TP đáng sống mà còn là cơ hội phát triển kinh tế từ văn hóa. Tuy nhiên, để có thể xây dựng được một không gian sáng tạo, văn hóa đúng nghĩa và hiệu quả thì việc kiểm duyệt hay giấy phép đầu tư lại là thách thức lớn đối với đô thị. Bởi hiện nay, các không gian sáng tạo, văn hóa vẫn còn mới mẻ tại Việt Nam nên không có một tư cách pháp nhân cụ thể nào cho các không gian này.

Theo GS Andy C.Pratt - Trung tâm Văn hóa Công nghiệp Sáng tạo, Trường Đại học Thành phố Luân Đôn, một thách thức trong quá trình tạo ra một không gian văn hóa sáng tạo mà Việt Nam phải đối mặt chính là xin cấp phép cho các dự án sáng tạo và luật kiểm duyệt. Các DN nhận xét rằng khung pháp lý dành cho các DN văn hóa và sáng tạo có thể nói là phức tạp và không thống nhất.

Điểm chung là dường như không có sự phân loại rõ ràng đối với các DN sáng tạo (đặc biệt là những loại hình nghệ thuật mang tính thử nghiệm, đổi mới và đương đại). Hơn nữa, chúng phải được cấp phép như các dự án văn hóa hoặc sáng tạo cũng giống như việc xin phép cho các cuộc triển lãm có tính nhạy cảm về mặt chính trị, văn hóa và các sự kiện thảo luận công khai. Việc xin giấy phép có thể nói là không chắn chắn vì quyết định thường mang tính chủ quan và không phải lúc nào cũng đúng thời gian. Đối với việc xin phép cho các hoạt động nghệ thuật mang tính đương đại và các hoạt động nghệ thuật mà phải tuân theo luật kiểm duyệt vì tính nhạy cảm về mặt pháp lý thì tình hình càng phức tạp hơn…

Linh Đan

Nguồn Xây Dựng: http://www.baoxaydung.com.vn/news/vn/van-hoa-the-thao/khong-gian-sang-tao-van-hoa-do-thi-chua-phat-huy-het-hieu-qua.html