Không gian sáng tạo mới từ nhà máy cũ di dời

Hà Nội đã chính thức trở thành thành viên mạng lưới các Thành phố sáng tạo của UNESCO. Tuy nhiên, theo đánh giá, các không gian, địa điểm dành cho hoạt động sáng tạo trong TP lại đang rất thiếu. Nhiều ý kiến cho rằng, sau di dời dây chuyền sản xuất gây ô nhiễm ra khỏi nội đô, phần 'vỏ' nhà máy công nghiệp hoàn toàn có thể bảo tồn như một di sản, đồng thời tạo ra những không gian sáng tạo mới cho Thủ đô.

Nhà xưởng của Tổng Công ty CP Bia - Rượu - Nước giải khát Hà Nội tại phố Hoàng Hoa Thám có kiến trúc độc đáo theo phong cách Art- Deco.

Nhà xưởng của Tổng Công ty CP Bia - Rượu - Nước giải khát Hà Nội tại phố Hoàng Hoa Thám có kiến trúc độc đáo theo phong cách Art- Deco.

Di sản công nghiệp của Thủ đô

Hà Nội có một chuỗi không gian thuộc quản lý công và đã có chủ trương chuyển đổi thành không gian sử dụng cho công cộng, đó là các nhà máy với nhiều quy mô khác nhau đang nằm trên địa bàn các quận. Báo cáo của UBND TP cho thấy, Hà Nội hiện có 92 cơ sở công nghiệp gây ô nhiễm môi trường hoặc không phù hợp quy hoạch phải di dời ra khỏi khu vực nội thành với nhiều quy mô khác nhau. Theo giới chuyên gia, trong số này, nhiều nhà máy không đơn giản chỉ là những cơ sở sản xuất mà có lịch sử gắn liền với quá trình phát triển đô thị của TP và có đặc thù rất riêng về kiến trúc. TS.KTS Trương Ngọc Lân - Phó Trưởng khoa Kiến trúc và Quy hoạch (trường Đại học Xây dựng) phân tích, những nhà máy cũ của Hà Nội mang nhiều giá trị như những di sản đại diện cho sự phát triển của xã hội và đô thị trong một giai đoạn lịch sử. Chúng là những công trình đánh dấu mốc quan trọng trong tiến trình hiện đại hóa, đô thị hóa, công nghiệp hóa ở Việt Nam và Hà Nội. Một số nhà máy còn đóng vai trò khai sinh cho một ngành công nghiệp, có kiến trúc hiện đại, đẹp nhất ở Hà Nội và miền Bắc trong thời điểm được xây dựng như Nhà máy Xe lửa Gia Lâm, Nhà máy Bia Hà Nội... Không ít nhà máy đã trở thành những dấu ấn về ký ức, với hình ảnh đô thị Hà Nội một thời như khu Cao - Xà - Lá (Nhà máy Cao su Sao Vàng, Nhà máy Xà phòng Hà Nội, Nhà máy Thuốc lá Thăng Long), Nhà máy Giày Thượng Đình, Nhà máy Bánh kẹo Hải Châu...Trên thế giới, nhiều TP đã chuyển đổi từ TP công nghiệp sang TP du lịch, dịch vụ và công nghệ. Thay vì phá bỏ tất cả, họ đã giữ lại một phần hoặc toàn bộ nhà máy cũ để làm chứng nhân lịch sử một thời của TP. Hơn thế nữa, các nhà máy cũ được chuyển đổi thành không gian hoạt động nghệ thuật, sáng tạo, khởi nghiệp. Chiến lược này vừa làm giàu văn hóa, lịch sử cho TP, vừa tạo môi trường cởi mở thu hút sự tham gia của người dân, giới khởi nghiệp, nghệ sĩ, cũng như các nhà đầu tư. KTS Nguyễn Anh Tuấn - Giám đốc nghệ thuật của Heritage Space đã đưa ra những bài học về việc chuyển đổi nhà máy cũ thành các không gian sáng tạo, trong đó có một số công trình nổi tiếng như: Căn cứ không quân Taiwan Contemporary Culture Lab tại Đài Loan được vận hành từ 1949, đến năm 2018 đã được chuyển đổi thành Trung tâm Văn hóa Nghệ thuật đương đại; Bến tàu cảng công nghiệp Nagasaki Shipyard Museum tại Nhật Bản được vận hành từ năm 1898, đến năm 1985 đã được chuyển đổi thành Bảo tàng Lịch sử Công nghiệp; Mỏ than công nghiệp Zeche Zollverein tại Đức với diện tích 100ha, được vận hành từ năm 1851 và đến năm 1986 được chuyển thành Công viên Văn hóa đa năng… “Kinh nghiệm chuyển đổi nhà máy tại các quốc gia cho thấy nhiều lợi ích như giải phóng, tái tận dụng đất bỏ hoang, từ đó giải quyết vấn đề môi trường, tệ nạn xã hội, tạo không gian công cộng và thụ hưởng văn hóa đô thị cho người dân. Đồng thời là điểm tựa, bệ đỡ cho văn hóa và công nghiệp sáng tạo, kích thích du lịch, tạo danh tiếng mới cho đô thị”- KTS Nguyễn Anh Tuấn khẳng định.Hà Nội đang trong giai đoạn chuyển các nhà máy cũ ra khỏi nội thành. Các chuyên gia cho rằng, việc chuyển đổi nhà máy cũ có chứa những giá trị văn hóa, lịch sử - với tư cách là các di sản công nghiệp của Hà Nội thành các không gian sáng tạo, nghệ thuật hoặc khởi nghiệp là khả thi, cần thiết và mang lại hiệu quả văn hóa, xã hội, kinh tế. Tuy nhiên, để việc chuyển đổi này được diễn ra trên thực tế thì cần có sự chung tay của Nhà nước, nhà đầu tư, cộng đồng sáng tạo và người dân.Cân bằng không gian đô thịChính sách, chủ trương di dời các nhà máy ra khỏi nội đô Hà Nội đã có từ năm 2015, khi Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 130/QĐ – TTg về biện pháp, lộ trình di dời và việc sử dụng quỹ đất sau khi di dời. Tuy nhiên, cách thức thực hiện như thế nào để giữ vững quy hoạch chung của đô thị, bảo đảm sự cân bằng giữa diện tích công cộng và nhà ở, không gây thêm áp lực cho không gian đô thị cần được cân nhắc kỹ lưỡng. KTS Lê Thành Vinh - nguyên Viện trưởng Viện Bảo tồn di tích nhìn nhận, thực tế TP Hà Nội đang thực hiện kế hoạch di dời các cơ sở công nghiệp ra khu vực ngoại vi và đã có điểm làm rất tốt như khu Nhà máy dệt mùng 8 - 3 trở thành Khu đô thị Times City, giải quyết được nhu cầu thực tại của người dân TP về chỗ ở, điều kiện sống tốt hơn. Tuy nhiên, xét quy hoạch tổng thể, không nên lạm dụng việc chuyển đổi các khu công nghiệp thành nhà chung cư. “Nếu trong quá trình chuyển đổi, kết hợp giải quyết hài hòa giữa nhu cầu trước mắt với lợi ích lâu dài của cộng đồng, chúng ta sẽ tạo được sự cân bằng về không gian đô thị, tạo nên cuộc sống mới của TP tốt hơn rất nhiều” – KTS Lê Thành Vinh khẳng định.Đồng tình với quan điểm trên, KTS Trương Ngọc Lân cho rằng, bên cạnh việc xây dựng các khu nhà ở đơn thuần, chủ đầu tư của các khu đô thị đã bắt đầu đi tìm dấu ấn riêng để tạo nên giá trị gia tăng cho công trình của mình. Nếu không gian sáng tạo, dựa trên một phần di sản công nghiệp trở thành hạt nhân, là điểm nhấn làm nên nét khác biệt của khu đô thị mới hình thành thì ngoài những giá trị về văn hóa mà cộng đồng được thụ hưởng, còn mang lại những giá trị gia tăng kinh tế cho chính các khu đô thị đó.KTS Hoàng Long – Giám đốc Trung tâm Quy hoạch Kiến trúc 1 (Viện Quy hoạch Xây dựng Hà Nội) cho biết, sau Quyết định số 130/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, TP Hà Nội ngay lập tức đã có văn bản gửi các đơn vị đề nghị xây dựng lộ trình di dời các cơ sở công nghiệp nhưng đến nay tiến độ vẫn rất chậm. Một phần nguyên nhân là do trên địa bàn Hà Nội có rất nhiều nhà máy, cơ sở công nghiệp thuộc các bộ, ngành nhưng đến nay chưa có bộ nào đưa ra được lộ trình thực hiện việc di dời. Tại các đồ án quy hoạch phân khu nội đô do Viện Quy hoạch Xây dựng Hà Nội thực hiện, đều xác định quỹ đất di dời nhà máy để xây trường học, không gian công cộng, cây xanh và một phần hỗn hợp… Tuy nhiên, thực tế để biến các nhà máy cũ, các di sản công nghiệp thành không gian sáng tạo thì cần truyền thông tốt để thay đổi nhận thức cộng đồng.

Việc di dời các nhà máy ra vùng ngoại vi là di dời “phần mềm” gây ô nhiễm, đồng thời để nó có điều kiện phát triển tốt hơn chứ không phải là “ung nhọt” cần phải xóa bỏ hoàn toàn. “Phần cứng” của nhiều nhà máy ngoài giá trị về lịch sử, kiến trúc, văn hóa… còn có giá trị về không gian cần thích ứng vào các chức năng có ích khác, đó chính không gian sáng tạo, không gian công cộng, không gian văn hóa nghệ thuật... Làm được như vậy sẽ đem lại nhiều lợi ích cả về kinh tế, văn hóa, đô thị. KTS Lê Thành Vinh - nguyên Viện trưởng Viện Bảo tồn di tích

Thùy Anh

Nguồn KTĐT: http://kinhtedothi.vn/khong-gian-sang-tao-moi-tu-nha-may-cu-di-doi-399454.html