Không gian làm việc chung, 'mỏ vàng' chờ khai phá

Không gian làm việc chung với nhiều ưu thế về vị trí, giá thuê, tiện ích... không chỉ là lựa chọn ưu tiên hàng đầu của các doanh nghiệp khởi nghiệp (startup), mà còn với nhiều đối tượng khác, do đó phân khúc này được dự báo sẽ phát triển mạnh trong thời gian tới. Tuy nhiên, cuộc chơi sẽ nằm trong tay các ông lớn.

Lựa chọn hoàn hảo của startup

Theo đánh giá của các chuyên gia, không gian làm việc chung khá hấp dẫn đối với các cá nhân, những người làm việc tự do, các công ty khởi nghiệp, hay các doanh nghiệp nhỏ, chủ yếu trong lĩnh vực công nghệ, truyền thông, những người cần sự linh hoạt cũng như tính kết nối.

Ưu điểm của mô hình không gian làm việc chung là các công ty sẽ không phải tốn bất kỳ chi phí nào ngoài chi phí thuê hàng tháng, thời gian cho thuê linh động. Tất cả chi phí về điện, nước, bảo vệ, internet..., đều nằm trong các gói cho thuê.

Mô hình không gian làm việc chung còn có thể linh hoạt sắp xếp lại tùy theo sự phát triển của doanh nghiệp. Đây là điều mà mô hình thuê văn phòng truyền thống khó làm được. Do đó, thuê không gian làm việc chung là lựa chọn phù hợp xét về chi phí và các giá trị cộng thêm đối với những doanh nghiệp có quy mô nhỏ.

“Không gian làm việc chung là dành cho đại đa số khách hàng đang khởi nghiệp hoặc phù hợp với những công ty đã đi vào hoạt động, đã có doanh thu, nhưng muốn tiết kiệm chi phí mặt bằng. Bởi chi phí thuê trong các không gian làm việc chung được tính giá thuê trên đầu người hoặc trên chỗ ngồi, chứ không tính theo diện tích như cách thuê văn phòng thông thường”, bà Vũ Thị Phượng, Giám đốc Công ty cổ phần Replus nói.

Đại diện Replus cho biết thêm, các gói dịch vụ chính bao gồm ghế linh hoạt, ghế cố định và phòng làm việc riêng. Đối với ghế linh hoạt, tiền thuê được tính theo ngày hoặc theo tháng, trong khi các lựa chọn còn lại được áp dụng thuê theo tháng. Chi phí thuê không gian làm việc chung rất khác nhau giữa các thành phố. Nếu so sánh với một số thành phố trong khu vực, thì không gian làm việc chung ở Hà Nội và TP.HCM hiện có giá thuê thấp hơn.

Ông Lars Wittig, Tổng giám đốc Regus phụ trách thị trường Philippines, Việt Nam và Campuchia cho biết, các doanh nghiệp vừa và nhỏ của Việt Nam, vốn đứng trước nhiều thách thức về tiếp cận nguồn vốn, nên những giải pháp văn phòng linh hoạt, giúp doanh nghiệp mở rộng hoặc thu hẹp tùy theo tình hình kinh doanh hoặc các yếu tố thị trường đang dần được các doanh nghiệp ưa chuộng hơn.

“Hiện tại, mô hình văn phòng linh hoạt mới chỉ chiếm 1% trong tổng diện tích văn phòng cho thuê trên thế giới. Tuy nhiên, đây là một xu hướng tất yếu và được dự đoán sẽ phát triển nhanh để chiếm đến 30% tổng diện tích văn phòng làm việc trong 5 năm tới. Chính vì vậy, các doanh nghiệp sẽ không thể đứng ngoài sự thay đổi này”, ông Lars Wittig nhấn mạnh.

Đồng quan điểm, ông Stephen Wyatt, Tổng giám đốc JLL Việt Nam chia sẻ, cắt giảm chi phí văn phòng và nhân lực, tạo môi trường năng động cho giới trẻ là hai trong số những điểm mạnh của mô hình không gian linh hoạt. Mô hình này có giá thuê thấp hơn, cung cấp nhiều tiện nghi hơn cho các doanh nghiệp trẻ so với văn phòng truyền thống.

Theo nghiên cứu của JLL, cộng đồng doanh nhân trẻ đang phát triển ở châu Á, đặc biệt ở Việt Nam, mang đến nhu cầu ngày càng tăng cho một không gian làm việc chung nơi các doanh nhân có thể gặp gỡ các doanh nhân triển vọng khác. Thị trường không gian linh hoạt tại TP.HCM đã tăng trưởng 108% từ năm 2014 đến năm 2017 và được dự đoán sẽ tiếp tục phát triển do được sự hỗ trợ của Chính phủ đối với các doanh nghiệp mới thành lập và doanh nghiệp vừa và nhỏ.

“Sự đổi mới trong văn hóa làm việc và nhu cầu không gian linh hoạt tăng nhanh giúp Việt Nam trở thành tâm điểm thu hút nhà đầu tư. Vì vậy, các nhà đầu tư quen thuộc như Toong, NakeHub hoặc DreamPlex đang tìm kiếm các không gian để mở rộng hoạt động tại các thành phố lớn như Hà Nội, Đà Nẵng và TP.HCM”, đại diện JLL nhấn mạnh.

Cơ hội cho kẻ mạnh

Theo JLL, trước sự bùng nổ của hoạt động kinh doanh không gian làm việc chung, nhiều nước đã chủ động hơn trong việc khuyến khích sự sáng tạo, hợp tác và tinh thần khởi nghiệp để từng bước chủ động dỡ bỏ sự phụ thuộc vào ngành sản xuất và các ngành công nghiệp cũ, nhằm tạo nên một cú huých cho nền kinh tế. Đồng thời, các công ty cũng đang tập trung hơn vào yếu cố con người để duy trì tiềm lực và điều này được phản ánh qua không gian làm việc.

Bên cạnh đó, các chủ tòa nhà văn phòng cho thuê cũng đang từng bước hoàn thiện các dịch vụ không gian linh hoạt để cung cấp cho nhu cầu của thị trường. Chẳng hạn, tại Úc, Dexus - đơn vị sở hữu 4 trung tâm này đang có kế hoạch mở rộng hoạt động hơn nữa. Còn tại Hồng Kông (Trung Quốc), gã khổng lồ bất động sản Swire không chỉ xây dựng không gian làm việ chung (co-working) của riêng mình gọi là Blueprint, mà còn cùng lúc ký thỏa thuận với WeWork, The Great Room, những nhà điều hành không gian co-working hạng sang khác.

Tại châu Á, các chủ nhà lớn quản lý hầu hết các khu trung tâm thương mại trong khu vực. Cụ thể, tại Singapore, 15 chủ nhà lớn nhất kiểm soát 75% các tòa nhà văn phòng hạng A khu vực trung tâm. Trong khi đó, chỉ một khu vực nhỏ ở Akasaka/Roppongi thuộc Tokyo (Nhật Bản), hiện có 5 chủ nhà kiểm soát gần 90% diện tích văn phòng hạng A.

Ông Christopher Clausen, Phó giám đốc Nghiên cứu châu Á - Thái Bình Dương của JLL cho biết, xu hướng này là một đòn bẩy, giúp cho các chủ sở hữu bất động sản định hình ngành bất động sản không gian linh hoạt. Các hình thức liên doanh hoặc các hợp đồng quản lý giữa chủ nhà và các nhà khai thác mô hình này ngày càng trở nên phổ biến hơn. Bởi các nhà đầu tư đang chạy đua để thu lợi từ nhu cầu ngày càng tăng về không gian linh hoạt.

Điển hình, Lendlease đang phát triển Paya Lebar Quarter tại Singapore theo hướng dành 15% không gian văn phòng cho co-working, trong khiCapitaland cũng đang phát triển một hình thức tương tự ở Trung Quốc.

Tuy nhiên, với tình hình ngày càng nhiều nhà đầu tư mới mang theo các mô hình mới không gian linh hoạt gia nhập thị trường, sự cạnh tranh sẽ ngày càng tăng. Tuy nhiên, trong đa số trường hợp, cán cân sẽ nghiêng về phía kẻ mạnh. Sự tăng trưởng nhanh chóng của dịch vụ không gian linh hoạt trong khu vực đã dẫn đến việc thị trường bị phân tán mạnh.

“Một ví dụ ở Thượng Hải (Trung Quốc), có hơn 1.000 địa điểm không gian linh hoạt, trong đó có nhiều địa điểm rất nhỏ. Thêm vào đó, chúng tôi cũng ghi nhận nhiều trường hợp thất bại của nhà khai thác cá nhân và các hoạt động sáp nhập và mua lại. Chúng tôi tin rằng, sẽ có thêm nhiều thương vụ sát nhập trong thời gian tới.

Tình hình nhìn chung sẽ ổn cho các nhà đầu tư lớn với thương hiệu mạnh và cơ sở hạ tầng ở nhiều thành phố, cũng như những nhà khai thác nào có thể tìm cho mình một bản sắc riêng. Tuy nhiên, các nhà đầu tư nằm ở thế lấp lửng trong cuộc cạnh tranh này sẽ dễ trở thành mục tiêu cho các phi vụ mua lại”, đại diện JLL nhấn mạnh.

Theo Việt DũngBáo Đầu tư Bất động sản

Nguồn ĐTCK: http://tinnhanhchungkhoan.vn/bat-dong-san/khong-gian-lam-viec-chung-mo-vang-cho-khai-pha-238606.html