Không gian công cộng tại Hà Nội: Người khuyết tật khó tiếp cận

Một trong các yếu tố cơ bản của quy hoạch đô thị bền vững là tổ chức địa điểm cho các cuộc gặp gỡ và tăng cường liên kết cộng đồng và không gian đó gọi là không gian công cộng, hoạt động trong các không gian công cộng tạo ra cuộc sống TP. Sử dụng không gian hỗn hợp và tạo khả năng tiếp cận là những yếu tố cơ bản của không gian công cộng, không gian công cộng không chỉ bao gồm các Quảng trường, công viên mà bao gồm cả vỉa hè, ngõ phố và chợ. Việc người dân được tham gia vào các hoạt động xã hội thông qua các không gian công cộng đã trở nên nhu cầu cũng như thói quen của rất nhiều người trong đó có người khuyết tật (NKT). Tuy nhiên, trong thực tế, hầu như các không gian công cộng tại khu vực này chưa đáp ứng được nhu cầu tiếp cận và sử dụng của NKT.

Thực trạng

Nhân dịp lễ kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long, TP Hà Nội đã có nhiều dự án xây dựng mới hoặc cải tạo nâng cấp chỉnh trang đồng bộ hè phố, kè vỉa hè, cải tạo công viên, vườn hoa, vườn thú, quảng trường và các không gian công cộng phục vụ cho các hoạt động giao tiếp xã hội khác như các khu vui chơi giải trí, các khu văn hóa thể thao, các khu biểu diễn, thăm quan du lịch, công trình văn hóa tín ngưỡng nơi người dân thường xuyên tới cũng chưa tính đến nhu cầu tiếp cận và sử dụng của NKT. Các đường phố đều không tính đến làm vệt dốc, hoặc lát các tấm cảnh báo, tấm lát dẫn hướng tại các nút giao thông, lối vào công trình nên gây khó khăn cho NKT, người già, người đi lại khó khăn, người khiếm thị.

Năm 2004, Hà Nội dựng tượng vua Lý Thái Tổ tại vườn hoa Chí Linh và đặt tên là vườn hoa Lý Thái Tổ. Tại mặt chính vườn hoa Lý Thái Tổ dễ dàng thấy đường dốc lối lên sân chính không đàm bảo độ dốc cho NKT tiếp cận sử dụng, lối đi trong vườn hoa không lát các tấm nổi cho người khiếm thị.

Khu vực Quảng trường Cách mạng tháng Tám nằm trước mặt Nhà hát lớn Hà Nội. Đây được coi như trung tâm của Hà Nội, mật độ giao tiếp tại đây rất lớn, nhưng NKT đi qua đây thật là một cực hình với quảng trường rộng, mật độ xe đi lại dày đặc nhưng không có một giải pháp nào được trợ giúp cho NKT như biển báo, đường dốc, các đường lát nổi cho người khiếm thị...

Hồ Hoàn Kiếm là không gian công cộng nổi tiếng của Hà Nội và nằm giữa Trung tâm Thủ đô Hà Nội, NKT khó có khả năng tiếp cận. Toàn bộ đường xung quanh hồ Gươm lát đá các loại đá lát tại khu vực hồ Gươm đều là loại đá xẻ tự nhiên có độ bóng cao nên rất dễ gây trơn trượt, đây là loại chất liệu nền dễ làm tổn thương NKT nhất, đặc biệt hầu như xung quanh hồ chỉ có duy nhất một lối lên cho xe lăn tại cổng đền Ngọc Sơn. Xung quanh hồ không có bất cứ biển báo nào cho NKT cũng như không có khu vệ sinh cho NKT tiếp cận được (tại đây khu vệ sinh cho người bình thường cũng khó tìm, huống hồ NKT). Đường dạo xung quanh hồ khó tiếp cận được.

Phố cổ Hà Nội, toàn bộ các khu vực phố cổ đã được lát lại vỉa hè nhưng người ta vẫn quên đi một đối tượng cần được quan tâm là NKT, hầu hất các vỉa hè đều làm vỉa lên hè cao NKT không thể lên được

Một số gợi ý thiết kế không gian công cộng cho NKT hòa nhập

Mặc dù nước ta đã có đầy đủ các cơ sở pháp lý để đảm bảo cho NKT tiếp cận sử dụng, nhưng nhìn chung ở Hà Nội thiếu các không gian công cộng thiết kế tiếp cận cho NKT hòa nhập cộng đồng. Để NKT có thể tham gia vào các hoạt động xã hội, có thể tiếp cận được các không gian công cộng, chúng ta cần quan tâm đến các giải pháp thiết kế sau: Có hệ thống biển báo, biển chỉ dẫn trong đô thị. Các lối lên xuống có thay đổi độ cao phải thiết kế đường dốc theo tiêu chuẩn. Các lối đi bộ, đường dạo trong công viên, vườn hoa phải bằng phẳng, không có vật cản, có chiều rộng đảm bảo đủ rộng để xe lăn đi lại được; có gờ chắn an toàn khi độ chênh cốt cao độ trên 300mm, có lát các tấm lát dẫn hướng, tấm lát cảnh báo cho người khiếm thị. Bãi để ôtô, xe máy phải bố trí chỗ để xe dành riêng cho NKT tại các vị trí thuận tiện nhất. Tiện nghi công cộng trên đường phố phải đảm bảo an toàn cho NKT tiếp cận và sử dụng như các trạm điện thoại có độ cao phù hợp, các ghế chờ trong các điểm đỗ, dừng xe buýt…

Nhiều NKT mơ ước có một ngày nào đó họ tự đi được (bằng các phương tiện trợ giúp như xe lăn, gậy chống…) xung quanh bờ hồ Hoàn Kiếm, thả mình vào không gian với những cánh hoa lộc vừng thả đầy trên thảm cỏ của mùa thu Hà Nội, được tận hưởng không gian của các công viên hàng trăm năm tuổi của Hà Nội, hay được đắm mình trên các không gian di tích của ngàn năm, nhưng điều đó thực sự là khó khăn với họ khi mà các không gian đó dường như chưa làm gì cho họ để họ có thể đến gần và tiếp cận được. Để NKT có thể tham gia vào các hoạt động xã hội, được hưởng thụ các không gian công cộng, hơn ai hết, các KTS, các nhà hoạch định đô thị phải có ngay các biện pháp nhằm nâng cao nhận thức và thiện chí của các chủ đầu tư và các nhà quản lý, có cơ chế thưởng phạt đối với các tổ chức, cá nhân khi tham gia vào các hoạt động xây dựng tạo môi trường tiếp cận cho NKT.

TS.KTS Lê Thị Bích Thuận
Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu Đô thị và Phát triển hạ tầng

Nguồn Xây Dựng: http://www.baoxaydung.com.vn/news/vn/quy-hoach-kien-truc/khong-gian-cong-cong-tai-ha-noi-nguoi-khuyet-tat-kho-tiep-can.html