Không gian công cộng ở Hà Nội: Có cũng như… không

Người dân than rằng, có cảm giác không tìm thấy chỗ nào thuộc về mình nhưng lại thờ ơ trong việc bảo vệ và mở rộng không gian công cộng vì ngại va chạm với… chính quyền.

Công viên Cầu Giấy - một trong khá nhiều công viên ở Hà Nội thường bị bao chắn bởi rào, tường và vé. Ảnh: Bình Thanh.

Công viên Cầu Giấy - một trong khá nhiều công viên ở Hà Nội thường bị bao chắn bởi rào, tường và vé. Ảnh: Bình Thanh.

PGS.TS Phạm Quỳnh Phương - Viện Nghiên cứu văn hóa đã chia sẻ kết quả nghiên cứu “Quyền đối với thành phố, không gian công cộng Hà Nội và sự tham gia của người dân” tại buổi tọa đàm “Không gian công cộng và sự tham gia của người dân” vừa được Nhóm làm việc vì sự tham gia của người dân (PPWG) tổ chức tại Hà Nội.

Không tìm thấy chỗ thuộc về mình

Đó là kết quả của chuyến đi thực tế của PGS.TS Phạm Quỳnh Phương trong nửa năm khi đến gặp gỡ, trò chuyện cùng những người dân ở Hà Nội, đọc tài liệu, quan sát tham gia, Facebook groups hay phỏng vấn sâu (chuyên gia quy hoạch, kiến trúc sư, người dân).

Từ những quan sát, lắng nghe và trải nghiệm của chính bản thân khi cũng là một người đã gắn bó bao năm với Hà Nội, bà Phương chỉ ra rằng, trong nỗ lực đạt được sự chấp nhận của những người theo xu hướng đô thị, một thành phố có thể đánh mất linh hồn của mình và theo thời gian, mất cả lý do để tồn tại.

Cũng bởi lẽ, theo Henri Lefebvre, thành phố là một tuyệt tác tập thể. Và trong tuyệt tác tập thể ấy thì không gian công cộng được ví như một “phòng khách” với những quảng trường, công viên, khu tượng đài, phố đi bộ, vỉa hè, đại siêu thị, làng trong phố, khu tập thể, khu đô thị mới... Đấy là những không gian không chỉ để thở mà còn là tài sản văn hóa của người dân.

Nhà văn hóa thì bị tư nhân hóa thành phòng tập arerobic, tập gym. Ở quảng trường, phố đi bộ người dân thường bị kiểm soát hoạt động… Muốn vào công viên thì phải mua vé vì công viên luôn bị bao chắn bởi tường xây, rào sắt. Chợ dân sinh biến thành siêu thị, đại siêu thị “nhốt” trong những khối bê tông. Hay hẹp hơn là ngay ở khu chung cư, sân chơi bị chiếm dụng thành nơi kinh doanh cà phê, hàng ăn…

Nhưng tiếc thay, giờ đây, “phòng khách” ấy của Hà Nội có sự biến đổi rất nhanh cùng với việc hình thành nên một cuộc sống giữa những khối bê tông… Đó là sự bị thu hẹp và trở thành ký ức (cây đa, giếng nước, sân đình…), là sự biến mất của những ao hồ nên khó tìm được không gian mặt nước xanh, dù Hà Nội - như tên gọi - được mệnh danh là thành phố trong sông.

Bởi vậy, nhiều người than phiền, giờ đây ở Hà Nội không có không gian đúng nghĩa, chỉ là trá hình. Dẫn chứng rất nhiều: Vỉa hè là không gian công cộng nhưng hoặc là bị cơ quan chức năng cấm đỗ xe hoặc bị một hộ dân nào đó “xí phần”… thu tiền.

Nhà văn hóa thì bị tư nhân hóa thành phòng tập arerobic, tập gym. Ở quảng trường, phố đi bộ người dân thường bị kiểm soát hoạt động… Muốn vào công viên thì phải mua vé vì công viên luôn bị bao chắn bởi tường xây, rào sắt. Chợ dân sinh biến thành siêu thị, đại siêu thị “nhốt” trong những khối bê tông. Hay hẹp hơn là ngay ở khu chung cư, sân chơi bị chiếm dụng thành nơi kinh doanh cà phê, hàng ăn…

Vậy nên, không có gì là lạ khi có người than rằng: “Nói thật tôi chả tìm thấy chỗ nào mà cảm thấy thuộc về mình”, hay “Không gian công cộng bây giờ rất khác xưa, tôi cho là do sự can thiệp của các nhóm lợi ích, làm cho người dân không cảm thấy nó là của mình”…

Dẫn chứng cụ thể hơn về câu chuyện vỉa hè, bà Phương cho biết, phải đến năm 1984, cơ quan quản lý mới đưa ra văn bản quy định vỉa hè là không gian dành cho người đi bộ để có đến hơn 10 năm diễn ra cuộc chiến dành lại vỉa hè cho người đi bộ nhưng không hồi kết.

“Đây là hệ quả của quan niệm công - tư không rõ ràng. Kiểu “trong nhà ngoài ngõ” - nếu không hiểu rõ về ý niệm này thì khó giải quyết” - PGS.TS Nguyễn Quỳnh Phương nhấn mạnh.

Thờ ơ, hoài cổ và ngại va chạm

Dù rất bức xúc vì không gian công cộng không thuộc về mình nhưng dường như người dân Hà Nội vẫn còn thờ ơ với việc bảo vệ và đấu tranh mở rộng “phòng khách” đặc biệt ấy.

Cũng có thể vì bận rộn cuộc sống mưu sinh, vì cái lợi cho riêng cá nhân (chiếm dụng vỉa hè để buôn bán) nhưng phần nhiều do người dân cảm thấy tiếng nói của mình không có trọng lượng, thiếu niềm tin mà nảy sinh tâm lý đó. Điều này càng thấy rõ nét hơn ở những cộng đồng dân cư tứ chiếng, không được gắn kết cùng nhau nhiều năm.

Bên cạnh đó, có một bộ phận người dân Hà Nội bày tỏ sự nhớ thương không gian công cộng của Hà Nội xưa nhưng chỉ dừng lại ở… hoài niệm.

Theo chia sẻ của PGS.TS Nguyễn Quỳnh Phương, trước câu hỏi, chúng ta cần làm gì cho không gian công cộng được mở rộng, trên trang Fanpage “yêu Hà Nội”, cộng đồng mạng đã không ngại ngần bày tỏ: “Thôi, bạn có giữ được hồ Gươm, hồ Tây, núi Nùng, vườn Bách thảo, cái cửa ô còn lại duy nhất không, ô Quan Chưởng ấy, cái nhà tròn Hàng Đậu ấy, Hoàng thành Thăng Long... Có giữ nổi không? Chỉ thế là đủ. Thôi, chỉ cần làm sao giữ được cái cốt cách, cái hồn Hà Nội trong mỗi con người”.

Thực tế này khiến nhiều người đặt lại câu hỏi, vì sao người Hà Nội hôm nay vô cảm, không có cảm xúc về không gian sống, không gian công cộng như thế? Cũng thật dễ để tìm ra câu trả lời. Đó là do khi bước ra đường, người ta chỉ thấy ầm ào và bụi bặm nên chỉ muốn về nhanh và chui tọt vào phòng điều hòa; vì không gian công cộng thường ở quá xa và luôn rình rập nhiều mối hiểm nguy (tệ nạn ma túy, mại dâm…) mà không còn thân thiện nữa…

Thậm chí, người dân Hà Nội còn đưa ra hàng loạt dẫn chứng để hoài nghi. Nào là, đất dự án đổi lấy đất hạ tầng bỏ không, trở thành dự án treo, tiền đâu mà làm? Rồi thì làm sao mà tăng không gian công cộng lên được vì làm gì còn đất? Các bộ, ngành vẫn chiếm giữ đất nội đô trong khi những khu đất được quy hoạch cho họ ở ngoại thành bị bỏ hoang? Hoặc khi người dân lên tiếng không được chính quyền lắng nghe, bị “tai bay, vạ gió” nên tốt nhất là… tránh xa sự va chạm ấy.

Trong khi đó, nhận thức của những người làm công tác quản lý vẫn chưa coi không gian công cộng là cấp bách, đưa ra cái lẽ: Cơm áo gạo tiền còn chưa đủ thì chơi cái gì. Vậy nên, họ mặc định rằng không gian thư giãn nghỉ ngơi chỉ là nhu cầu thêm, không phải bắt buộc.

Thậm chí, cái cách quản lý theo nhiệm kỳ của họ đã khiến nhiều người dễ dàng phá bỏ những gì Hà Nội lưu giữ như chặt phá cây xanh, xây các cao ốc một cách lôm nhôm, khập khiễng.

Có thể thấy, sự phát triển Hà Nội đang đi theo hướng đề cao giá trị thương mại hơn giá trị sử dụng. Không gian công cộng bị tư hữu hóa đi cùng với một loạt khái niệm mới như: “Đi chơi siêu thị”, “hy sinh cho phát triển”, “ưu tiên cho phát triển”.

Trong khi đó, Nhà nước đóng vai trò quan trọng trong việc tạo ra không gian công cộng song nhận thức của Nhà nước đối với vấn đề này dù đã có thay đổi nhưng chưa đầy đủ.

“Tuy phần lớn là thờ ơ nhưng vẫn còn một bộ phận người dân cố gắng đấu tranh giữ gìn một không gian công cộng nhỏ bé nhất có thể. Hoặc một số tổ chức xã hội nỗ lực vì một không gian xanh cho Hà Nội, vì một “Hà Nội đáng sống”. Họ là những đốm lửa nhỏ cần được tiếp tục duy trì để thổi bùng thành đám cháy lớn” - PGS.TS Nguyễn Quỳnh Phương nhấn mạnh.

Nguồn GD&TĐ: http://giaoducthoidai.vn/van-hoa/khong-gian-cong-cong-o-ha-noi-co-cung-nhu-khong-4032361-b.html