Không giải quyết cho nhận thay bằng tốt nghiệp nếu không có giấy ủy quyền

Báo An Giang nhận được đơn của ông Trương Ngọc Mẫn (ngụ ấp Bình Thành, xã Bình Mỹ, Châu Phú, An Giang) thắc mắc và bức xúc với cách giải quyết của Trường Trung cấp Kinh tế - Kỹ thuật An Giang trong việc phát văn bằng tốt nghiệp cho học sinh.

Theo trình bày của ông Mẫn, ngày 10-12-2019, ông đến Trường Trung cấp Kinh tế - Kỹ thuật An Giang liên hệ để nhận bằng tốt nghiệp THPT dùm cho T.T.B.T (cháu gái, kèm theo đơn xin nhận bằng của T.). Ông Mẫn được hướng dẫn đến Phòng Đào tạo để nhận.

“Tuy nhiên, nơi đây buộc tôi phải có giấy ủy quyền của T. thì mới được nhận, trong khi T. theo chồng về Đồng Nai sinh sống, làm sao về ngay An Giang để ký giấy ủy quyền cho tôi được. Thiết nghĩ, bằng tốt nghiệp THPT không phải là tài sản lớn thuộc diện bị chiếm hữu để gây thiệt hại, nhà trường có thể cấp lại. Hơn nữa, trong đơn xin nhận bằng tốt nghiệp có điền đầy đủ thông tin để dễ dàng truy tìm người nhận thay khi cần thiết.

Khi tôi thắc mắc thì cán bộ Phòng Đào tạo nhà trường cho rằng, quy chế quy định như vậy phải tuân thủ thôi. Nên chăng, cần sớm sửa đổi những quy định cũ theo tinh thần nói không với “cải cách hành dân”, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho người dân trong giải quyết thủ tục hành chính. Tôi kiến nghị các cấp lãnh đạo tỉnh, ngành cần xem lại cách làm của trường, để tôi được giải quyết nhận bằng tốt nghiệp thay cho cháu tôi” - ông Mẫn đề nghị.

Trao đổi với phóng viên, thầy Phùng Đình Hòa, Trưởng phòng Đào tạo Trường Trung cấp Kinh tế - Kỹ thuật An Giang cho biết: “Vừa qua, ông Mẫn đến liên hệ với Phòng Đào tạo xin nhận bằng tốt nghiệp THPT thay cho cháu. Phòng có trao đổi cho ông Mẫn biết rằng, theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo, văn bằng chứng chỉ tốt nghiệp chỉ cấp 1 lần bản chính, không cấp lần 2, cấp đúng cho người được tốt nghiệp và cũng chính bản thân người được cấp mới được nhận văn bằng này.

Còn nếu vì lý do nào đó không đến nhận văn bằng được thì phải có giấy ủy quyền (có xác nhận của chính quyền địa phương), ghi rõ mối quan hệ giữa người được cấp và người được ủy quyền và lý do, còn trường hợp đương sự làm thất lạc thì sẽ được cấp bản sao. Thực tế, năm trước đó nhà trường đã gặp trường hợp người cha đi nhận thay cho con, cũng có viết giấy xin và ký nhận rõ ràng.

Vài tháng sau, người con (người được tốt nghiệp) đến xin nhận bằng tốt nghiệp, sau khi mở hồ sơ sổ sách ra thì biết được, bằng tốt nghiệp đã trao cho phụ huynh của em này ký nhận thay rồi, nhưng em này không đồng ý cho người khác nhận thay.

Qua trao đổi mới biết, do người cha không muốn con mình đi làm nên đã nhận bằng tốt nghiệp rồi sau đó giữ luôn không đưa lại. Sau sự cố đó, đối chiếu lại với quy định thì rõ ràng trường đã sai khi cho nhận thay mà chưa có giấy ủy quyền, chỉ vì nể nang người thân trong gia đình nên cho ký nhận thay. Nhà trường đã nhận lỗi, đồng thời nghiêm túc rút kinh nghiệm việc này.

Vì vậy, khi ông Mẫn đến xin nhận thay, phòng đã trao đổi, giải thích để ông Mẫn hiểu và cảm thông cho trường, chứ không phải trường gây khó dễ gì cho ông đối với vấn đề này. Trường hợp ông Mẫn có giấy ủy quyền của chính người được tốt nghiệp THPT, trường sẽ giải quyết cho nhận ngay”.

Giải quyết vụ việc này, Trường Trung cấp Kinh tế - Kỹ thuật An Giang căn cứ Thông tư số 19/2015/TT-BGDĐT ngày 8-9-2015 của Bộ Giáo dục và Đào tạo, ban hành quy chế quản lý bằng tốt nghiệp THCS, bằng tốt nghiệp THPT, văn bằng giáo dục đại học và chứng chỉ của hệ thống giáo dục quốc dân, quy định tại Điểm c, Khoản 2, Điều 4 về quyền và nghĩa vụ của người được cấp bằng, chứng chỉ, có nêu: người được cấp văn bằng, chứng chỉ có các nghĩa vụ sau: phải có giấy ủy quyền theo quy định của pháp luật khi không trực tiếp đến nhận văn bằng, chứng chỉ.

Bài, ảnh: K.N

Nguồn An Giang: https://baoangiang.com.vn/khong-giai-quyet-cho-nhan-thay-bang-tot-nghiep-neu-khong-co-giay-uy-quyen-a262498.html