Không giải ngân được vốn đầu tư công, sẽ chuyển địa phương khác

Ngày 12-7, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và đoàn công tác của Chính phủ đã có chuyến thăm và làm việc với lãnh đạo chủ chốt tỉnh Ninh Bình về tình hình thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2020.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tặng quà lưu niệm cho tỉnh Ninh Bình. Ảnh: TTXVN

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tặng quà lưu niệm cho tỉnh Ninh Bình. Ảnh: TTXVN

Đây cũng là cuộc kiểm tra đầu tiên của Thủ tướng và lãnh đạo các bộ ngành với các địa phương về tiến độ giải ngân vốn đầu tư công. Từ đầu năm đến nay, với việc giải ngân được khoảng 72% vốn đầu tư công (trong tổng số khoảng 3.000 tỷ đồng), Ninh Bình cam kết sẽ hoàn thành giải ngân 100% vốn đầu tư công trong năm nay, thậm chí có thể về đích vào khoảng tháng 10.

Ninh Bình là một trong những địa phương trong nhóm đầu cả nước về giải ngân, xếp thứ 3 trong số các tỉnh vùng đồng bằng sông Hồng. HĐND tỉnh đồng hành UBND tỉnh tổ chức nhiều cuộc họp thay vì chỉ họp định kỳ để kịp thời đưa ra những quyết sách về những vấn đề liên quan đến đầu tư công, qua đó đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn. Tỉnh cũng có nhiều biện pháp quyết liệt, chủ động trong giải phóng mặt bằng, gắn trách nhiệm lãnh đạo cấp huyện, thành phố với công tác này, giúp giải phóng mặt bằng nhanh hơn.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng việc thực hiện của Ninh Bình là kinh nghiệm tốt với nhiều địa phương, bởi giải phóng mặt bằng chậm là một trong những nguyên nhân khiến giải ngân vốn đầu tư công chậm. Thủ tướng nhấn mạnh, địa phương nào không thực hiện tốt việc giải ngân vốn đầu tư công, nguồn vốn sẽ được điều chuyển sang địa phương khác.

Thủ tướng cho rằng, Ninh Bình cần trở thành một tỉnh có động lực tăng trưởng của khu vực phía Bắc và cả nước; một điểm đến hấp dẫn đối với các nhà đầu tư và du khách; có chất lượng, sáng tạo, đổi mới; phát triển xanh và bền vững. Tập trung làm tốt việc chuyển đổi số, xã hội số, kinh tế số, thanh toán điện tử, coi đây là mũi nhọn mà tỉnh đã nhận là địa phương thí điểm của cả nước.

Tỉnh cần tiếp tục đẩy mạnh đô thị hóa, phát triển kinh tế nông thôn mới với môi trường sạch, hệ sinh thái tốt; tập trung phát triển du lịch, thu hút đầu tư hơn nữa vào lĩnh vực này; làm tốt việc bảo tồn khu giá trị di sản, văn hóa; không ngừng đa dạng hóa sản phẩm và tăng cường quản lý du lịch bởi đây cũng là lĩnh vực kinh tế hàng đầu của địa phương. Ninh Bình phải phấn đấu ngay trong năm 2020 có thể tự cân đối được ngân sách và đóng góp cho ngân sách trung ương.

LÂM NGUYÊN

Nguồn SGGP: http://sggp.org.vn/khong-giai-ngan-duoc-von-dau-tu-cong-se-chuyen-dia-phuong-khac-672565.html