Không gây sốc

Năm học 2020-2021, Trường THPT Kim Liên (quận Đống Đa), THPT Phan Đình Phùng (quận Ba Đình, Hà Nội) vẫn hoạt động theo mô hình trường công lập với mức thu học phí theo đúng quy định tại Nghị định số 86/2015/NĐ-CP ngày 2/10/2015 của Chính phủ là 217.000 đồng/tháng/học sinh ở cả ba khối lớp 10, 11, 12 và duy trì trong những năm học tiếp theo.

Đây là thông tin được đại diện hai trường thông báo rộng rãi tới toàn thể phụ huynh. Theo đó, UBND TP và Sở GDĐT Hà Nội hiện chưa phê duyệt chuyển đổi sang mô hình trường chất lượng cao tự chủ tài chính. Do đó, mức học phí chưa có sự thay đổi.

Lãnh đạo Sở GDĐT Hà Nội cũng khẳng định thông tin sắp tới hai trường này sẽ chuyển sang mô hình chất lượng cao tự chủ tài chính, kèm theo mức thu học phí tăng cao là không đúng. Phụ huynh không nên hoang mang, lo lắng.

Trên thực tế, nếu chuyển đổi sang mô hình chất lượng cao tự chủ tài chính, phụ huynh hoàn toàn có căn cứ để lo lắng. Bởi nhìn từ bài học của Trường THPT Phan Huy Chú (Hà Nội) đang thực hiện mô hình này, mức học phí gấp 50 lần trường công được ngân sách đảm bảo.

Chắc chắn, đây sẽ là một vấn đề lớn của nhiều gia đình nếu việc triển khai không được công bố sớm từ trước khi bắt đầu tuyển sinh khóa mới. Chính lãnh đạo Trường THPT Phan Huy Chú cũng thừa nhận khi chuyển đổi mô hình phải trải qua nhiều khó khăn, trong đó khó khăn lớn nhất là thu hút được học sinh theo học.

Để có được con số hàng nghìn học sinh theo học mỗi năm, nhà trường phải khẳng định được chất lượng đào tạo tương xứng với mức học phí mà phụ huynh đầu tư cho con theo học.

Từ kinh nghiệm thực tiễn triển khai, Hiệu trưởng Trường THPT Phan Huy Chú Hà Xuân Nhâm đề xuất Nhà nước sớm có hành lang pháp lý cụ thể, rõ ràng để tạo điều kiện cho các trường thực hiện nhiệm vụ, đồng thời có cơ chế kiểm soát chặt chẽ để nhà trường thực hiện đúng quy định, đúng pháp luật.

“Việc tự chủ tại trường phổ thông có liên quan chặt chẽ đến an sinh xã hội. Muốn tự chủ thì phải có kinh phí thực hiện hoạt động giáo dục, kinh phí đó phải được xã hội ủng hộ trên cơ sở xã hội hóa giáo dục, Nhà nước và nhân dân cùng làm. Do đó, Nhà nước nên có những quy hoạch và chính sách đặc thù đối với các vùng, miền. Nếu cứ làm theo một chính sách chung thì sẽ rất khó khăn”, thầy Hà Xuân Nhâm nêu quan điểm.

Tự chủ tài chính ở các đơn vị sự nghiệp công lập nói chung và các trường học nói riêng là chủ trương của UBND TP Hà Nội theo Kế hoạch số 44/KH-UBND về việc triển khai thực hiện nâng mức tự chủ tài chính các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc TP Hà Nội giai đoạn 2018-2021.

Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia, với bậc học phổ thông, việc nâng cao dân trí là trách nhiệm của Nhà nước. Khi thực hiện tự chủ tài chính, mức học phí sẽ tăng cao cần hết sức thận trọng, đặc biệt là trong bối cảnh hiện nay khi dịch bệnh, thiên tai xảy ra, một bộ phận người dân gặp khó khăn khi không có việc làm, việc làm bấp bênh…

Vì vậy, trong những năm tiếp theo, nếu được phê duyệt, thì các nhà trường phổ thông cũng phải công khai thực hiện lộ trình bắt đầu từ các lớp 10 mới. Cùng đó, sẽ công khai thông tin về mô hình, học phí,… trong thông báo tuyển sinh để phụ huynh, học sinh biết qua đó lựa chọn đăng ký vào trường hay không. Các lớp 11, 12 ở thời điểm đó cần tiếp tục thực hiện theo mô hình đại trà với mức học phí theo quy định tránh đặt phụ huynh vào “sự đã rồi”.

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/khong-gay-soc-524561.html