Không gặp Tổng thống Ukraine, ông Putin tránh sập bẫy Mỹ?

Nếu chấp nhận đối thoại với đội hình '1-1+4', Nga có thể sập bẫy của Mỹ, phải chấp nhận kế hoạch tái hòa nhập Donbass mà Washington là tác giả...

Tổng thống Ukraine bất ngờ để nghị gặp Tổng thống Putin với đội hình lạ

The Moscow Times đưa tin, ngày 8/7, tân Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy đã bất ngờ đề nghị được gặp Tổng thống Nga Vladimir Putin tại thủ đô Minsk của Belarus, nhằm thảo luận về vấn đề bán đảo Crimea và tình hình khu vực Donbass.

“Bây giờ tôi muốn nói với Tổng thống Nga Vladimir Putin thế này: Chúng ta có cần nói chuyện với nhau không? Có, chúng ta cần. Vậy chúng ta hãy làm việc đó”, lời của ông Zelensky trong một bài phát biểu qua video được đăng tải trên mạng xã hội.

Tuy nhiên, trong lời phát biểu gửi tới Tổng thống Putin, Tổng thống Zelenskiy lại đề nghị trong cuộc gặp sẽ có sự tham gia của lãnh đạo các cường quốc phương Tây là Mỹ-Anh-Pháp-Đức.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy chưa thể gặp Tổng thống Putin

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy chưa thể gặp Tổng thống Putin

“Tôi xin đề nghị đội hình cho các cuộc hội đàm như sau: tôi, ông, Tổng thống Mỹ Donald Trump, Thủ tướng Anh Theresa May, Thủ tướng Đức Angela Merkel và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron”, Tổng thống Ukraine đề xuất.

Đề xuất của nhà lãnh đạo Ukraine gần như ngay lập tức được phúc đáp từ Kremlin, song không như ước muốn của ông Zelenskiy. Bởi theo Thư ký báo chí của Tổng thống Nga Dmitry Peskov thì Nga sẽ nghiên cứu đề xuất chứ chưa có câu trả lời.

Tổng thống Putin nhiều lần nhấn mạnh rằng đối thoại mang tính xây dựng giữa Nga và Ukraine là hoàn toàn có thể, nếu ông Zelensky thực hiện những lời hứa trước bầu cử và bắt đầu nói chuyện với đồng bào ở Donbass.

Trong khi đó ngày 5/7 vừa qua, Tổng thống Zelenskiy đã thực hiện chuyến thăm lần thứ 3 tới Donbass kể từ khi nhậm chức, thậm chí còn sử dụng tiếng Nga thay vì tiếng Ukraine, để nói chuyện với người dân Donbass, bất chấp bị nhiều chỉ trích.

Như vậy, tân tổng thống Ukraine đã phần nào đáp ứng điều kiện của Moscow cho việc tiến hành đối thoại, song khi đề xuất đối thoại thì lại bị từ chối, mà nguyên nhân là do đội hình đàm phán được ông Zelenskiy đề xuất.

Bởi theo ông Peskov, thì "đây là cách thức hoàn toàn mới. Bởi vậy cần phải hiểu liệu có triển vọng ở cuộc gặp như vậy không, điều gì được đề xuất cho cách thức mới này? Đây là sáng kiến mới nên cần được xem xét, chứ chưa thể đưa ra phản ứng".

Thư ký báo chí của Tổng thống Nga nhấn mạnh rằng Mỹ không tham gia định dạng Normandy - cơ chế giải quyết xung đột ở miền đông Ukraine, Mỹ không ký Hiệp định Minsk - cơ sở pháp lý cho tiến trình hòa bình ở Donbass.

Tổng thống Putin quyết chặn mưu đồ Mỹ

Theo giới phân tích, việc tân Tổng thống Ukraine đề nghị Tổng thống Mỹ - và cả Thủ tướng Anh - tái tham gia vào quá trình đàm phán về vấn đề ở Donbass hoàn toàn có thể là "ý của Mỹ, lời của Zelenskiy", nên Moscow chưa thể chấp nhận.

Và sự có mặt của lãnh đạo các cường quốc phương Tây bên cạnh vị tân tổng thống Ukraine không phải để ngăn cựu điệp viên KGB dồn ép đối phương là người mới bước từ sân khấu hài kịch sang sân khấu chính trị, mà đó là mưu đồ của Mỹ.

Vì vậy, nếu chấp nhận đối thoại với đội hình "1-1+4" là Nga có thể sập bẫy của Mỹ, cụ thể là chấp nhận kế hoạch tái hòa nhập Donbass mà Washington là tác giả và đã được Kiev luật hóa, qua đó vô hiệu cả định dạng Normandy lẫn Hiệp định Minsk.

Mỹ muốn hiện thực hóa Luật tái hòa nhập Donbass mà Washington là tác giả

Sau khi không thể chiến thắng lực lượng ly khai bằng vũ lực, chính quyền Kiev thực hiện việc phong tỏa khu vực miền đông nhằm đưa lực lượng ly khai vào thế bất lợi, song với hành động này, Kiev đã "tự bắn vào chân mình".

Hành động đó của chính quyền Poroshenko khiến "những người anh em xa" rất thất vọng, theo The New York Times. Sau khi mất bán đảo Crimea, nếu Kiev tiếp tục để mất Donbass thì coi như ván cờ Ukraine kết thúc với Mỹ và phương Tây.

Vì vậy, để giúp Kiev sửa sai, qua đó đảm bảo vị thế cho vùng đệm của mình trong đối trọng với Moscow, Washington đã tư vấn cho Kiev thực hiện việc luật pháp hóa chính trị đối với vấn đề ly khai tại vùng Donbass.

Phải nhìn nhận rằng, việc thực hiện công cụ pháp lý - Luật tái hòa nhập Donbass - là nước đi rất công hiệu mà "người anh em" đã chỉ cho Kiev. Bởi hiện nay Donbass vẫn trực thuộc Ukraine, dù lực lượng ly khai tự tuyên bố độc lập.

Khi một thực thể muốn ly khai, muốn phá vỡ tính thống nhất của một nhà nước có thể bị đáp trả bằng vũ lực của thực thể đại diện chủ quyền quốc gia, từ đó có thể hình thành nên cuộc nội chiến và tình hình tại miền đông Ukraine đã diễn ra như vậy.

Tuy nhiên, khi vấn đề chia tách, sáp nhập, tái hòa nhập được luật hóa thì các thực thể muốn ly khai, muốn độc lập phải tiến hành theo luật định. Khi đó vấn đề độc lập tại khu vực miền đông Ukraine sẽ khó khăn và phức tạp hơn nhiều.

Rõ ràng, nước đi của Kiev rất hiểm đối với lực lượng ly khai miền đông Ukraine. Nó không những khiến Donbass không thể tách ra khỏi Ukraine trong bất cứ trường hợp nào, mà nó còn tước bỏ công lực của lực lượng chính trị đại diện tại Donbass.

Không những vậy, khi Washington-Kiev thúc đẩy việc luật hóa Donbass đã gạt bỏ việc quốc tế hóa trong giải quyết xung đột tại miền Đông Ukraine, dù Mỹ và Ukraine đều cho rằng Luật tái hòa nhập Donbass là nhằm thực thi Thỏa thuận Minsk.

Thỏa thuận hòa bình Minsk - cơ sở pháp lý cao nhất trong giải quyết vấn đề xung đột tại Ukraine - là thỏa thuận đa phương, được bảo trợ bởi định dạng Normandy - một cơ chế quốc tế chịu trách nhiệm về giải quyết vấn đề xung đột tại Ukraine.

Trong khi Luật tái hòa nhập Donbass nằm trong hệ thống luật pháp Ukraine, phải chịu sự điều chỉnh cao nhất của Hiến pháp Ukraine, chứ không phải Thỏa thuận hòa bình Minsk - mà đã thể hiện qua việc luật hóa khái niệm "nước Nga xâm lược".

Washington quyết không để Moscow khép lại vấn đề Crimea

Nga và lực lượng ly khai đã phản đối việc luật hóa tái hòa nhập Donbass. Thậm chí tại cuộc gặp riêng ở Helsinki ngày 16/7/2018, Tổng thống Putin đã đề nghị với Tổng thống Trump về việc tiến hành trưng cầu dân ý về quy chế của vùng Donbass.

Đến nay Hiệp định Minsk vẫn là cơ sở pháp lý cao nhất cho việc giải quyết xung đột tại miền đông Ukraine. Vì Mỹ "trót" không tham gia giải quyết cuộc khủng hoảng tại Ukraine nên không thể thúc đẩy việc thực thi Luật Luật tái hòa nhập Donbass.

Nếu Tổng thống Mỹ có mặt bên cạnh tân Tổng thống Ukraine khi đối thoại với Tổng thống Putin sẽ là nhất cử lưỡng tiện, vì vậy đội hình đối thoại "1-1+4" đã được nhà lãnh đạo Ukraine đưa ra, song thực tế đó là ý đồ của Mỹ.

Còn với vấn đề Crimea, dù không thể đảo ngược, song Washington vẫn không để cho Moscow khép lại, nên ủng hộ Kiev là lợi cả đôi đường. Tuy nhiên, mưu đồ của Mỹ không thể thực hiện được khi ông Putin từ chối gặp ông Zelenskiy vì đội hình lạ.

Ngọc Việt

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/the-gioi/quan-he-quoc-te/khong-gap-tong-thong-ukraine-ong-putin-tranh-sap-bay-my-3383432/