Không ép học sinh mua tài liệu tham khảo

Thực hiện chỉ đạo của Bộ Giáo dục và Đào tạo, từ ngày 11 đến 16-9, Sở Giáo dục và Đào tạo đã tổ chức kiểm tra việc cung ứng sách giáo khoa và tài liệu tham khảo sử dụng trong các trường tiểu học tại 6 huyện, thị xã, thành phố, trừ 2 huyện miền núi Khánh Sơn và Khánh Vĩnh.

Thực hiện chỉ đạo của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT), từ ngày 11 đến 16-9, Sở GD-ĐT đã tổ chức kiểm tra việc cung ứng sách giáo khoa (SGK) và tài liệu tham khảo sử dụng trong các trường tiểu học tại 6 huyện, thị xã, thành phố, trừ 2 huyện miền núi Khánh Sơn và Khánh Vĩnh.

Phân biệt sách giáo khoa và tài liệu bổ trợ

Ông Đỗ Hữu Quỳnh - Phó Giám đốc Sở GD-ĐT cho biết, hàng năm, trước khi bước vào năm học mới, Sở GD-ĐT đều chỉ đạo các phòng GD-ĐT yêu cầu các trường tiểu học thông báo danh mục SGK được sử dụng đến cha mẹ học sinh (HS). Đồng thời, phối hợp với Công ty Sách và Thiết bị trường học Khánh Hòa đảm bảo số lượng SGK cung ứng cho thị trường, không để xảy ra tình trạng thiếu SGK.

 Sở Giáo dục và Đào tạo kiểm tra việc trang bị sách giáo khoa và tài liệu tham khảo của các trường tiểu học trên địa bàn TP. Nha Trang.

Sở Giáo dục và Đào tạo kiểm tra việc trang bị sách giáo khoa và tài liệu tham khảo của các trường tiểu học trên địa bàn TP. Nha Trang.

Năm học 2020 - 2021, bộ SGK lớp 1 thực hiện theo chương trình mới (Chương trình giáo dục phổ thông 2018) gồm 8 môn học, hoạt động giáo dục bắt buộc là: Toán, Tiếng Việt, Đạo đức, Tự nhiên - Xã hội, Giáo dục thể chất, Hoạt động trải nghiệm, Âm nhạc, Mỹ thuật và 1 môn học tự chọn là Ngoại ngữ 1 (Tiếng Anh). Bộ SGK lớp 1 “Kết nối tri thức với cuộc sống” của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam mà các trường trên địa bàn tỉnh lựa chọn và sử dụng bao gồm 10 cuốn SGK, trong đó sách Toán và Tiếng Việt mỗi môn có 2 tập.

Ngoài SGK bắt buộc phải có, nhiều trường còn lựa chọn và sử dụng tài liệu tham khảo, chủ yếu là các tài liệu bổ trợ dùng trong thời gian tăng thêm của các lớp 2 buổi/ngày. Phụ huynh, HS có thể mua hay không tùy theo nhu cầu, điều kiện. Việc lựa chọn, sử dụng tài liệu bổ trợ, tham khảo phải được nhà trường thực hiện công khai, minh bạch theo đúng Thông tư số 21 năm 2014 của Bộ GD-ĐT.

Được biết, 10 cuốn SGK lớp 1 thuộc bộ sách “Kết nối tri thức với cuộc sống” có giá 179.000 đồng. Trường nào giảng dạy tiếng Anh tự chọn thì phụ huynh cần mua thêm 2 cuốn sách tiếng Anh với tổng giá tiền 150.000 đồng. Còn 11 cuốn vở bài tập tổng số tiền 126.000 đồng và một số sách khác nằm trong danh mục tài liệu bổ trợ, tham khảo.

Tăng cường kiểm tra, giám sát

Theo quy định của Bộ GD-ĐT, ngoài SGK là tài liệu bắt buộc sử dụng trong nhà trường, mọi tổ chức, cá nhân không được ép buộc HS mua tài liệu tham khảo.

Ông Đỗ Hữu Quỳnh cho biết, qua kiểm tra, sở nhận thấy các trường đã lựa chọn SGK lớp 1 theo đúng quy trình; hồ sơ lựa chọn từ cấp tổ đến cấp trường được lưu trữ đầy đủ, đúng quy định. Các trường cũng đã chủ động thông báo, cung cấp kịp thời, đầy đủ thông tin SGK được lựa chọn và sử dụng đến phụ huynh HS. Sở GD-ĐT đã phối hợp với Công ty Sách và Thiết bị trường học Khánh Hòa cung ứng đủ SGK lớp 1 năm học 2020 - 2021 cho các cơ sở giáo dục tiểu học trên địa bàn tỉnh trước ngày 20-8, không để xảy ra tình trạng thiếu SGK trước khi bước vào năm học mới. Riêng đối với các bộ SGK từ lớp 2 đến lớp 5, phụ huynh HS tự mua sắm cho con em mình.

Đối với tài liệu tham khảo, các trường đã thực hiện việc lựa chọn, mua sắm, quản lý và sử dụng theo Thông tư số 21 năm 2014 của Bộ GD-ĐT, lưu trữ đầy đủ hồ sơ; sau đó, thông báo cho cán bộ, giáo viên và cha mẹ HS; đồng thời báo cáo về các phòng GD-ĐT để theo dõi, kiểm tra và giám sát thực hiện.

Tuy nhiên, qua kiểm tra, Sở GD-ĐT nhận thấy vẫn còn một số trường chưa xây dựng quy định chi tiết về lựa chọn, mua sắm, quản lý và sử dụng xuất bản phẩm trong nhà trường; lúng túng trong thực hiện quy trình và hồ sơ lựa chọn sách... Đoàn kiểm tra đã nhắc nhở, tư vấn để các trường khắc phục thiếu sót. Sở cũng yêu cầu các phòng GD-ĐT tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc lựa chọn, sử dụng tài liệu tham khảo ở các trường, chỉ đạo bộ phận chuyên môn nhà trường tăng cường dự giờ, thăm lớp để hỗ trợ, tư vấn giáo viên sử dụng hiệu quả tài liệu, tránh lãng phí, tốn kém cho gia đình HS cũng như đảm bảo việc nâng cao chất lượng giáo dục.

H.Ngân

Nguồn Khánh Hòa: http://www.baokhanhhoa.vn/xa-hoi/giao-duc/202009/khong-ep-hoc-sinh-mua-tai-lieu-tham-khao-8184521/