Không được trao trả một người trở lại quốc gia có nguy cơ bị tra tấn

Bên cạnh việc quy định các quốc gia thành viên phải ngăn chặn không cho hành vi tra tấn xảy ra trên lãnh thổ quốc gia mình, Điều 3 của Công ước Chống tra tấn (Công ước) cũng đồng thời yêu cầu các quốc gia phải ngăn ngừa khả năng hành vi này sẽ được thực hiện đối với những người bị trục xuất, trao trả hoặc dẫn độ từ quốc gia mình.

Cụ thể, Điều 3 của Công ước quy định: Các quốc gia thành viên không được trục xuất, trao trả hoặc dẫn độ một người cho một quốc gia khác nếu có đủ căn cứ để cho rằng người này có nguy cơ phải chịu sự tra tấn ở quốc gia đó.

Để xác định có hay không tồn tại các căn cứ trên, các cơ quan có thẩm quyền phải xem xét mọi yếu tố có liên quan, bao gồm cả, tình trạng xâm phạm quyền con người một cách trắng trợn, thô bạo, thường xuyên hoặc trên diện rộng ở quốc gia có liên quan, nếu có thể.

Theo quy định nói trên, quốc gia thành viên không được trục xuất, dẫn độ, trao trả (gọi chung là trao trả) một người trở lại một nước mà ở đó người bị trao trả có nguy cơ bị tra tấn. Điều giới hạn này chỉ áp dụng trong trường hợp có cơ sở chắc chắn để tin rằng người bị trao trả có thể bị nguy hiểm do nguy cơ bị tra tấn.

Bản chất của nguyên tắc "không trao trả" thể hiện trong Điều 3 Công ước Chống tra tấn là một trong những biện pháp để ngăn ngừa tra tấn: Quốc gia không những không được phép tra tấn công dân hoặc những người dưới quyền tài phán của mình, mà còn không được phép buộc những người nước ngoài phải trở về hoặc tới một quốc gia khác, nếu người đó có nguy cơ bị tra tấn tại quốc gia đó.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Quy định “không trao trả” tại Điều 3 Công ước Chống tra tấn có tính chất tuyệt đối, giống như quy phạm về chống tra tấn, bởi vì: ngôn ngữ của Điều 3 Công ước không cho phép sự lựa chọn nào, không hoàn cảnh đặc biệt nào, dù là chiến tranh, rối loạn chính trị trong nước hay tình trạng khẩn cấp công cộng, có thể biện minh cho hành vi tra tấn, thậm chí quy định này còn cấm dẫn độ tới một nước mà từ đó người có liên quan có thể bị dẫn độ tới nước thứ ba có nguy cơ tra tấn.

Công ước không đưa ra khái niệm, chỉ dẫn thế nào được coi là căn cứ xác thực để tin rằng người đó sẽ bị tra tấn mà áp dụng trong từng trường hợp cụ thể, nếu lý do đó có sức thuyết phục hoặc có căn cứ để cho rằng ở nước đó có sự tồn tại việc xâm phạm quyền con người một cách trắng trợn, thô bạo.

Nguyên tắc “hoặc dẫn độ, hoặc truy tố” là một nguyên tắc phổ biến trong pháp luật quốc tế được sử dụng nhằm tránh bỏ lọt tội phạm. Theo nguyên tắc này, một quốc gia sẽ phải truy tố người đã thực hiện hành vi tội phạm nghiêm trọng nếu như không dẫn độ người này đến một quốc gia khác. Nguyên tắc này cũng đã được quy định tại các khoản 1 và 2 Điều 6 của Công ước như sau:

Khi người bị tình nghi thực hiện tội phạm quy định tại Điều 4 có mặt trên lãnh thổ của một quốc gia thành viên, sau khi kiểm tra thông tin về vụ việc và xét thấy cần thiết, quốc gia thành viên đó phải bắt giữ hoặc thực hiện những biện pháp hợp pháp khác cần thiết để đảm bảo sự có mặt của người này. Việc bắt giữ và các biện pháp hợp pháp khác phải tuân thủ pháp luật của quốc gia đó nhưng chỉ được thực hiện trong thời hạn cần thiết để tiến hành các thủ tục tố tụng hình sự hoặc dẫn độ.

Quốc gia đó phải tiến hành ngay hoạt động điều tra sơ bộ về sự việc.

Như vậy, quy định này yêu cầu các quốc gia thành viên khi có căn cứ cho rằng một người thực hiện hoặc có liên quan tới bất kỳ hành vi/tội phạm theo quy định của bất kỳ quốc gia thành viên nào, hiện đang có mặt ở trên lãnh thổ của mình thì phải tiến hành bắt giữ và thực hiện các biện pháp cần thiết khác như các biện pháp ngăn chặn, các biện pháp điều tra theo quy định của pháp luật nước mình.

Tuy nhiên, khoản 3 và 4 Điều 6 cũng quy định những biện pháp bảo đảm quyền của người bị bắt giữ, tránh trường hợp quốc gia mà họ đang hiện diện lạm dụng quyền hạn của mình: Người bị bắt giữ theo quy định tại khoản 1 Điều này phải được hỗ trợ để liên hệ ngay với người đại diện thích hợp gần nhất của quốc gia mà người đó là công dân, hoặc trong trường hợp người đó là người không quốc tịch thì liên hệ với đại diện của quốc gia mà người đó thường trú.

Khi quốc gia thành viên bắt giữ một người theo quy định của Điều này thì phải thông báo ngay cho các quốc gia liên quan quy định tại khoản 1 Điều 5 về việc bắt giữ cũng như những căn cứ của việc bắt giữ đó. Quốc gia thành viên đã tiến hành điều tra sơ bộ theo quy định tại khoản 2 Điều này phải thông báo ngay kết quả điều tra cho các quốc gia đã nêu trên và xác định rõ việc quốc gia đó có dự định thực thi quyền tài phán hay không.

Phú An

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.vn/khong-duoc-trao-tra-mot-nguoi-tro-lai-quoc-gia-co-nguy-co-bi-tra-tan-200760.html