Không được một phút 'quên' dịch COVID-19

Dịch ở chúng ta có thể đã có tín hiệu đáng mừng, nhưng dịch bệnh trên thế giới lại đang bước vào giai đoạn 'khủng hoảng' đáng sợ, chưa hề nguôi ngoai. Vậy nên, chống dịch vẫn phải như chống giặc, một phút cũng không được lơ là!

Theo xác nhận của nhà chức trách Hàn Quốc sáng 24/2, đã có thêm 161 ca nhiễm mới, nâng tổng số ca nhiễm dịch COVID-19 tại nước này lên 763 người; trong đó đã có 6 ca tử vong. Như vậy, Hàn Quốc đã trở thành nước có tổng số ca nhiễm cao nhất bên ngoài Trung Quốc.

Nhân viên y tế chuyển bệnh nhân nhiễm COVID-19 lên xe cứu thương tại thành phố Daegu, Hàn Quốc ngày 21/2/2020. Ảnh: AFP/TTXVN

Nhân viên y tế chuyển bệnh nhân nhiễm COVID-19 lên xe cứu thương tại thành phố Daegu, Hàn Quốc ngày 21/2/2020. Ảnh: AFP/TTXVN

Tổng thống Hàn Quốc ngày 23/2 cũng quyết định nâng cảnh báo về dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 lên mức cao nhất (mức đỏ).

Ở một động thái khác, nhiều quốc gia đã quyết định dừng nhập cảnh với công dân Hàn Quốc vì lo ngại dịch bệnh.

Du thuyền Diamon Princess neo đậu ở thành phố Yokohama, Nhật Bản, là một trong những "ổ dịch". Ảnh: AFP/TTXVN

Tại Nhật Bản, tính đến ngày 23/2, đã có 773 trường hợp nhiễm COVID-19, trong đó có 634 người trên du thuyền Diamond Princess và 14 công dân Nhật Bản trở về từ Vũ Hán. Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã chỉ thị cho nhóm đặc trách của chính phủ về dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 (nCoV) nhanh chóng soạn thảo một chính sách cơ bản mới, nhằm kiểm soát dịch bệnh nguy hiểm này.

Nhân viên y tế điều trị cho bệnh nhân tại bệnh viện Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc ngày 23/2/2020. Ảnh: THX/TTXVN

Thống kê tại Trung Quốc đến sáng 24/2, đã có 409 ca nhiễm mới và 150 ca tử vong do dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp (COVID-19) ở Trung Quốc đại lục trong ngày 23/2.

Dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 đã bước sang một giai đoạn mới. Tốc độ phát triển của dịch bệnh đã không dừng tại Trung Quốc, mà thêm hai nước châu Á đã trở thành ổ dịch. Cùng với đó, các quốc gia châu Âu cũng bắt đầu “khủng hoảng” vì dịch, nhiều nước phải tạm dừng các hoạt động tập trung đông người; nhiều quốc gia đã áp dụng các biện pháp khẩn cấp như cấm nhập cảnh, đóng cửa biên giới.

Trong một bối cảnh thế giới và khu vực như vậy, việc Việt Nam liên tục không có ca nhiễm mới từ ngày 13/2 đến nay, việc 16/16 bệnh nhân dương tính với virus Corona đều đã khỏi bệnh và ra viện, thật sự là một tín hiệu đáng mừng.

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã đánh giá cao năng lực Việt Nam trong việc xử trí các vấn đề y tế công cộng khẩn cấp và ghi nhận Việt Nam xử lý dịch COVID-19 rất tốt. Chính phủ đã khởi động hệ thống ứng phó ngay ở giai đoạn đầu của dịch - tăng cường giám sát, đảm bảo phòng ngừa và kiểm soát nhiễm khuẩn, quản lý ca bệnh tại các cơ sở y tế và tăng cường xét nghiệm bên cạnh thực hiện các hoạt động truyền thông và hợp tác đa ngành...

Theo thông tin từ Đại sứ quán Việt Nam tại Mỹ, phía Mỹ đã có những đánh giá tích cực đối với năng lực y tế của Việt Nam cũng như riêng khâu kiểm soát dịch COVID-19. Trung tâm phòng ngừa và kiểm soát dịch bệnh Mỹ (CDC) dự kiến cử đoàn công tác sang Việt Nam trong tháng 3-2020 để trao đổi hợp tác và thành lập Văn phòng CDC khu vực tại Việt Nam nhằm đối phó dịch COVID-19.

Bệnh nhân T.K.H, bệnh nhân cuối cùng nhiễm virus Corona tại TP Hồ Chí Minh, nhận giấy xuất viện, quà tặng từ lãnh đạo Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới và lãnh đạo Bộ Y tế ngày 21/2. Ảnh: Đinh Hằng/TTXVN

Có thể thấy, Chính phủ đã vào cuộc sớm, quyết liệt, làm rất tốt việc phòng chống dịch. Bản thân người dân chúng ta cũng đã có ý thức rất cao trong việc chống dịch, bảo vệ bản thân mình và cộng đồng. Việc khẩu trang y tế, nước rửa tay diệt khuẩn… “cháy hàng”, xét ở mặt tích cực, đã chứng minh tinh thần chống dịch của người dân Việt Nam.

Xã Sơn Lôi, huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc gồm 6 thôn: Ái Văn, Ngọc Bảo, Nhân Nghĩa, An Lão, Bá Cầu và Lương Câu với hơn 10.000 người,được khoanh vùng cách ly trong giai đoạn 1 là 20 ngày, kể từ 13/2/2020. Ảnh: Hoàng Hùng/ TTXVN

Nếu không có sự quyết liệt, không có ý thức cao như vậy từ từng người dân tới người đứng đầu Chính phủ, thì chắc chắn Bình Xuyên (Vĩnh Phúc) đã không thể sớm bình yên trở lại, mà nhiều khả năng sẽ trở thành một “ổ dịch” của châu Á, như tại thành phố Daegu (Hàn Quốc). Những biện pháp “chưa có tiền lệ” mà Việt Nam áp dụng trong việc phát hiện sớm, khoanh vùng, cách ly và điều trị… có những lúc đã bị phê phán là “thái quá”, nhưng cuối cùng đã mang lại sự bình yên nhất định cho chúng ta trong “bão” dịch hiện nay. Thời điểm ngày 1/2,Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 173/QĐ-TTg về việc công bố dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của vi rút Corona gây ra; khởi động hoàn bộ hệ thống chính trị vào cuộc, đã được chứng minh là cần thiết và đúng đắn!

Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, Trưởng ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch bệnh viêm đường hô hấp do chủng mới của virus Corona (COVID-19) gây ra, chủ trì cuộc họp triển khai các biện pháp phòng chống dịch sáng 24/2. Ảnh: Văn Điệp/TTXVN

Để có được một sự “bình yên trong bão dịch” của ngày hôm nay, là cả một hành trình không hề ngắn, không hề đơn giản. Những y bác sĩ ngày đêm chăm sóc người bệnh, ngày đêm nghiên cứu các chế phẩm để chống dịch. Những chiến sĩ quân đội ngày đêm canh gác đường mòn, lối mở ở biên giới để tránh trường hợp nhập cảnh trái phép. Những chiến sĩ nhường phòng ở của mình, ngày ngày nấu cơm phục vụ những người cách ly trở về từ vùng dịch… Những cuộc họp của Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch bệnh viêm đường hô hấp do chủng mới của virus Corona gây ra (COVID-19) được diễn ra từng ngày, cập nhật các biện pháp, chỉ đạo mới nhất, nhanh nhất. Một vấn đề là thời điểm cho học sinh, sinh viên trở lại trường học cũng được “nâng lên, đặt xuống”, cân nhắc rất kỹ lượng. Tất cả, đều vì sự an toàn của xã hội và mỗi cá nhân.

Thành quả đã đạt được, sự bình yên nhất định cũng đã trở lại với xã hội. Tuy nhiên, như những người đứng đầu đất nước và đứng đầu ngành y tế nhiều lần khẳng định, chúng ta không thể một phút lơ là, chủ quan với dịch. Hậu quả mà Hàn Quốc phải đổi mặt chỉ vì sự chủ quan của một người phụ nữ nhiễm bệnh tại nhà thờ của giáo phái Shincheonji (Daegu) là bài học “nhãn tiền”. Vậy nên, việc một thanh niên Bình Xuyên đi thăm bạn gái, đã khiến chính quyền địa phương phải cử xe “áp tải” về nơi cách ly của xã; cả gia đình bạn gái và những người ăn cơm cùng anh này cũng phải cách ly 14 ngày, là điều lẽ ra không nên xảy ra. Hay việc có những người trốn khỏi khu vực cách ly, cũng là điều đáng phê phán.

Đội cơ động phản ứng nhanh chống dịch viêm đường hô hấp do Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh (Bộ Y tế) Lương Ngọc Khuê làm Đội trưởng (thứ 2 từ phải sang) thăm hỏi nữ bệnh nhân dương tính với vi rút Corona tại Trung tâm Y tế huyện Bình Xuyên (Vĩnh Phúc). Ảnh: Hoàng Hùng/TTXVN

Cùng với đó, mỗi chúng ta cũng cần luôn “nêu cao cảnh giác”, không thể thấy dịch “vãn” mà chủ quan. Hiện tại, đã có rất nhiều người “quên” đeo khẩu trang trong thang máy, ra đường. Như buổi sáng nay, làm một thống kê xác suất nho nhỏ, cũng đã có tới 50% người đi trong thang máy của một chung cư lớn không đeo khẩu trang, tự do nói chuyện điện thoại, trao đổi; bất chấp biển cảnh báo trong thang máy. Hay việc rửa tay bằng nước sát khuẩn cũng đã không còn được duy trì thường xuyên. Khá nhiều nhà hàng, cửa hàng cũng xuất hiện tình trạng nhân viên không đeo khẩu trang, “hồn nhiên” buôn chuyện với khách…

Ý thức của việc chống dịch dường như cũng đã có dấu hiệu lơi lỏng, đây là điều rất đáng lo. Bởi chống dịch thì lâu, mà tái dịch thì rất nhanh và dễ dàng. Những thành quả bao người nỗ lực giành được, chỉ cần vì sự chủ quan của một vài đối tượng, cũng có thể “đổ xuống sông, xuống biển”.

Dịch ở chúng ta có thể đã có tín hiệu đáng mừng, nhưng dịch bệnh trên thế giới lại đang bước vào giai đoạn “khủng hoảng” đáng sợ, chưa hề nguôi ngoai. Vậy nên, chống dịch vẫn phải như chống giặc, một phút cũng không được lơ là!

Phạm Tuyết

Nguồn Tin Tức TTXVN: http://baotintuc.vn/goc-nhin/khong-duoc-mot-phut-quen-dich-covid19-20200224121614105.htm