Không được kỳ thị và phân biệt đối xử với trẻ em bị HIV/AIDS

Mỗi năm, nước ta ghi nhận khoảng 10.000 người nhiễm HIV mới, trong đó có rất nhiều trẻ em nhiễm HIV bị thiệt thòi vì sự kỳ thị.

Trẻ em nhiễm HIV được đảm bảo đầy đủ quyền học tập theo quy định

Trẻ em nhiễm HIV được đảm bảo đầy đủ quyền học tập theo quy định

Theo báo cáo của Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội, hiện nay cả nước có khoảng hơn 457 nghìn trẻ em bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS, trong đó có 9.757 trẻ nhiễm HIV/AIDS. Trong số này, hơn 50% số trẻ thuộc các gia đình nghèo và rất nghèo.

Thực trạng trẻ em bị nhiễm HIV/AIDS không được đối xử bình đẳng vẫn đang xảy ra. Mỗi năm, nước ta ghi nhận khoảng 10.000 người nhiễm HIV mới, trong đó có rất nhiều trẻ em nhiễm HIV bị thiệt thòi vì sự kỳ thị.

Điều 7 và 8 của Luật Phòng, chống HIV/AIDS nghiêm cấm hành vi kỳ thị và phân biệt đối xử với người bị nhiễm HIV; công khai tên, địa chỉ, hình ảnh của người nhiễm HIV hoặc tiết lộ cho những người khác mà không được người nhiễm đồng ý.

Điều 15 của Luật Phòng, chống HIV/AIDS cũng quy định cơ sở giáo dục không được: Từ chối tiếp nhận, kỷ luật, đuổi học học sinh, sinh viên, học viên vì lý do người đó nhiễm HIV; tách biệt, hạn chế, cấm đoán học sinh, sinh viên, học viên tham gia các hoạt động, dịch vụ của cơ sở vì lý do người đó nhiễm HIV.

Bản thân trẻ em nhiễm HIV/AIDS là những nạn nhân, vì vậy, các em rất cần sự chia sẻ, sự nâng đỡ của cộng đồng. Mọi người cần phải thay đổi suy nghĩ, hành vi kỳ thị và phân biệt đối xử của mình đối với trẻ em nhiễm HIV/AIDS.

Pháp luật cấm kỳ thị

Đảng và Nhà nước luôn quan tâm đến công tác chăm sóc, bảo vệ người bị nhiễm HIV/AIDS. Nhiều văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến công tác này đã được ban hành.

Thế nhưng, vẫn còn đó nhiều vi phạm về sự kỳ thị đối với trẻ nhiễm HIV, thậm chí cả những thầy cô giáo, cán bộ quản lý giáo dục đã vi phạm luật mà không biết. Sự cần thiết của việc phòng, chống phân biệt đối xử xuất phát từ những hậu quả của nó gây ra với các cá nhân, cộng đồng và toàn xã hội.

Về phương diện cá nhân, phòng, chống phân biệt đối xử có ý nghĩa đặc biệt quan trọng với việc bảo đảm cho mọi cá nhân được sống trong nhân phẩm và được hưởng thụ các quyền con người một cách bình đẳng như được luật pháp quốc tế và quốc gia ghi nhận. Theo nghĩa đó, phòng, chống phân biệt đối xử cũng chính là một biện pháp cơ bản để bảo đảm thực thi các quyền con người.

Về phương diện cộng đồng, phòng, chống phân biệt đối xử đóng vai trò quan trọng để ngăn ngừa và xóa bỏ những nguy cơ gây ra với cộng đồng từ sự hận thù, khủng bố, nổi loạn...

Nhiều nghiên cứu của các chuyên gia đã cảnh báo: Nếu không xóa bỏ được sự kỳ thị và phân biệt đối xử dẫn đến tình trạng người nhiễm HIV/AIDS bị hạn chế một số quyền cơ bản như quyền được chăm sóc sức khỏe, quyền được làm việc, quyền được học hành, quyền được tự do đi lại... thì con người không những không hạn chế được dịch HIV/AIDS mà còn làm cho dịch HIV/AIDS ngày càng trở nên khó kiểm soát hơn.

Phân biệt đối xử đẩy người nhiễm HIV/AIDS vào bóng tối, tạo ra tâm lý thù địch xã hội với nhiều người trong số họ, vì thế họ trở nên rất nguy hiểm với cộng đồng.

Không kì thị với trẻ em bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS

Đến trường là mong ước cháy bỏng của trẻ nhiễm và bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS.

Thời gian qua, các bộ, ngành, đặc biệt là Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội, Bộ GD&ĐT, Bộ Y tế đã cùng với cấp ủy, chính quyền các địa phương triển khai có hiệu quả “Kế hoạch Hành động Quốc gia vì trẻ em bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS đến năm 2010 và tầm nhìn 2020” theo Quyết định số 84/QĐ-TTg ngày 4.6.2009 của Thủ tướng Chính phủ, quyền học tập của trẻ em bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS được thực hiện đầy đủ hơn.

Hiện nay, công tác truyền thông giáo dục về Luật và kiến thức, kỹ năng phòng chống HIV/AIDS, các hoạt động thực hiện mục tiêu giảm kỳ thị và phân biệt đối xử với trẻ em bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS cũng được triển khai rộng khắp trên cả nước, giúp mọi người hiểu rõ bản chất vấn đề để vượt qua rào cản tâm lý.

Song song với việc tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, cần tuyên truyền tại buổi họp phụ huynh trong trường học, cho học sinh và bản thân các em nhiễm HIV về con đường lây nhiễm và cách phòng tránh HIV, cách chơi với bạn như thế nào để hai bên cùng được an toàn…

Bên cạnh đó, việc khơi dậy lòng nhân ái, sự đùm bọc yêu thương đối với những trẻ em không may bị nhiễm HIV là điều quan trọng để nhận thức, hiểu biết của người dân về trẻ em và HIV/AIDS đầy đủ, rõ ràng hơn.

Vẫn còn nhiều vướng mắc

Theo Vụ trưởng Vụ Công tác Học sinh, sinh viên, Bộ Giáo dục và Đào tạo Ngũ Duy Anh, bên cạnh những kết quả đạt được, vẫn còn nhiều khó khăn vướng mắc như hạn chế về nhận thức của một số cấp ủy Ðảng, chính quyền các cấp và cộng đồng về công tác phòng, chống HIV/AIDS, công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS.

Nhận thức của cán bộ, giáo viên và học sinh sinh viên đã được nâng cao nhưng chưa đầy đủ; đội ngũ cán bộ y tế trường học, làm công tác phòng, chống HIV/AIDS còn rất thiếu, bất cập về chất lượng và chế độ đãi ngộ; chưa có nhiều các dịch vụ tại cộng đồng, thiếu đội ngũ cán bộ xã hội trong chăm sóc tư vấn tâm lý cho trẻ em nói chung, trẻ em bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS nói riêng...

Việt Nam đã ký Công ước Quốc tế về Quyền trẻ em và ban hành Luật Phòng chống HIV/AIDS, theo đó, trẻ em có quyền được học hành và không bị phân biệt đối xử. Mọi hành vi gây cản trở quyền được học tập, quyền được hòa nhập và vui chơi giải trí của trẻ em nhiễm HIV là vi phạm pháp luật và cần được xử lý.

Hậu quả của kỳ thị, phân biệt đối xử là sự xa lánh, ruồng bỏ của cộng đồng khiến trẻ em nhiễm HIV/AIDS dễ bị tổn thương, không muốn tiếp cận với các dịch vụ tư vấn, chăm sóc và điều trị. Các em không tự tin, sống khép mình, thường lảng tránh bạn bè, ngại tiếp xúc với mọi người vì sợ bị phân biệt. Điều này càng làm tăng nguy cơ lây nhiễm ra cộng đồng.

Bách Hợp

Nguồn Tiền Phong: https://www.tienphong.vn/suc-khoe/khong-duoc-ky-thi-va-phan-biet-doi-xu-voi-tre-em-bi-hivaids-1768829.tpo