Không được 'ép' học sinh mua sách tham khảo

Cử tri tỉnh Nam Định băn khoăn việc số lượng các đầu sách, tài liệu bổ trợ quá nhiều gây khó khăn cho phụ huynh học sinh khi lựa chọn tài liệu phù hợp cho con em mình.

Ảnh minh họa/INT

Ảnh minh họa/INT

Về nội dung này, Bộ GD&ĐT cho biết: Theo quy định, sách giáo khoa được sử dụng chính thức để tổ chức dạy và học trong nhà trường. Ngoài ra, các nhà xuất bản còn xuất bản, phát hành sách tham khảo để giáo viên, học sinh tham khảo, sử dụng (không bắt buộc). Để quản lý, sử dụng sách tham khảo đúng mục tiêu giáo dục, bảo đảm hiệu quả, không gây áp lực, quá tải với học sinh, Bộ GD&ĐT đã có quy định giáo viên không được sử dụng sách tham khảo để dạy học và kiểm tra, đánh giá vượt quá yêu cầu của chương trình; không được “ép” học sinh mua sách tham khảo dưới bất kỳ hình thức nào.

Việc xuất bản, phát hành sách tham khảo do các nhà xuất bản thực hiện theo Luật Xuất bản và phải chịu trách nhiệm về nội dung, chất lượng. Sách tham khảo được bán ở hiệu sách (như các loại xuất bản phẩm khác) và được quản lý bởi các cơ quan chức năng (Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Công Thương, Bộ Công an…). Các nhà trường lựa chọn sách tham khảo mua cho thư viện trường để giáo viên, học sinh tham khảo, sử dụng phải chịu trách nhiệm về nội dung, chất lượng theo quy định tại Thông tư số 21/2014/TT-BGDĐT ngày 7/7/2014 của Bộ GD&ĐT quy định về quản lí và sử dụng xuất bản phẩm tham khảo trong các cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông và giáo dục thường xuyên (Thông tư 21).

Đồng thời, Bộ GD&ĐT đang từng bước khách quan hóa việc kiểm tra, đánh giá kết quả học tập, rèn luyện của học sinh (tách biệt với dạy học và kiểm tra, đánh giá thường xuyên). Việc này sẽ hạn chế giáo viên đưa các nội dung nâng cao trong sách tham khảo vào dạy học và kiểm tra, đánh giá khiến học sinh phải mua sách tham khảo; đồng thời, góp phần khắc phục việc dạy thêm, học thêm sai quy định.

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/goc-nhin/khong-duoc-ep-hoc-sinh-mua-sach-tham-khao-YG2a9T8MR.html