'Không được đến đám tang, tôi vĩnh biệt bạn trên sóng'

Kinh nghiệm của Codogno trong tháng qua là tìm cách khống chế sự lây lan của virus bằng cách kiềm chế người dân. Nó có thể gọi là 'phương pháp Codogno'.

Radio Red Zone chắc hẳn là đài phát thanh duy nhất chống dịch ở châu Âu. Nó phát thanh trong lòng chiến tuyến chống virus, phục vụ thính giả ở Codogno mắc kẹt trong vùng cách ly - nơi đã mang lại cho đài cái tên mang đậm màu sắc thời cuộc như vậy.

Thị trấn Codogno với 16.000 dân là nơi phát hiện "bệnh nhân số 1" của Italy.

Cách ly

Phát thanh viên của Radio Red Zone, ông Pino Pagani, 83 tuổi vẫn lên sóng thường xuyên để trấn an những người hàng xóm và giúp họ không hoảng loạn vì dịch bệnh, dù cho ông đã mất ba người bạn trong một tuần vì virus corona.

“Điều tồi tệ nhất là nỗi sợ hãi. Chúng ta sợ hãi nhau. Một ngày tôi gặp một người quen trên đường. Tôi vỗ vai ông ấy và nỗi sợ hãi dường như tan biến”, ông Pino chia sẻ.

 Pino Pagani. Ảnh: BBC.

Pino Pagani. Ảnh: BBC.

Thị trấn 16.000 dân của vùng Lombardy bỗng dưng trở thành chiến tuyến của đại dịch. Khi toàn bộ học sinh phải nghỉ học, địa phương đối mặt vấn đề không hề nhỏ. Một tháng sau, phân nửa trường học trên thế giới - với khoảng 850 triệu học sinh, đều đóng cửa, theo Unesco.

Ông Pino cho biết đường dây thông tin và điện thoại của đài phát thanh vẫn thông suốt để giữ cho mọi người khỏi cảm thấy cô đơn khi cuộc sống thường ngày đang bị ngưng trệ. Phụ huynh loay hoay với bọn trẻ nghỉ học ở nhà, nhiều người lo lắng về công việc và chăm sóc người thân.

“Họ tìm kiếm lời khuyên, họ muốn nghe giọng của chúng tôi. Họ nghĩ rằng nếu chúng tôi vẫn hoạt động, mọi việc sẽ ổn. Vậy nên, họ vẫn gọi tới cho chúng tôi”, ông Pino cho hay.

Vị phát thanh viên cho biết ông nhận được một cuộc gọi của thính giả lo lắng vì thân nhiệt cao, nhưng không có dụng cụ để kiểm tra và không muốn ra ngoài.

“Thế nên chúng tôi chuyển cuộc gọi tới dịch vụ bảo vệ dân sự và họ lập tức tới đo thân nhiệt cho vị thính giả đó ở nhà. Bà cảm thấy như trút được gánh nặng”.

“Chúng tôi cũng giải quyết những vấn đề thực tế. Chúng tôi thông tin tới thính giả những tiệm bánh nào mở cửa hay thời gian đóng cửa của siêu thị. Mọi người có thể dựa vào chúng tôi khi cần sự giúp đỡ”.

Tiệm Piazza della Repubblica không một bóng người ở Turin. Ảnh: Getty.

Mối lo lắng lớn nhất hướng về những người cao tuổi ở đất nước với dân số già thuộc hàng lớn nhất châu Âu này.

“Các con rất lo lắng cho tôi”, ông Poni - cụ ông góa vợ, chia sẻ.

“Gia đình tôi không muốn tôi ra khỏi nhà. Mỗi khi tôi ra ngoài, như tới dẫn chương trình ở đài phát thanh, các con đều chặn cửa và nói: “Cha đừng làm vậy, đừng làm việc đó nữa”.

Nhưng ông không nản lòng.

“Tôi đã sống cuộc đời của mình và trải qua nhiều thời điểm khó khăn. Tất nhiên tôi vẫn cẩn trọng khi ra ngoài, nhưng cuộc sống phải tiếp diễn thôi”, ông nói.

Tuy nhiên, đây vẫn là những ngày lạ lùng trong cuộc đời của cụ ông đã nếm trải nhiều thời gian khó khăn.

Một người bạn của ông qua đời, là đồng nghiệp ở chương trình phát thanh.

“Ông ấy là bạn thân của tôi, kém tôi ba tháng tuổi. Chúng tôi biết nhau từ hồi ở nhà trẻ và cùng lớn lên. Lần cuối cùng nói chuyện với nhau, ông ấy bảo không thể đến đài vì cảm thấy không khỏe”.

“Ông ấy nói rằng thân nhiệt cao và lo có thể lây bệnh cho chúng tôi. Bạn tôi còn nói đừng lo. Ông qua đời tuần trước và chúng tôi thậm chí không thể tới đám tang vì lệnh cấm tụ tập đông người”.

“Thế nên tôi vĩnh biệt bạn trên sóng”.

Trên tiền tuyến chống dịch

“Ngay lúc này, chúng tôi cảm thấy như đang ở trong những chiến hào, và tất cả đều sợ hãi”, Paolo Miranda, một y tá chăm sóc đặc biệt, ở bệnh viện duy nhất tại Cremona, nói với BBC.

Bệnh viện cách Codogno 28 km này chỉ dành để điều trị bệnh nhân nhiễm virus corona và sớm trở nên quá tải. Một bệnh viện dã chiến được xây dựng bên ngoài, để tiếp nhận thêm 600 bệnh nhân đang ở tạm bên trong.

“Mọi người gọi chúng tôi là những người hùng, nhưng tôi không cảm thấy như vậy”, Miranda nói.

Giống như nhiều đồng nghiệp của mình, y tá này làm việc trong những ca trực kéo dài 12 tiếng đồng hồ suốt tháng qua. “Chúng tôi là những người chuyên nghiệp, nhưng chúng tôi đang kiệt sức”.

Nhu cầu chữa trị quá lớn đang đè nặng trách nhiệm lên vai các nhân viên y tế giữa lúc các bệnh viện vật lộn với quy mô khổng lồ của đại dịch.

Những nhân viên y tế ở tuyến đầu chống dịch đang được coi là những người hùng ở Italy. Ảnh: BBC.

Hơn bốn tuần kể từ khi phát hiện “bệnh nhân số 1”, số ca nhiễm ở Italy đã tăng lên 53.578, với 4.825 ca tử vong.

Tới nay, ba phần tư trong tổng số ca tử vong ở châu Âu thuộc về Italy.

Riêng ở Lombardy có 319 người chết mỗi ngày.

Những gì các bệnh viện Italy đang trải qua được cho là bài học mà nhiều nước phương Tây đang phải nhìn nhận một cách nghiêm túc trong cuộc chiến chống dịch Covid-19.

Với những ai đang làm việc ở tuyến đầu chống virus, hiện thực quá khủng khiếp.

Trong 9 năm làm y tá, Paolo Miranda từng chứng kiến nhiều người chết - anh quen với điều đó. Tuy nhiên, điều khiến anh chấn động trong đại dịch lần này là chứng kiến quá nhiều người ra đi trong cô độc.

“Khi những bệnh nhân chết trong phòng chăm sóc đặc biệt, họ ở trong vòng tay gia đình. Đó là phẩm giá của cái chết của họ. Và chúng tôi ở đó để trợ giúp, đó là một phần công việc của chúng tôi”.

Thế nhưng, trong đại dịch này, gia đình và bạn bè bị cấm tới bệnh viện để phòng ngừa lây lan virus, điều đó có nghĩa là những bệnh nhân lớn tuổi không có ai bên cạnh.

Anna, một nhân viên y tế 24 tuổi tại một bệnh viện khác ở Lombardy nói rằng phải ở xa những người thương yêu nhất vào phút cuối là “điều khó khăn nhất”, không có ai ở bên “để nắm lấy bàn tay hay thì thầm đôi điều bên tai”.

Thật khó khăn cho những nhân viên ở bệnh viện của Cremona để bước tiếp, và họ vật lộn để gạt những nặng nề đó sang một bên.

“Tôi tan vỡ khi về nhà vào cuối ca trực. Khi lên giường ngủ, tôi tỉnh giấc nhiều lần trong đêm. Phần lớn đồng nghiệp của tôi cũng trải qua những cảm giác như vậy”, Miranda thổ lộ.

Anh quyết định ghi lại tình huống ảm đạm bên trong phòng chăm sóc đặc biệt bằng cách chụp ảnh. “Tôi không bao giờ muốn quên những gì xảy ra. Nó sẽ trở thành lịch sử”.

Trong những bức ảnh của mình, Miranda muốn lột tả sức mạnh của những đồng nghiệp của anh, nhưng cũng có cả những mong manh.

“Rồi một ngày nọ, một trong những đồng nghiệp của tôi bắt đầu hét lên và nhảy cuống cuồng hành lang. Cô ấy đã xét nghiệm virus corona và vừa phát hiện không nhiễm bệnh. Bình thường cô ấy rất điềm tĩnh, nhưng cô ấy đã rất sợ hãi và không thể kiềm chế được sự vui mừng khi nhận kết quả. Cô ấy cũng là con người.

Miranda nói rằng anh đang sống sót bằng hỗn hợp adrenaline và sự trợ giúp của những đồng nghiệp.

“Đôi khi, một số người trong chúng tôi suy sụp, chúng tôi cảm thấy tuyệt vọng, rơi nước mắt vì cảm thấy bất lực khi bệnh tình của người bệnh không cải thiện".

Khi điều đó xảy ra, các thành viên khác trong đội lập tức bước lên để giúp đỡ. “Nếu không, chúng tôi sẽ phát điên mất”.

Tình hình đang bắt đầu tác động trực tiếp lên đội ngũ nhân viên y tế trên cả nước.

“Tại một số điểm, chúng tôi sẽ phải đứng trước lựa chọn điều trị cho ai và không thể cứu bệnh nhân nào. Đây là mối lo lớn nhất”, Martina chua xót. Anh là một y tá chăm sóc tích cực trong bệnh viện ở Massa Carrara thuộc Tuscany.

“Tình cảnh đó thật đáng sợ, cả về thể chất và tâm lý”.

Phương pháp Codogno

Kinh nghiệm của Codogno trong tháng qua là tìm cách khống chế sự lây lan của virus bằng cách kiềm chế người dân. Nó có thể gọi là “phương pháp Codogno".

Tuy nhiên, với một miền đất như Italy, việc thúc ép người dân tuân thủ tới đâu là vấn đề không nhỏ.

Bà Melissa Leach, Giám đốc Viện Nghiên cứu Phát triển, tại Đại học Sussex, người đã làm việc trong cuộc chiến chống dịch Ebola, cho biết: “Các biện pháp y tế công cộng từ trên xuống dưới sẽ không có tác dụng nếu chúng không có được sự hợp tác của cộng đồng”.

“Bạn phải hiểu nỗi sợ và lo lắng của mọi người”, bà Leach nói, “và hiện tại tâm trạng của công chúng bị chi phối bởi sự bấp bênh”.

Theo lời vị chuyên gia, cần phải có một cách tiếp cận được “nhân bản hóa”, trong đó thừa nhận những nghi ngại về đạo đức, quyền lợi và công lý, thay vì sục sạo thô bạo đối với cảm xúc của mọi người.

Ở Italy, đã có những chỉ dẫn nghiêm ngặt để hạn chế di chuyển, trong khi cách tiếp cận của Anh lại thiên về hướng dẫn tự nguyện.

“Điều đó khác xa các chính phủ khác”, cựu bộ trưởng nội vụ Anh Charles Clarke, người từng đảm nhiệm lập kế hoạch ứng phó các thảm họa như đại dịch và tấn công khủng bố, cho biết.

Theo phân tích của ông Clarke, điểm khác biệt chủ chốt là mức độ chính phủ Anh theo hướng các lời khuyên khoa học. Điều này thể hiện một cách trực quan ở chỗ khi thủ tướng phát biểu, xung quanh ông có một đội ngũ cố vấn chuyên gia.

“Những lời lẽ của các chính trị gia sẽ không bao giờ trấn an được mọi người. Họ cho rằng các chính trị gia có các động cơ khác”, ông Clarke nói.

Vị cựu quan chức ủng hộ chính sách bám sát các bằng chứng khoa học và cho rằng sẽ có kế hoạch và diễn tập rất chi tiết cho từng bước được thực hiện, bao gồm cả ngôn ngữ về cách thức trình bày.

Chẳng hạn, một cụm từ như “tự cách ly”, mở ra một lựa chọn tích cực của mọi người và không phải thứ gì đó do chính phủ áp đặt.

Tuy nhiên, với những ai ở Lombardy có gia đình đang phải chống chịu dịch bệnh, có những mối lo lắng cấp bách hơn.

Maria Vittoria Falchetti - con gái của người sáng lập công ty link kiện xe hơi ở Codogno, đang gồng gánh công ty MTA của gia đình trở lại hoạt động - trong khi nỗi buồn mất mát người cha vì Covid-19, vẫn chưa nguôi ngoai. Hoạt động sản xuất hiện được nối lại ở Codogno và một nhà máy ở Thượng Hải. Đây là ví dụ khác về sự kết nối ngay cả một thị trấn nhỏ với nền kinh tế toàn cầu.

Maria nói rằng cha cô ở bên kia thế giới hẳn sẽ tự hào về việc đội ngũ lao động ở Codogno đã trợ giúp đắc lực như thế nào.

Những nhân viên giờ đây đứng cách xa nhau, họ kiểm tra thân nhiệt và được tặng găng tay, khẩu trang - những vật dụng đã trở thành biểu tượng của đại dịch.

Đây là cuộc sống tiếp diễn của những người ở lại sau dịch bệnh.

Người sáng lập của doanh nghiệp - cha của Maria, đã ra đi đột ngột.

“Cha tôi bị sốt và khó thở. Xe cứu thương đưa ông tới bệnh viện và tôi không còn được gặp lại ông. Ông ra đi một mình”, Maria kể lại. “Họ không cho chúng tôi tới thăm ông”.

Maria kể rằng cô cảm thấy “sợ hãi và kinh ngạc với những gì xảy ra”.

Thậm chí cả khi “sự bình thường” quay lại, không còn gì trở lại như cũ nữa”, Maria xót xa.

Dịch Covid-19 biến đổi thế giới như thế nào? Sau lệnh cách ly ở Italy, những con kênh Venice trở nên trong vắt và thơ mộng hơn. Các điểm nóng du lịch tại Pháp bị bỏ hoang vì dịch Covid-19.

Đỗ Quyên

Nguồn Znews: https://news.zing.vn/phuong-phap-codogno-nhat-ky-chong-dich-tu-vung-so-0-cua-italy-post1062765.html