Không được để người bệnh gặp khó

Khi nói đến 'giữa' người ta thường sẽ liên tưởng tới một vị trí an toàn, được bao bọc, chở che. Nhưng điều này lại không đúng với những bệnh nhân khám chữa bảo hiểm y tế (BHYT) hiện nay. Trước con số bội chi quỹ BHYT gia tăng với tốc độ phi mã cơ quan BHXH đã đưa ra những quy định khá rắn để siết lại.

Tuy nhiên việc làm này của BHXH Việt Nam đã gặp phải sự phản đối từ phía Bộ Y tế. Không chỉ tố ngành BHXH làm khó mà nhiều bác sỹ còn tố BHXH không có chuyên môn nhưng lại can thiệp sâu vào chuyên môn. Khi cuộc tranh luận chưa có hồi kết người bệnh ở giữa chỉ biết ngậm ngùi.

Ảnh minh họa.

Ngày 19/10 để tìm được tiếng nói chung, Bộ Y tế và cơ quan BHXH Việt Nam đã “ngồi” với nhau thảo luận nhằm giải quyết những vướng mắc trong khám bệnh, chữa bệnh BHYT trong thời gian qua. Không phải lần đầu tiên hai bên phối hợp nhưng lần đầu tiên cuộc họp đã diễn ra với không khí khá căng thẳng.

Mở đầu cho bài phát biểu của mình, ông Dương Tuấn Đức- giám đốc Trung tâm giám định BHYT và thanh toán đa tuyến khu vực phía Bắc, BHXH Việt Nam thẳng thắn cho rằng, tình trạng trục lợi, lạm dụng Quỹ BHYT vô cùng nghiêm trọng.

Đáng lưu ý nhiều cơ sở y tế tránh vượt trần bằng cách chia nhỏ ngày điều trị, tính thêm ngày giường bệnh nhân ra viện. Đặc biệt, khi thực hiện giám định chuyên đề tại 5 bệnh viện lớn trên địa bàn Hà Nội gồm: Việt Đức, Xanh Pôn, Đại học Y Hà Nội, Phụ sản Trung ương và Phụ sản Hà Nội cho thấy những bệnh viện này đã thực hiện tách các dịch vụ y tế để thanh toán BHYT khoảng 33 tỷ đồng và thu thêm của người bệnh hơn 4 tỷ đồng.

Tệ hơn, qua giám định việc tách dịch vụ, BHXH nhận ra không ít vấn đề vô lý, bất cập, như: Có bệnh nhân đi cắt đến hai túi mật, hai đại tràng, có tới hai ổ bụng, lấy thai lần đầu nhưng có hai thai, cắt hẹp tới hai bao quy đầu; ba ngày bệnh nhân lại mọc giả mạc/lần...

Trước những bằng chứng của cơ quan BHXH, phía Bộ Y tế lại đưa ra những ý kiến cho rằng BHXH đang làm khó nhiều bệnh viện.

Cụ thể ông Đặng Hồng Nam, Phó Vụ trưởng Vụ BHYT, Bộ Y tế cho biết, việc thanh toán khám chữa bệnh BHYT đang có nhiều khó khăn, thậm chí nhiều bệnh viện bị từ chối xuất toán.

Dẫn chứng cho việc này, ông Nam cho biết có bệnh nhân chụp CT không phát hiện tổn thương, nhưng sau đó được phát hiện nhồi máu não nhờ chụp cộng hưởng từ (MRI) bị BHXH từ chối xuất toán chụp CT mà chỉ thanh toán chụp MRI.

Đại diện Vụ BHYT cũng cho rằng một số nội dung trong hợp đồng khám chữa bệnh giữa các bệnh viện với cơ quan bảo hiểm hiện chưa đúng với quy định.

Hầu hết tạm ứng của BHXH không đúng thời gian và không đủ số tiền cho các bệnh viện. Đồng thời việc cập nhật thông tin trên hệ thống Cổng thông tin giám định điện tử của BHXH còn nhiều bất cập khiến nhiều bệnh viện không xuất toán được, đặc biệt đội ngũ giám định viên của BHXH thường xuyên thay đổi quy tắc giám định nhưng không thông báo với ở các Sở Y tế dẫn đến cơ sở áp sai quy tắc.

Có một thực tế không thể phủ nhận là thời gian gần đây việc tham gia BHYT đã mang lại rất nhiều lợi ích thiết thực cho người dân, nhất là các gia đình có mức thu nhập thấp khi chẳng may đau ốm.

Vì vậy, những năm qua, nhiều chính sách về BHYT đã được đưa ra nhằm tăng thêm quyền lợi cho người có thẻ BHYT trong việc khám, chữa bệnh.

Những chính sách này đã tạo điều kiện thuận lợi, giúp người có thẻ BHYT dễ tiếp cận với các cơ sở khám, chữa bệnh, nên việc khám, chữa bệnh bằng thẻ BHYT tăng và Quỹ BHYT chi trả tăng là tất yếu.

Chính vì vậy mục tiêu chính sách BHYT toàn dân gần cán đích dù theo lộ trình vẫn còn tới 3 năm. Song vì nhiều nguyên nhân câu chuyện bội chi quỹ BHYT đang là vấn đề nóng gây bức xúc dư luận.

Với chức năng của mình để không để tình trạng bội chi quỹ BHYT xảy ra cơ quan BHXH cho rằng, cần phải siết chi nếu không sẽ dẫn đến bội chi quỹ BHYT và khi đó quyền lợi người khám, chữa bệnh BHYT sẽ bị thiệt.

Ngành y tế đứng ở góc độ mình cũng đưa ra hàng loạt dẫn chứng tố ngành bảo hiểm gây khó. Hệ quả là hai bên căng thẳng nhau và cuối cùng trong mối quan hệ “tay ba”: BHXH - Y tế - người bệnh, thì rõ ràng người bệnh đang chịu thiệt thòi nhất.

BHXH muốn giữ tiền cho chắc theo đúng quy định, ngành y tế muốn chăm sóc sức khỏe cho nhân dân tốt nhất xét trên cả 2 góc độ “lý - tình” đều hợp lý nhưng nếu không có các giải pháp tháo gỡ triệt để thì sớm muộn người dân sẽ quay lưng với chính sách BHYT.

Thực tế vấn đề đặt ra lúc này là hai bên phải nhìn rõ vào sự thật rằng nguồn quỹ đang hạn hẹp và tìm cách giải quyết những vấn đề bất cập hiện nay.

Thầy thuốc hết lòng vì bệnh nhân, kê thuốc tốt nhưng trong điều kiện chưa chi trả được, phải có khống chế. Các chính sách xã hội hóa y tế mở ra, vấn đề đặt máy móc liên doanh, liên kết ngày càng mở rộng, nhưng khi khám bệnh cho người dân, bác sĩ cần phải nâng cao y đức, xem xét cái gì nên làm.

Ngành y tế phải sửa ngay các văn bản để thực hiện theo đúng pháp luật, bên cạnh đó là giải quyết xong việc ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, chi trả BHYT.

Còn phía cơ quan BHXH cùng với việc siết chi cũng cần nâng cao năng lực trong giám định để không để lọt những bệnh án của người bệnh. Nếu làm được điều này sẽ giảm nhiều nhân lực và công tác quản lý, bảo toàn quỹ.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội Bùi Sỹ Lợi cũng cho rằng, cả ngành y tế và bảo hiểm đều đang có vấn đề và “áp đặt” nhau dẫn đến người bệnh sẽ chịu khổ.

Trách nhiệm của chúng ta là vì dân. Tại sao lại để xảy ra tình trạng trên? Thay vì đổ lỗi cho nhau hai ngành cần ngồi với nhau để chia sẻ đến tận cùng vấn đề. Có như thế người bệnh mới có niềm tin vào chính sách BHYT.

Lê Minh Long

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/tin-tuc/goc-nhin-dai-doan-ket/khong-duoc-de-nguoi-benh-gap-kho-383281