Không được dễ dãi trong đào tạo, sát hạch cấp GPLX

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho rằng, quan tâm đến chất lượng công tác đào tạo, sát hạch cấp giấy phép lái xe (GPLX) cũng chính là quan tâm đến tính mạng người dân nên không được phép dễ dãi.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể chủ trì cuộc họp về công tác đào tạo, sát hạch và cấp GPLX chiều 15/8

Ứng dụng công nghệ, giám sát chặt cả đào tạo lẫn sát hạch

Chiều qua (15/8), Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể chủ trì cuộc họp về công tác đào tạo, sát hạch và cấp GPLX.

Tại đây, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ VN Phan Thị Thu Hiền cho biết, giáo trình đào tạo lái xe hiện nay đã tham khảo của Hàn Quốc, có các tình huống như lái xe qua đường dốc, qua đường giao nhau, qua đường sắt… Thời gian qua, các cơ quan đã tiếp tục tham khảo thêm nhiều giáo trình của Nhật Bản, Mỹ, Singapore để bổ sung, cập nhật các kiến thức mới về xe ô tô, hệ thống báo hiệu đường bộ cũng như các nội dung liên quan đến đạo đức người lái xe, văn hóa giao thông; Bổ sung kỹ năng xử lý các tình huống tiềm ẩn nguy cơ xảy ra TNGT còn thiếu như: Lái xe tại các nút giao phức hợp, điểm ra vào đường cao tốc; Kỹ năng lái xe an toàn trên các tình huống giao thông khác nhau như hầm đường bộ, lên xuống phà, cầu phao, cầu vượt sông lớn và kỹ năng vượt xe an toàn…

Ngay trong tháng 8, Tổng cục Đường bộ VN sẽ tổ chức Hội thảo xin ý kiến về giáo trình đào tạo lái xe và bộ câu hỏi thi. Dự kiến, giáo trình mới sẽ được ban hành vào tháng 10/2018. Từ tháng 11 năm 2019 sẽ chuyển thành giáo trình điện tử để thuận lợi cho công tác giảng dạy và học tập của học viên.

Cũng theo bà Hiền, các đơn vị đang tiếp tục xây dựng phần mềm 3D mô phỏng các tình huống, mô hình giao thông mới như hầm, đường cao tốc, đường đèo dốc, nút giao phức hợp, cầu vượt nhiều tầng để bổ sung vào chương trình đào tạo.

“Yêu cầu phòng học kỹ thuật lái xe phải bổ sung thiết bị mô phỏng tập lái xe cũng đã được đưa vào dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định số 65 quy định điều kiện kinh doanh dịch vụ đào tạo lái xe ô tô và dịch vụ sát hạch lái xe”, bà Hiền thông tin.

Đề xuất giữ nguyên thời gian học thực hành lái xe (hạng B1 số tự động phải học đủ 68 giờ và 1.000km, hạng B1, B2 phải học đủ 84 giờ và 1.100km, hạng C phải học dù 94 giờ và 1.100km, hạng D, E, FC phải học đủ 28 giờ và 380km) nhưng Tổng cục Đường bộ VN khẳng định, sẽ ứng dụng công nghệ để giám sát chặt thời gian học lý thuyết, thời gian và số kilômét học thực hành lái xe trên đường của mỗi học viên.

Liên quan đến công tác sát hạch lái xe, Vụ Tổ chức cán bộ (Bộ GTVT) đề nghị tăng số lượng câu hỏi trong bộ câu lý thuyết từ 450 câu lên 500 câu song song với việc tăng số lượng câu hỏi trong mỗi bài thi. Hình ảnh trong phòng sát hạch lý thuyết cũng như hình ảnh một số bài sát hạch lái xe trong sân sát hạch phải được kết nối đến các Sở GTVT và các cơ quan quản lý để có thể theo dõi, giám sát trực tiếp.

Đặc biệt, quy định sát hạch lái xe trên đường giao thông công cộng sẽ được sửa đổi theo hướng tăng từ 2km lên 3km. Cùng đó, sẽ quy định xây dựng phần mềm mô phỏng 3D, cabin điện từ để sát hạch lái xe trên đường giao thông đảm bảo có đủ tình huống như: Khu đông dân cư, khu vực nút giao, đường đèo, đường cao tốc, điểm giao cắt giữa đường bộ và đường sắt… và vào các thời điểm khác nhau, nhất là giờ cao điểm để có cơ sở đánh giá kỹ năng lái xe của học viên.

Cho rằng với những thay đổi trên, chất lượng đào tạo, sát hạch, cấp GPLX sẽ tăng lên, Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ VN Nguyễn Văn Huyện cũng cho biết, sẽ “không làm tăng kinh phí đào tạo với học viên”. Ông Huyện nhắc tới hàng loạt những quy định mới đảm bảo chất lượng học và hành như giám sát việc học của học viên bằng vân tay, khi sát hạch lý thuyết, thực hành, giáo viên, học viên không được mang theo điện thoại, việc học và sát hạch lái xe trên đường trường sẽ được quản chặt bằng thiết bị giám sát hành trình…

Quản chặt đầu ra, lái xe thực sự tốt mới có thể lấy bằng

Khẳng định quan tâm đến công tác đào tạo, sát hạch cấp GPLX cũng chính là quan tâm đến tính mạng người dân, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể nói: “Những vụ TNGT xảy ra thời gian qua ít nhiều đều có liên quan đến chất lượng đào tạo. Chúng ta chưa trang bị cho lái xe đầy đủ về kiến thức, kỹ năng và cả ý thức lái xe. Cơ sở đào tạo lái xe còn vi phạm thì làm sao học viên có chất lượng tốt”.

Cũng theo Bộ trưởng, dễ dãi trong việc sát hạch cấp GPLX là không thể chấp nhận. Phải làm sao để những người được cấp GPLX đều phải lái rất tốt, có được bằng lái xe là rất hãnh diện. Do đó, việc kiểm soát đào tạo không hiệu quả bằng kiểm soát đầu ra. Các cơ quan chức năng cần tiếp tục nghiên cứu đổi mới công tác sát hạch cả về học lý thuyết và thực hành.

“Phải giám sát cả chương trình, thời gian và chất lượng dạy học. Cần kiểm tra lại nội dung giáo trình xem đã đầy đủ chưa, chất lượng như thế nào. Kế đó, cần kiểm tra, giám sát chất lượng giáo viên; Giám sát học viên học có đầy đủ, nghiêm túc hay không”, Bộ trưởng nói, đồng thời nhấn mạnh các giải pháp như gắn thiết bị giám sát hành trình trên xe, quản lý giờ học thông qua dấu vân tay; Lắp camera toàn bộ phòng thi lý thuyết, đảm bảo không có góc khuất, điểm mù.

Đối với thực hành, tại phần thi trên sa hình cần phân loại những lỗi tuyệt đối không được vi phạm, nếu vi phạm là đánh trượt. Tương tự, phần thi trên đường trường cũng cần trừ điểm thật nặng, làm thật nghiêm cũng như làm rõ một số lỗi nếu vi phạm là đánh trượt.

Về bộ đề thi, Bộ trưởng yêu cầu tăng số lượng câu hỏi, điều chỉnh giảm thời gian thi lý thuyết. Điểm lý thuyết phải đạt gần như tuyệt đối. Cùng đó, các cơ quan liên quan cần nghiên cứu sửa đổi Nghị định 46 về xử phạt hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ theo hướng tăng nặng, đã vi phạm là xử lý nghiêm.

“Các trung tâm vi phạm quy định về đào tạo, sát hạch lái xe phải bị phạt nặng. Cá nhân vi phạm ngoài việc phạt hành chính cần nghiên cứu quy định cấm hành nghề, thậm chí cấm hành nghề trọn đời”, Bộ trưởng chỉ rõ.

Thanh Bình

Nguồn Giao Thông: http://www.baogiaothong.vn/khong-duoc-de-dai-trong-dao-tao-sat-hach-cap-gplx-d268394.html