Không được chủ quan lơ là với cơn bão số 16

Chỉ đạo ứng phó bão Tembin ngay tại hiện trường, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu, không để xảy ra bị động, bất ngờ, phải đảm bảo lực lượng, phương tiện ứng phó kịp thời mọi tình huống xảy ra.

Sau chuyến thị sát tại huyện Trần Đề (Sóc Trăng), phường Nhà Mát, TP Bạc Liêu (Bạc Liêu) Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng tiếp tục có chuyến thị sát về công tác phòng chống bão số 16 (bão Tembin) tại tỉnh Cà Mau.

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng thị sát tại Sông Đốc.

Cà Mau không được chủ quan lơ là

Đến Cà Mau, Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng đi thẳng xuống thị trấn Sông Đốc, huyện Trần Văn Thời cửa biển quan trọng nhất của tỉnh Cà Mau, nơi có số lượng lớn tàu bè đang neo đậu để tránh bão. Có mặt tại cửa biển Sông Đốc, Phó Thủ tướng lên tàu kiểm tra công tác sắp xếp tàu bè tránh bão và hoạt động giằng néo nhà cửa của người dân.

Sau khi trực tiếp kiểm tra công tác ứng phó bão tại cửa biển Sông Đốc, Đoàn công tác đã có buổi làm việc với tỉnh Cà Mau.

Báo cáo với Phó Thủ tướng và đoàn công tác, ông Nguyễn Tiến Hải, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau cho biết, đến hiện tại đã kiểm đếm được tất cả 3.465 tàu thuyền trên địa bàn.

Do đánh bắt xa bờ nên đã có 31 phương tiện với 211 thuyền viên đã vào Thái Lan để xin tránh bão; 94 phương tiện với 705 thuyền viên phải vào Malaysia để xin tránh bão. Còn lại các tàu đã được kêu gọi vào bờ tránh trú bão.

Về sơ tán dân, Cà Mau xác định có hơn 126.000 người dân cần di dời, hiện đã di dời 56.000 người. Số còn lại vẫn đang tiếp tục di dời. Tỉnh cũng đã cho học sinh nghỉ học từ sáng nay.

Cà Mau thực hiện chằng chống nhà cho hơn hơn 89.000/104.000 hộ dân. Triển khai gia cố các 8 điểm sạt lở đặc biêt biệt nghiêm trọng, được đánh giá có nguy cơ gây vỡ đê, với chiều dài hơn 2.000 . Ngoài ra, về vấn đề y tế, điện,...

Một số người dân nuôi tôm tại Cà Mau cho biết, mặc dù đã tới thời điểm thu hoạch nhưng hiện nay không có thương lái và các nhà máy chế biến tôm trên địa bàn cũng đã nghỉ nên không thể thu hoạch tránh bão được.

Phát biểu tại buổi làm việc, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường cho biết, việc nước ta đón đến 16 cơn bão trong năm nay là điều bất thường. Hiện tượng bất bình thường trong biến đổi khí hậu ngày càng rõ. Trước hiện tượng dị thường của thời tiết, các địa phương cần phải có tinh thần sẵn sàng ứng phó với biến đổi khí hậu.

Đánh giá cao công tác chuẩn bị, ứng phó với cơn bảo số 16, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng nhấn mạnh, các ngành, các cấp, các lực lượng đã chủ động, quyết liệt và sáng tạo trong công tác ứng phó với mưa bão. Tuy rằng, theo dự báo cường độ cơn bão số 16 có giảm nhưng vẫn còn ảnh hưởng tới khu vực các tỉnh Nam Bộ. "Dù cơn bão không trực tiếp vào đất liền, nhưng chúng ta không thể chủ quan".

Phó Thủ tướng yêu cầu, không để xảy ra bị động, bất ngờ, phải đảm bảo lực lượng, phương tiện ứng phó kịp thời mọi tình huống xảy ra. Thực hiện nghiêm việc cấm biển, tiếp tục rà soát triệt để tàu thuyền trên biển, khổng để bất cứ tàu thuyền nào còn trên biển. Kiểm tra lại việc tránh trú của tàu, thuyền. Sơ tán triệt để người dân đến khu vực an toàn, tránh để người dân quay lại vùng xung yếu. Kiểm tra khu nuôi trồng thủy sản, giảm thiểu tối đa thiệt hại cho nhân dân.

Lực lượng Công an, Quân đội giữ vai trò nồng cốt, sẵn sàng, chủ động ứng cứu, hỗ trợ địa phương khi cần thiết. Tiếp tục theo dõi kĩ diễn biến của bão số 16. Chú trọng khắc phục hậu quả, đảm bảo an toàn cho người dân sau bão…

Tàu bè neo đậu tại cửa biển Sông Đốc.

Hậu Giang sơ tán hàng chục ngàn dân

Chiều tối 25/12, Văn phòng Thường trực Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai tỉnh Hậu Giang cho biết tính đến 17h hôm nay (25/12), toàn tỉnh đã thu hoạch 50.000 ha lúa và gần 7.000 ha thủy sản để tránh bão số 16.

Toàn tỉnh cũng đã tiến hành sơ tán tại chỗ 22.973 người dân (kế hoạch dự kiến 880.591 người), số lượng dự kiến sơ tán đi nơi khác là 15.327 người.

Công tác chằng chống nhà cửa đã thực hiện được 16.250 nhà trong tổng số 172.864 nhà (bao gồm cả nhà bán kiên cố) theo kế hoạch chằng chống. Mọi công tác vẫn đang tiếp tục được thực hiện khẩn trương.

Ông Võ Thanh Mộng, Chánh văn phòng Sở GD&ĐT Hậu Giang cho biết học sinh trong toàn tỉnh được cho nghỉ học hai ngày 25 và 26/12, để truyền tải nhanh chóng và kịp thời, sở đã điện thoại trực tiếp đến các phòng của các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh yêu cầu thực hiện theo chỉ đạo.

Cũng trong ngày 25/12, lãnh đạo UBND tỉnh Hậu Giang đã hỏa tốc yêu cầu giám đốc các sở, ban ngành, đơn vị và chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo bộ phận chuyên môn triển khai khẩn cấp các chỉ đạo của trung ương và của tỉnh về ứng phó bão Tembin: kiểm tra nghiêm ngặt các tuyến đò dọc, đò ngang, đảm bảo ngưng hoạt động từ trưa ngày 25 đến hết ngày 26/12; tổ chức thực hiện di dời dân đến nơi trú bão, đặc biệt là các hộ dân dễ bị tổn thương, kêu gọi nhân dân chằng chống nhà cửa, phát quang cây cối, khai thông dòng chảy, chủ động trong công tác phòng ngừa.

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng phát biểu tại buổi làm việc với Cà Mau.

UBND tỉnh giao Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh, UBND huyện Châu Thành, Châu Thành A, thị xã Ngã Bảy, thị xã Long Mỹ và thành phố Vị Thanh chỉ đạo các doanh nghiệp đang sản xuất kinh doanh trên địa bàn tỉnh tạm ngưng hoạt động sản xuất kinh doanh từ 17h ngày 25/12 đến hết ngày 26/12 nhằm đảm bảo an toàn cho công nhân; tạm ngưng hoạt động bốc dỡ hàng hóa tại các bến cảng từ 13h ngày 25/12 đến hết ngày 26/12.

Khuyến cáo các doanh nghiệp đang hoạt động hệ thống xử lý nước thải có công suất lớn (trên 400m3/ngày đêm) cử cán bộ chuyên môn theo dõi sát quá trình vận hành trạm xử lý nước thải, kịp thời nắm bắt thông tin, sẵn sàng phản ứng, xử lý tình huống bất ngờ liên quan đến sự cố về môi trường.

Khi xảy ra sự cố về môi trường (đặc biệt về điện, cháy nổ, sự cố hóa chất tại trạm xử lý nước thải…) thì triển khai ngay lập tức các biện pháp ứng phó sự cố môi trường theo nội dung ĐTM đã được duyệt.

Quốc Trung - Gianh Lam

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/moi-truong/khong-duoc-chu-quan-lo-la-voi-con-bao-so-16-tintuc390040