Không được chia tiền bán vé, cháu nội Vua Mèo muốn đóng cửa dinh thự được không?

Trả lời báo chí bên hành lang Quốc hội về việc cháu nội Vua Mèo dự kiến đóng cửa dinh thự họ Vương vào ngày 15/6 tới với lý do chưa thống nhất về phân chia nguồn lợi từ bán vé, đại biểu Phạm Tất Thắng cho rằng đề nghị của dòng họ là 'hợp lý'.

Cơ quan quản lý cần quan tâm tới đề xuất của gia đình họ Vương để vừa bảo tồn vừa phát huy được di tích”, đại biểu Phạm Tất Thắng nêu.

Sẽ đóng cửa dinh thự Vua Mèo từ 15/6

Ông Vương Duy Bảo, cháu nội vua Mèo Vương Chí Thành cho biết, dự kiến ngày 15/6, ông sẽ "đóng cửa" khu dinh thự họ Vương ở Đồng Văn, Hà Giang. Lý do ông Bảo đưa ra là hai năm nay, chính quyền không đầu tư tu sửa khiến khu dinh thự xuống cấp và tỉnh Hà Giang chưa xây dựng được quy chế quản lý khu di tích.

Theo ông Bảo, tại cuộc họp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hà Giang ngày 21/5, ông đã thông báo nếu tỉnh không xây dựng Quy chế quản lý khu di tích kiến trúc nghệ thuật quốc gia nhà họ Vương thì “chúng tôi sẽ tự quản lý".

Để chuẩn bị cho việc tự quản lý thì con cháu họ Vương sẽ tạm đóng cửa khu di tích, không tiếp nhận khách tham quan. Khu dinh thự sẽ mở cửa trở lại khi chính quyền và con cháu họ Vương đạt được sự thống nhất về phân chia nguồn lợi từ thu phí tham quan.

Cháu nội vua Mèo cho biết sẽ đóng cửa dinh thự vào ngày 15/6 tới đây nếu không đạt được thỏa thuận về việc phân chia lợi ích từ nguồn thu bán vé

Cháu nội vua Mèo cho biết sẽ đóng cửa dinh thự vào ngày 15/6 tới đây nếu không đạt được thỏa thuận về việc phân chia lợi ích từ nguồn thu bán vé

Ngày 31/5, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hà Giang có văn bản gửi ông Vương Duy Bảo và Vương Quỳnh Sèo là đại diện hậu duệ họ Vương người H'Mông, đề nghị nghiên cứu, tham gia xây dựng Quy chế quản lý khu dinh thự.

Với quy định về quản lý, sử dụng nguồn thu từ phí tham quan di tích, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hà Giang nêu rõ sẽ "mời đại diện con cháu họ Vương làm việc, bàn bạc cụ thể, thống nhất, sau đó trình cấp có thẩm quyền phê duyệt theo quy định; sau khi được phê duyệt sẽ đưa vào Quy chế".

Ngày 5/6, ông Vương Duy Bảo hồi đáp Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hà Giang, khẳng định đến 15/6, nếu Sở không hoàn thiện quy chế quản lý khu dinh thự họ Vương thì ông sẽ tự quản lý.

Cháu nội vua Mèo cho rằng, sau khi được cấp sổ đỏ khu dinh thự (tháng 5/2019) thì ông "có quyền chiếm hữu, sử dụng và định đoạt vì những quyền này được pháp luật bảo vệ". Do vậy, ông Bảo đề nghị tỉnh Hà Giang mời đại diện họ Vương đến bàn thảo để thống nhất ba vấn đề: Trách nhiệm Nhà nước với dinh thự vì đây là di tích quốc gia; trách nhiệm dòng họ Vương cùng Nhà nước bảo vệ và phát huy giá trị khu di tích; phân chia quyền lợi (từ bán vé) giữa Nhà nước và họ Vương.

Ông Nguyễn Trung Ngọc, Phó chủ tịch huyện Đồng Văn (Hà Giang) cho biết, huyện đang tham mưu để tỉnh sớm hoàn thiện quy chế quản lý di tích nhà họ Vương. Tuy nhiên, việc này phải được làm thận trọng và chặt chẽ.

Theo ông Ngọc, phí tham quan di tích do HĐND tỉnh Hà Giang quyết định (20.000 đồng mỗi lượt tham quan). Tiền thu được dùng để tái đầu tư vào khu di tích, trả lương nhân viên, nộp vào ngân sách tỉnh. Huyện Đồng Văn cũng tuyển dụng 4 người là hậu duệ vua Mèo vào làm việc tại di tích. Thời gian qua, Hà Giang đã chi khoảng 8,5 tỷ đồng để trùng tu khu dinh thự.

Gia đình họ Vương đề nghị lợi nhuận từ bán vé có sai luật?

Trao đổi bên hành lang Quốc hội về vấn đề này, đại biểu Hồ Thị Minh (Ủy viên Hội đồng Dân tộc của Quốc hội) cho hay: “Dinh thự vua Mèo là tài sản là của dòng họ nhưng nó lại là di tích quốc gia nên cần có sự bảo tồn và đặt dưới sự quản lý của nhà nước.

Quyết định đóng cửa có lẽ là chưa đúng nhưng cần có sự trao đổi giữa dòng họ với chính quyền địa phương để vừa khai thác được mà vẫn có điều kiện để giữ gìn trùng tu, bảo vệ.

Sở Văn hóa - thể thao và du lịch Hà Giang cần phải có quy định rõ ràng để dòng họ thấy rằng có sự chia sẻ phần lợi ích giữa gia đình và dòng họ”.

Theo đại biểu Hồ Thị Minh, Bộ Văn hóa cũng phải có nghị định về việc thực hiện, bởi không chỉ có điểm di tích dinh thự vua Mèo mà còn nhiều nơi khác.

“Trong trường hợp di tích thuộc sở hữu của tư nhân, dòng họ, dòng tộc, cộng đồng, nếu chúng ta không đưa ra thiết chế thì chắc chắn nó sẽ dẫn tới việc khó xử lý. Cần có quy định rõ ràng để hài hòa các bên”, đại biểu Hồ Thị Minh kiến nghị.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội Phạm Tất Thắng

Đồng quan điểm này, đại biểu Phạm Tất Thắng, Phó Chủ nhiệm ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội cũng bày tỏ, di tích lịch sử dinh thự vua Mèo có tính chất khá đặc biệt bởi nó gắn liền với một dòng họ, với lịch sử dân tộc.

“Cần có sự hài hòa giữa yêu cầu quản lý, yêu cầu của xã hội, cộng đồng với yêu cầu của chủ sở hữu. Phía cơ quan quản lý phải tạo điều kiện cần thiết để vừa có thể trùng tu, phát huy được di tích, đáp ứng nhu cầu tham quan của cộng đồng. Phía dòng họ, về mặt pháp lý thì đang là chủ sở hữu”, đại biểu Phạm Tất Thắng nêu.

Tuy nhiên, theo Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Thanh thiếu niên Nhi đồng của Quốc hội, họ không phải là chủ sở hữu bình thường mà là chủ sở hữu của một tài sản văn hóa tinh thần của địa phương, cộng đồng, đất nước.

Do đó, ông Vương Duy Bảo nói riêng và dòng họ Vương nói chung cần thể hiện trách nhiệm với cộng đồng thông qua việc bảo tồn, phát huy di tích này cho thật tốt.

“Nếu tiếp cận từ 2 hướng như vậy, gia đình họ Vương đề nghị phân chia nguồn thu được từ vé tham quan cũng là hợp lý. Cơ quan quản lý cần quan tâm tới đề xuất của gia đình họ Vương để vừa bảo tồn vừa phát huy được di tích”, đại biểu Phạm Tất Thắng nêu.

N. Huyền

Nguồn Infonet: https://infonet.vn/khong-duoc-chia-tien-ban-ve-chau-noi-vua-meo-muon-dong-cua-dinh-thu-duoc-khong-post302499.info