Không dùng găng tay khi bán đồ ăn chín sẽ bị phạt một triệu đồng

Từ ngày 20/10, khi kinh doanh thức ăn đường phố mà không có bàn, tủ, giá, kệ... để bày bán thức ăn; thức ăn không được che đậy ngăn chặn bụi bẩn; có côn trùng, động vật gây hại xâm nhập; không sử dụng găng tay khi tiếp xúc trực tiếp với thực phẩm chín, thức ăn ngay sẽ bị phạt tiền cao nhất là một triệu đồng.

Nghị định 115/2018/NĐ-CP ban hành ngày 4/9/2018 quy định về hành vi vi phạm hành chính, hình thức xử phạt và mức phạt, biện pháp khắc phục hậu quả, thẩm quyền lập biên bản vi phạm hành chính và thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm sẽ chính thức có hiệu lực từ ngày 20/10/2018.

Một số mức phạt tiền cao nhất đối với hành vi vi phạm về điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm và Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm.

Không thực hiện thu gom, xử lý chất thải, rác thải theo quy định của pháp luật, mức phạt tiền cao nhất là 10 triệu đồng

Vi phạm quy định tại Điều 15 về điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm trong kinh doanh dịch vụ ăn uống thuộc loại hình cơ sở chế biến suất ăn sẵn, căng tin kinh doanh ăn uống, bếp ăn tập thể; bếp ăn, nhà hàng ăn uống, nhà hàng ăn uống của khách sạn, khu nghỉ dưỡng; cửa hàng ăn uống, cửa hàng, quầy hàng kinh doanh thức ăn ngay, thực phẩm chín và các loại hình khác thực hiện việc chế biến, cung cấp thực phẩm.

Mức xử phạt cao nhất đối với một trong những hành vi vi phạm này là phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng. Ngoài ra, khi vi phạm quy định tại các khoản 4 và 5 Điều này sẽ chịu thêm hình thức xử phạt bổ sung là Đình chỉ một phần hoặc toàn bộ hoạt động sản xuất, chế biến, kinh doanh, cung cấp thực phẩm từ 01 tháng đến 03 tháng.

Không sử dụng găng tay khi tiếp xúc trực tiếp với thực phẩm chín, thức ăn ngay, mức phạt tiền cao nhất là 1 triệu đồng

Đối với hành vi vi phạm quy định tại Điều 16 về điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm trong kinh doanh thức ăn đường phố, mức xử phạt cao nhất đối với một trong những hành vi vi phạm này là phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng. Ngoài ra, đối tượng vi phạm còn phải thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả: Buộc tiêu hủy thực phẩm đối với vi phạm quy định tại điểm c khoản 2 Điều này.

Không có Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm theo quy định của pháp luật, mức phạt tiền cao nhất là 30 triệu đồng

Đối với hành vi vi phạm quy định tại Điều 18 về Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm, mức xử phạt cao nhất đối với một trong những hành vi vi phạm này là phạt tiền từ 40.000.000 đồng đến 60.000.000 đồng đối với hành vi sản xuất thực phẩm bảo vệ sức khỏe mà không có Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm đạt yêu cầu thực hành sản xuất tốt (GMP) thực phẩm bảo vệ sức khỏe theo lộ trình quy định của pháp luật.

Ngoài ra, đối với những vi phạm tại khoản 2 và 3 của Điều này còn phải thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả: Buộc thu hồi thực phẩm; Buộc thay đổi mục đích sử dụng hoặc tái chế hoặc buộc tiêu hủy thực phẩm.

Thẩm quyền lập biên bản vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm được quy định chi tiết từ Điều 27 đến Điều 34 của Nghị định này.

Thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm được quy định chi tiết tại điều 35 Nghị định này.

Nghị định này thay thế Nghị định số 178/2013/NĐ-CP ngày 14/11/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm.

Xem chi tiết Nghị định 115/2018/NĐ-CP tại đây: 115-2018-nd-cp-signed.pdf

Thế Đức

Nguồn BVPL: https://baovephapluat.vn/van-hoa-xa-hoi/doi-song-xa-hoi/khong-dung-gang-tay-khi-ban-do-an-chin-se-bi-phat-mot-trieu-dong-59180.html