Không dùng cái xấu kích thích trí tò mò của công chúng

Là một trong số ít các biên kịch phim truyền hình ăn khách và sung sức hàng đầu hiện nay, thế mạnh của nhà văn Phạm Ngọc Tiến (ảnh nhỏ) lại nằm ở dòng phim vốn bị coi kén khán giả: phim chính luận. Đưa được những vấn đề bức thiết của cuộc sống, những tâm tư, trăn trở mà người dân quan tâm lên màn ảnh nhỏ, vào các khung giờ vàng, và thu hút được sự quan tâm của đông đảo công chúng, nhà văn Phạm Ngọc Tiến lý giải rằng: Giá trị nhân văn đã làm nên sự thu hút…

Là một trong số ít các biên kịch phim truyền hình ăn khách và sung sức hàng đầu hiện nay, thế mạnh của nhà văn Phạm Ngọc Tiến (ảnh nhỏ) lại nằm ở dòng phim vốn bị coi kén khán giả: phim chính luận. Đưa được những vấn đề bức thiết của cuộc sống, những tâm tư, trăn trở mà người dân quan tâm lên màn ảnh nhỏ, vào các khung giờ vàng, và thu hút được sự quan tâm của đông đảo công chúng, nhà văn Phạm Ngọc Tiến lý giải rằng: Giá trị nhân văn đã làm nên sự thu hút…

Tôi không bị áp lực

- Sau bộ phim Sinh tử phát sóng trên VTV tạo nên nhiều tương tác xã hội, nghe nói ông lại tiếp tục bắt tay vào một kịch bản mới, cũng hứa hẹn hấp dẫn không kém. Ông có thể bật mí đôi chút về kịch bản này?

- Đúng vậy, tôi đang ở Nghệ An để viết kịch bản mà lúc đầu tính lấy tên Chọn, nhưng cuối cùng quyết định là Sẽ lành những ngày đau… Cơ duyên khởi nguồn từ tháng 11 năm ngoái, Đài Truyền hình Nghệ An thực hiện dự án làm phim truyện với hình thức xã hội hóa. Thường thì các tỉnh không có điều kiện về máy móc, kỹ thuật, nhân sự nên ít sản xuất phim truyện hoặc có cũng không dài hơi. Đây là lần đầu tiên Truyền hình Nghệ An (NTV) có doanh nghiệp tài trợ, nên mời tôi vào triển khai kịch bản. Sau khi thương thảo trực tiếp thấy mọi chuyện đều cởi mở, tôi nhận lời với điều kiện, đây phải là một bộ phim nói về vùng đất Nghệ An - Hà Tĩnh. Nếu lại là phim chung chung thì sẽ không hiệu quả, tôi muốn làm bật lên được tính địa phương, vùng miền, đặc trưng của Nghệ Tĩnh. Nghệ Tĩnh có thế mạnh là vùng đất có sự di dân lớn, người dân đi khắp nơi làm ăn, sinh sống. Họ có nhu cầu chọn lựa hạnh phúc, có khát vọng đổi đời… Tôi cảm giác, mỗi người dân Nghệ Tĩnh luôn tự làm một cuộc cách mạng nhỏ với chính mình. Đây là chất liệu tuyệt vời với chúng tôi. Kịch bản có nhiều tuyến nhân vật, có nhân vật mưu sinh ở ngay xứ Nghệ, có nhân vật ra Hà Nội học rồi lập nghiệp, lại có những nhân vật tìm cách trốn sang nước ngoài bằng con đường bất hợp pháp, làm các công việc bất hợp pháp như trồng “cỏ” ở Anh. Đây là đề tài mới, mở, lạ. Kịch bản này được cộng hưởng thêm yếu tố đặc biệt, là sự tham gia của nhà báo Trần Đăng Tuấn trong vai trò đồng biên kịch. Dù lần đầu tiên viết kịch bản nhưng nhà báo Trần Đăng Tuấn là người có kiến thức sâu, rộng, và quan trọng nhất anh rất nhân hậu, quan tâm đặc biệt đến số phận con người. Việc mình làm thì cũng không nên nói trước nhưng tôi tự tin chúng tôi sẽ có một kịch bản tốt, nhiều yếu tố hấp dẫn. Tiếc là tiến độ dự án phải chậm lại do dịch Covid-19 vì phim có cảnh quay ở châu Âu, Lào. Phim nói về xứ Nghệ, về khát vọng đổi đời của người dân xứ Nghệ nhưng cũng đại diện cho khát vọng đổi đời của cả đất nước, của cả dân tộc trong sự lựa chọn tìm đường tới hạnh phúc…

- Ông là tác giả của nhiều kịch bản phim truyền hình tạo được tiếng vang như Chuyện làng Nhô, Ma làng, Gió làng Kình, Đàn Trời… hay gần đây nhất là Sinh tử… Vậy khi bắt tay vào viết một kịch bản, ông có phải chịu áp lực nào không?

- Người sáng tác nói chung, cả văn học, điện ảnh, báo chí, đều phải chịu áp lực, mà áp lực lớn nhất là từ một hệ thống biên tập đồ sộ. Kịch bản của mình, bài viết của mình… có đụng chạm gì hay không, có bị biên tập không, thậm chí có được sử dụng hay không? Riêng cá nhân tôi thì thoải mái, không phải chịu áp lực nào từ trên xuống, kể cả trong những kịch bản phim chính luận vì động cơ của tôi luôn là trong sáng, luôn có tinh thần xây dựng… nên truyện phim có nhắc đến những vấn đề gai góc, ví như ở Sinh tử, đụng chạm đến cả vấn đề thể chế thì cũng chỉ là đào sâu suy nghĩ, bám sát vào thực tiễn đời sống và sự vận hành của lịch sử, đưa ra các lý giải cho những câu hỏi mà công chúng quan tâm. Có như thế bộ phim mới khách quan, nhân văn, thuyết phục được người xem. Quan trọng nhất theo tôi là phải phản ánh chân thực đời sống, tác phẩm phải gần với đời sống, nói lên được tiếng nói từ đời sống của người dân…

Đừng sợ những bức tranh ảm đạm

- Hiện nay cũng có những ý kiến cho rằng, văn học nghệ thuật, điện ảnh - truyền hình phản ánh đời sống nhưng lại chỉ nhắm vào mặt tiêu cực, mặt trái, nhấn vào những bất cập của xã hội và có thể gây nên tác dụng ngược. Ông cũng nghĩ thế chứ?

- Tất nhiên xã hội cũng như một con người, luôn có hai mặt tích cực và tiêu cực. Chúng ta đừng lo, phản ánh những vấn đề của xã hội một cách chân thực, kể cả phản ánh cái tiêu cực nhưng cái hiện thực xã hội ấy, cái tiêu cực ấy phải được thể hiện qua lăng kính nghệ thuật. Đây không phải mô tả vụ việc, quan sát cái xấu cái tiêu cực rồi mô tả lại nó một cách trần trụi mà chỉ phân tích nguyên nhân và tìm cách lý giải. Chúng ta đừng sợ những bức tranh ảm đạm, đen tối bởi vì bao trùm lên cái xấu, đó vẫn là cái tốt, cái tốt vẫn luôn chiếm thế thượng phong. Có như thế xã hội mới phát triển được. Nghệ thuật, phim ảnh, nhất là phim truyền hình, phục vụ đại chúng thì phải có cái gì đó cho người ta xem. Ta muốn chuyển tải điều gì, muốn hướng tới các giá trị cao đẹp gì, mà bộ phim không hay, không hấp dẫn, công chúng không xem, thì bao mục đích tốt đẹp cũng vô giá trị. Phản ánh cái xấu không phải để kích thích trí tò mò của người xem, không phải để tạo viral mà đề cập tới cái xấu, vẫn là để công chúng ghê sợ nó, tẩy chay nó, để tôn vinh cái tốt, hướng đến cái tốt. Nhưng làm được điều này hay không lại phụ thuộc vào năng lực của đội ngũ văn nghệ sĩ cũng như sự tự trọng nghề nghiệp của mỗi người…

- Nhưng ở những quốc gia có nền công nghiệp điện ảnh - truyền hình tiên tiến như Mỹ, Hàn Quốc…, họ có những tác phẩm điện ảnh - truyền hình chỉ thuần nói chuyện người tốt việc tốt, nói chuyện anh hùng, chuyện lý tưởng mà vẫn hấp dẫn người xem, thậm chí cả người xem Việt Nam, thưa ông?

- Nếu nhìn ở phim Sinh tử, thì cái tốt xuất hiện nhiều hơn chứ, và rõ ràng lấn lướt cái xấu. Cái tốt lấp đầy đấy nhưng vẫn quyến rũ người xem, thuyết phục được người xem đó thôi. Vấn đề là bản thân câu chuyện dẫn dắt thuyết phục được công chúng chứ không phải sự áp đặt. Áp đặt cảm xúc với công chúng nghệ thuật là không thể được. Đúng là một bộ phim truyền hình của Hàn Quốc lan tỏa được những giá trị tốt đẹp, kể cả tình yêu nước, niềm tự hào dân tộc, hay phim Mỹ cũng có những siêu anh hùng khơi gợi tinh thần xả thân cống hiến mà vẫn chinh phục khán giả cả thế giới vì họ có sự đầu tư rất bài bản, họ đã đi qua quá trình dài có kinh nghiệm… Họ cũng có một quy trình làm việc chuyên nghiệp, nâng lên tầm công nghệ, một tinh thần tự do trong sáng tạo nghệ thuật lẫn một lớp công chúng có trình độ thẩm mỹ, dân trí cao… sẽ là bà đỡ lý tưởng nhất cho sự xuất hiện của các tác phẩm nghệ thuật giá trị, có độ lan tỏa rộng…

- Vậy ông có mơ đến một ngày, phim truyền hình Việt Nam sẽ xuất khẩu đi khắp thế giới, giống như Hàn Quốc?

- Có chứ. Và chúng ta không phải là không có khả năng, không có lợi thế. Tuy nhiên còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Trước hết là một cơ chế đột phá, một tư duy quản lý vị nghệ thuật hơn. Chúng ta cũng phải cải tổ mạnh mẽ các hội đồng duyệt phim, không áp đặt ý chí chủ quan của cá nhân vào quá trình duyệt phim. Có sự minh bạch trong mọi lĩnh vực, có một tâm thế xã hội cởi mở hơn, con người hướng thiện hơn…, thay đổi cách nhìn, cách đưa một bộ phim ra rạp, cứ để nhà sản xuất và ê-kíp sáng tạo tự chịu trách nhiệm về tác phẩm của họ trước pháp luật và công chúng…, thì xuất khẩu phim truyền hình Việt Nam sẽ là hiện thực chứ không chỉ là giấc mơ. Suy cho cùng, đích nhắm tới của một tác phẩm nghệ thuật vẫn là tính nhân văn, đắp bồi được giá trị nhân văn sẽ lay động được con người. Phim các nước được khán giả Việt Nam yêu mến cũng vì điều đó, vì truyền tải được sự xúc động, cảm xúc tốt đẹp được cộng hưởng. Tôi cũng tin vào tương lai như thế của phim truyền hình Việt Nam…

- Trân trọng cảm ơn nhà văn Phạm Ngọc Tiến.

Ở phim Sinh tử cái tốt xuất hiện nhiều và rõ ràng lấn lướt cái xấu, quyến rũ và thuyết phục được người xem.

Ở phim Sinh tử cái tốt xuất hiện nhiều và rõ ràng lấn lướt cái xấu, quyến rũ và thuyết phục được người xem.

NGÔ HƯƠNG SEN (thực hiện)

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.com.vn/tro-chuyen-cuoi-tuan/khong-dung-cai-xau-kich-thich-tri-to-mo-cua-cong-chung-616510/